Nhiều bức xúc về dân sinh

“Trong 21 nhóm vấn đề đưa ra để thăm dò ý kiến người dân, có 7 nhóm vấn đề dân sinh được xem là bức xúc nhất vì có tỉ lệ than phiền cao nhất. Điều đáng lưu ý là tỉ lệ này tăng dần qua mỗi lần điều tra!”. Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhận định

* Phóng viên: Thưa ông, kết quả thăm dò về những vấn đề dân sinh năm 2009 có phản ánh đúng bức xúc của người dân TPHCM? - Ông Nguyễn Trung Trực: Đây không phải là lần đầu tiên Phòng Nghiên cứu dư luận xã hội - Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức điều tra dư luận xã hội mà chúng tôi đã làm liên tục 6 năm qua. Chúng tôi làm theo đơn đặt hàng của Thành ủy. Số phiếu điều tra thường từ 1.000 đến 1.500 phiếu nhưng đối tượng điều tra rất đa dạng, như người dân, sinh viên, tiểu thương và cả cán bộ công chức. Vì vậy, ý kiến phản ánh tương đối trung thực và khách quan. Kết quả điều tra được thực hiện vào tháng 12-2009 cho thấy vấn đề giá cả tăng là nhóm bức xúc hàng đầu trong 21 nhóm vấn đề đưa ra thăm dò với tỉ lệ 86,69%, kế đến là các nhóm vấn đề: tình trạng ngập nước đô thị; vệ sinh an toàn thực phẩm; tiền lương, thu nhập; ô nhiễm môi trường; tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông... Dù vị trí các nhóm này có xê dịch qua từng năm nhưng bản chất vẫn là những vấn đề dân sinh mà người dân TP phải đối mặt hằng ngày nên họ phản ánh rất sát sườn. Song nhóm giá cả tăng thì vẫn duy trì bức xúc ở mức cao nhất cho thấy không gì tác động mạnh đến đời sống người dân ngoài yếu tố cơm áo gạo tiền. Ngập nước đô thị luôn là nỗi bức xúc của người dân TPHCM. Ảnh: N.PHÚ * Như ông nói, nhiều nhóm vấn đề dân sinh năm 2009 người dân có vẻ tăng phần bức xúc hơn so với năm trước, điều này đồng nghĩa với việc chất lượng sống có thể giảm đi? - Không hẳn là vậy. Ví dụ bức xúc về tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông, dù kết quả điều tra 6 tháng đầu năm 2009 có tăng hơn cuối năm 2008 nhưng đến cuối năm 2009 lại giảm. Con số này chưa thể khẳng định điều gì nhưng rõ ràng TP có giảm bớt rào chắn vì nhiều tuyến đường rào chắn đã được tháo dỡ vào thời điểm cuối năm 2009 nên tình hình ùn ứ giao thông cũng có giảm, do đó bức xúc của người dân cũng ít hơn. Có thể do việc đào đường, rào chắn án ngữ kéo dài nhiều năm nay làm người dân có giảm giác “quen dần” nên khó thấy sự chuyển biến. Ngược lại, tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm thì quá tệ nên tỉ lệ bức xúc của người dân năm 2009 tăng hơn 20% so với năm 2008. * Thực hiện văn minh đô thị là chủ trương lớn của Đảng bộ và chính quyền TP, qua kết quả điều tra thì tỉ lệ bức xúc của người dân như thế nào, thưa ông? - Ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đã tổ chức thăm dò dư luận về chủ trương thực hiện “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”. Gần 50% ý kiến thăm dò cho rằng văn minh đô thị TP có tốt một phần. Bản thân tôi thấy ý thức của người dân về xây dựng TP văn minh có khá hơn nhiều. Đơn cử như việc thưởng ngoạn tại đường hoa Nguyễn Huệ trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, người dân xem rất trật tự, không có cảnh bẻ hoa, phá phách như những năm trước dù điều kiện “hành xử” cũng có. Điều này thể hiện tính tự giác, tự trọng và ý thức văn minh của người dân. * Kết quả thăm dò, điều tra này sẽ được chính quyền TP sử dụng ra sao, thưa ông? - Sau khi có kết quả thăm dò, Ban Tuyên giáo Thành ủy cung cấp ngay cho Thành ủy. Thành ủy đặt hàng chúng tôi thực hiện việc thăm dò dư luận thường kỳ chính là để lãnh đạo Thành ủy, UBND TP nắm bắt phản ánh của người dân để có giải pháp phù hợp hơn nhằm khắc phục những hạn chế của TP, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Kết quả này có khi còn là sự báo động để bản thân các cơ quan chức năng TP tự xem lại công tác tổ chức, quản lý của mình để người dân giảm bớt sự than phiền, có cuộc sống tốt hơn.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/2010022811589211p0c1077/nhieu-buc-xuc-ve-dan-sinh.htm