Nhiều bất thường về quyền sở hữu nhà đất số 442 Nguyễn Thị Minh Khai

Trụ sở số 442 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP Hồ Chí Minh là địa chỉ quen thuộc với khách hàng khi thực hiện các giao dịch tại Ngân hàng ACB. Nhưng việc tạo lập được khu nhà này của vợ chồng bà Đặng Thu Thủy và ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB, cổ đông lớn của ACB, có nhiều điều bất thường.

Ông Huỳnh Công Minh đang chờ đợi sự vào cuộc của Thanh tra Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh. Ảnh: GN

Không có quyền sở hữu nhà nhưng được bán nhà

Khu biệt thự song lập số 442 Nguyễn Thị Minh Khai, trước đó là nhà số 442 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 9, quận 3, với diện tích 628,3m 2 , có nguồn gốc của ông Huỳnh Công Cẩn và bà Lâm Thị Út theo Bằng khoán số 2632 ngày 07/09/1961. Trước khi xuất cảnh hợp pháp sang nước ngoài, bà Út làm tờ ủy quyền cho một người con là ông Huỳnh Công Bá với nội dung ông Bá được quyền sử dụng căn nhà, không được thế chấp, mua bán nhà.

Ngày 3/3/1982, Sở Quản lý nhà đất và Công trình công cộng cấp Giấy phép ủy quyền nhà số 808/GP-7 với nội dung: “Ông Huỳnh Công Bá được quyền cư ngụ tại nhà nêu trên, không được phép bán, sang nhượng”. Nhưng từ một người chỉ được ở quản lý nhà không được mua bán, chẳng biết căn cứ vào cơ sở nào, Sở Quản lý nhà đất và Công trình công cộng đã cấp Giấy phép số 1100/GP-7 ngày 29/03/1982 thay thế Giấy phép số 808/GP-7, cho phép ông Bá được hợp thức hóa nhà số 442 Nguyễn Thị Minh Khai.

Từ đó, ngày 13/06/1982, UBND quận 3 cấp Giấy phép số 248/GP/UB cho phép ông Bá được bán một phần căn nhà nêu trên cho ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy với diện tích sử dụng 95,4m 2 . Ngày 23/12/1989, UBND quận 3 tiếp tục ban hành Giấy phép số 2383/GP-UB, cho phép ông Huỳnh Công Bá, ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy được mua bán một phần nhà với diện tích sử dụng 97,51m 2 .

Theo hồ sơ vụ việc, có hai người hoàn toàn xa lạ với chủ sở hữu là bà Mai Thị Phụng Liễu và ông Huỳnh Quang Trung cũng được chính quyền địa phương chứng nhận cho phép hai người này mua bán với nhau một phần nhà đất nêu trên. Không quan tâm đến pháp lý căn nhà, ngày 2/12/1989, UBND quận 3 tiếp tục ban hành Giấy phép số 2218/GP-UB cho phép ông Huỳnh Quang Trung được quyền bán 137,93m 2 diện tích sử dụng trong khuôn viên căn nhà nêu trên cho chính ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy.

Hệ quả của 3 lần mua bán thiếu căn cứ pháp lý là, ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy đã chiếm hữu 330,84m 2 diện tích sử dụng, trong đó gồm 201,14m 2 đất. Điều bất hợp lý này đã bị ông Huỳnh Công Minh, một trong những người con của ông Cẩn và bà Út phát hiện và kiến nghị rằng: “Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, ông Huỳnh Quang Trung và bà Mai Thị Phụng Liễu là những người mà gia đình tôi chưa bao giờ nghe tin biết mặt, hoàn toàn xa lạ, nhưng chính quyền địa phương lại cho phép bà Liễu bán một phần nhà đất của gia đình tôi cho ông Huỳnh Quang Trung rồi ông Trung tiếp tục bán một phần nhà đất này cho ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy với giá chỉ 10 triệu đồng. Sự vụ này nếu không có sự can thiệp của vợ chồng ông chủ ngân hàng thì nhà của gia đình tôi không thể bị mất một cách oan uổng như thế này”.

Cần thanh tra toàn diện vụ việc

Sau khi chiếm phần diện tích đất còn lại của khuôn viên ngôi biệt thự trên, ngày 11/3/2004, ông Trần Mộng Hùng làm Tờ tường trình về nguồn gốc nhà đất với nội dung xin được hợp thức hóa bổ sung diện tích đất ngoài chủ quyền là 427,2m 2 thuộc khuôn viên của 442 Nguyễn Thị Minh Khai và cam kết không tranh chấp, tự chịu trách nhiệm về nội dung tường trình. Từ đó, ngày 3/6/2004, vợ chồng ông Trần Mộng Hùng bà Đặng Thu Thủy được hợp thức hóa và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số 5127/SXD đối với toàn bộ diện tích 628,3m 2 đất và khuôn viên khu biệt thự.

Hiện nay, ngôi biệt thự song lập của người dân đã bị đập phá để khởi công xây dựng cao ốc tại số 442 Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: GN

Ngày 5/1/2008, vợ chồng ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy đã góp vốn ngôi biệt thự này vào Công ty Cổ phần Đầu tư Thời Đại. Công ty này do ông Đặng Phú Vinh là em ruột của bà Đặng Thu Thủy làm chủ. Hiện nay, ngôi biệt thự song lập của người dân đã bị đập phá để khởi công xây dựng cao ốc. Hay nói khác hơn, chỉ với chi phí khoảng ba mươi triệu đồng và tự chiếm hữu phần diện tích nhà đất còn lại, vợ chồng ông Trần Mộng Hùng và bà Đặng Thu Thủy đã sở hữu ngôi biệt thự song lập hàng trăm tỷ đồng của gia đình ông Cẩn, bà Út.

Trong đơn cầu cứu gửi các cơ quan chức năng, ông Huỳnh Công Minh cho rằng, nhà số 442 là tài sản có được từ mồ hôi nước mắt cả đời cha mẹ ông mới tạo dựng được với ước nguyện làm nơi ở và thờ cúng ông bà tổ tiên nay bỗng chốc trở thành tài sản của vợ chồng ông chủ ngân hàng. Anh em chúng tôi hiện nay đã về Việt Nam sinh sống nhưng không có chỗ ở. Chúng tôi kêu cứu khắp nơi nhưng chưa được giải quyết.

Mới đây nhất, ngày 15/2/2017, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản số 76/PC-ĐĐBQH, kiến nghị UBND TP Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết vụ việc theo pháp luật. Tiếp đó, ngày 22/2/2017, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa có Văn bản số 1874/VP-NCPC, chỉ đạo Sở Xây dựng và các cơ quan chức năng kiểm tra, đề xuất giải quyết làm rõ việc mua bán, cấp giấy chứng nhận liên quan đến cơ sở nhà đất 442 Nguyễn Thị Minh Khai.

Nhận định về sự việc này, luật sư Phạm Tấn Thuấn, Văn phòng luật sư Quốc Tuấn cho rằng: Hồ sơ liên quan đến cơ sở nhà đất 442 Nguyễn Thị Minh Khai, có dấu hiệu sai phạm trong việc cho phép mua bán nhà, cấp chủ quyền nhà đất, xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người dân, các cơ quan chức năng, trong đó có Thanh tra Sở xây dựng TP Hồ Chí Minh, cần tiến hành làm rõ bản chất khách quan của vụ việc để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân.

Giang Nhật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/phap-luat/dieu-tra-qua-don-thu/nhieu-bat-thuong-ve-quyen-so-huu-nha-dat-so-442-nguyen-thi-minh-khai_t114c39n120673