Nhiều bất cập trong xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ

Sau nhiều năm xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ (CTDCVL) tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), ngoài những hiệu quả đem lại, ở một vài nơi vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình của những bất cập ấy là nơi cần thì chẳng thấy, nơi có lại bỏ hoang, cùng với đó là việc được cấp nền nhưng không ở mà sang nhượng dẫn đến tình trạng khiếu kiện ở một số địa phương…

Nghịch lý ở vị trí xây dựng

Chương trình xây dựng CTDCVL vùng ngập lũ ở ĐBSCL được thực hiện từ năm 2001, giai đoạn 1 có 804 dự án để bảo đảm chỗ ở cho 146.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên bị ngập lụt. Đến nay, chương trình đã bước vào giai đoạn 2, mục tiêu của giai đoạn này là bảo đảm chỗ ở an toàn cho 56.000 hộ dân thuộc 7 tỉnh, thành phố là: Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đồng thời, bổ sung một số hạng mục thiết yếu như bãi rác, kè chống sạt lở cho một số cụm, tuyến trong giai đoạn 1.

Nhà ở vượt lũ bỏ hoang tại khu vượt lũ 1, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Nền hoang nhà trống tại cụm tuyến dân cư vượt lũ ở xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

Trong chuyến công tác tại tỉnh An Giang, chúng tôi đến tìm hiểu khu dân cư vượt lũ số 99 tại ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn. Được đầu tư xây dựng ở vị trí thuận lợi nên hàng trăm ngôi nhà đã được người dân đến ở, là mùa lũ nên nhu cầu ở của người dân lại càng cao hơn. Thế nhưng ngoài những hộ được nhận nhà ở, thì còn rất nhiều hộ nghèo sống ven sông rạch, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở chưa được chuyển đến nơi ở an toàn. Trao đổi với chúng tôi, ông Lâm Văn Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh An Giang có 51 đoạn sông, rạch có nguy cơ sạt lở cao, hiện đang mùa lũ ảnh hưởng khá lớn, trong đó có hơn 30.000 hộ dân bị ảnh hưởng. Từ thực tế và cử tri kiến nghị, chúng tôi đang có chủ trương xây dựng thêm 23 CTDCVL để di dời những hộ dân nghèo, khó khăn đang sống ven sông bị ảnh hưởng nhiều nhất, tạo điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp. Chúng tôi đã báo cáo Bộ Xây dựng để đưa vào đề án tổng thể của khu vực ĐBSCL và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Trong khi những nơi rất cần thì một số địa phương khác được đầu tư xây dựng lại bỏ hoang. Đã lâu nay cụm dân cư ấp Long Sơn, xã Thông Bình, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, hàng loạt nền nhà bỏ hoang gây nên lãng phí lớn, hơn 100 nền thì có đến 30 nền xây nhà xong bỏ hoang. Trên thực tế, nhiều hộ dân đang bám víu ở những khu vực không còn bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, họ lại từ chối khi địa phương cấp nền trong các CTDCVL. Lý do chính là tập quán sinh sống của cư dân gắn liền với sông nước hoặc gần chợ, tiện lợi cho việc mưu sinh, đi lại. Trong khi đó, phần lớn các CTDCVL lại được quy hoạch ở giữa đồng, cách xa khu vực mua bán. Chính bất cập đó dẫn đến nghịch lý khu dân cư bị bỏ hoang trong khi người dân sống thấp thỏm trong vùng sạt lở. Đây cũng là thực trạng chung ở một số địa phương khác.

Khu dân cư Cả Nổ ở xã Vĩnh Lợi, một trong 28 cụm nhà vượt lũ của huyện Tân Hưng (vùng trũng của Đồng Tháp Mười), tỉnh Long An được xây dựng năm 2002. Những căn nhà rộng vài chục đến hàng trăm mét vuông, cũng như các địa phương khác giá ưu đãi nhà và nền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng, nhưng sau 10 năm xây dựng, nơi này vẫn hoang vắng. Trên 100 nhà cấp bốn được xây tường kiên cố chạy dọc gần 2km của tuyến dân cư thì có gần 50 căn trong tình trạng bỏ hoang. Bên ngoài cỏ dại, dây leo mọc um tùm. Tường nhà rêu phủ kín, nứt nẻ, đổ sập. Một số căn xuống cấp không còn cửa, mái, chỉ còn trơ khung nhà, bên trong cỏ mọc cao quá đầu. Ông Trương Văn Đệ, một người dân sinh sống ở địa phương cho biết: “Cuộc sống của những người dân nghèo vùng sông nước chủ yếu dựa vào con tôm, con cá và mua bán, tuy nhiên chuyển về đây cuộc sống mưu sinh của người dân càng khó khăn hơn bởi không có việc làm, không có thu nhập vì vậy họ đành bỏ về sống ven sông”.

Bất cập trong việc sang nhượng

Đối với các trường hợp thuộc đối tượng của chương trình CTDCVL được thụ hưởng nhiều chính sách ưu đãi, trong đó, được hỗ trợ mua trả chậm một nền nhà tối đa không quá 10 triệu đồng. Theo quy định chung, các hộ dân thuộc đối tượng chương trình không được chuyển nhượng, cầm cố, sang bán nền mới được cấp trong thời gian 10 năm. Điều đó có nghĩa, sau thời gian 10 năm mới được chuyển nhượng, mua bán. Trong đó quy định về chuyển nhượng, mua bán nền CTDCVL thuộc đối tượng của chương trình cũng nêu rõ: “Khi chuyển nhượng, mua bán phải nộp cho ngân sách địa phương 50% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ theo quy định tại thời điểm chuyển nhượng”. Thế nhưng, thời gian gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra việc tranh chấp, khiếu kiện về chuyển nhượng, mua bán liên quan đến các quy định trên.

Tại khu dân cư vượt lũ mới nằm ngay gần thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, nhiều hộ dân được ưu tiên cấp nền tại đây nhưng lại không ở, khi chúng tôi hỏi những hộ dân sinh sống ở đây thì phần lớn là được cho thuê và bán lại bằng giấy viết tay. Còn ở khu vượt lũ 1 sát thị trấn Ngã Sau thì nhiều nhà ở vẫn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”, xuống cấp. Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết: “Nhiều hộ dân ở khu vượt lũ mới sang nhượng nhưng không thông qua chính quyền địa phương. Đến nay đã hơn 10 năm nhưng nhiều hộ vì khó khăn nên bỏ đi nơi khác sinh sống rồi để hoang, gây khó khăn cho công tác thu hồi nợ”.

Trên thực tế đã xảy ra những vụ khiếu kiện ở một số địa phương. Trong hồ sơ gửi các cơ quan chức năng, bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An, trước đó có mua của ông Lê Văn Chỗ một nền nhà thuộc CTDCVL ở xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ. Bà Hằng đã trả cho ông Chỗ số tiền theo thỏa thuận và chuyển đến bộ phận một cửa của huyện vào ngày 9-9-2016, đến ngày 30-9-2016 bà Hằng tới nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì được thông báo ông Chỗ còn nợ cơ quan thuế 67,5 triệu đồng, là số tiền 50% giá trị lô nền theo bảng giá đất của địa phương. Bà Hằng muốn nhận được giấy tờ thì phải nộp đủ số tiền trên.

Nhiều cử tri kiến nghị việc xây dựng CTDCVL cần bảo đảm vị trí xây dựng, tránh tình trạng cấp nền nhưng không ở rồi dẫn đến tình trạng bỏ hoang gây lãng phí lớn. Cùng với đó có nhiều giải pháp đồng bộ, tạo việc làm hoặc đào tạo nghề cho người dân chuyển đến nơi ở mới, giúp dân an cư lạc nghiệp không còn sống thấp thỏm lo âu ở vùng lũ, sạt lở.

HOÀNG NHƯỠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-bat-cap-trong-xay-dung-cum-tuyen-dan-cu-vuot-lu-517510