'Nhiều cán bộ vì miếng cơm manh áo nên không dám tố cáo thủ trưởng'

“Nhiều vụ đi kiện bị thuê cả đối tượng giang hồ, bụi đời xử lý làm người dân nhụt ý chí; cán bộ công chức thì vì miếng cơm manh áo nên không dám kiện thủ trưởng, sợ bị trù dập. Không ai bảo đảm, không có cơ chế minh bạch nên nhiều người thua thiệt” – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt đề nghị có cơ chế bảo vệ quyền và tính mạng của người tố cáo.

Sáng nay, 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 8, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tố cáo.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu thừa ủy quyền Chính phủ trình bày tờ trình cho biết, dự thảo Luật chỉ quy định hai hình thức tố cáo (như quy định của Luật tố cáo năm 2011) là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp. Điều này nhằm xác định rõ trách nhiệm của người tố cáo, tránh tình trạng lợi dụng các hình thức tố cáo để tố cáo tràn lan, cố ý tố cáo sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo. Đối với tố giác, tin báo tội phạm, tố cáo trong hoạt động tố tụng thì đã có quy định về các hình thức tố cáo khác được điều chỉnh ở các luật tố tụng.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày lại cho thấy, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm hình thức tố cáo khác như tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử… để tạo điều kiện cho các công dân thực hiện quyền tố cáo.

“Đây là các hình thức thông tin thông dụng, tiện lợi, phổ biến hiện nay, phù hợp với Luật phòng, chống tham nhũng. Đồng thời Bộ luật hình sự cũng thừa nhận dữ liệu điện tử là nguồn chứng cứ (Điều 87) cũng như việc tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm qua điện thoại hoặc phương tiện thông tin khác (Điều 146). Luật giao dịch điện tử cũng đã xác định rõ giá trị của các giao dịch điện tử tương tự bằng giao dịch văn bản…” – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu chỉ nghe tố cáo qua điện thoại mà không xác minh được nguồn gốc thì sẽ làm tình hình trở nên phức tạp. “Khi tôi còn ở Quảng Ninh hay nhận được những cuộc gọi tố cáo khai thác than trái phép, nhưng khi cán bộ đến hiện trường thì không hề có”, đại biểu lấy ví dụ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, việc tố cáo bằng các hình thức khác như điện thoại, email… phục vụ cho cơ quan điều tra thì hợp lý, thiết thực hơn. Người tố cáo phải có văn bản đầy đủ, chi tiết, có bằng chứng chứng minh, chứ nếu chỉ qua nhắn tin thì sẽ làm nhiễu, làm phức tạp tình hình…

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ tham luận tại phiên họp

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Luật Phòng, chống tham nhũng cho phép cơ quan, tổ chức tạo điều kiện để các cá nhân gửi đơn tố cáo, chúng ta cũng đang hướng tới xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý Nhà nước, nếu luật này chúng ta không mở thì không đồng bộ.

Tuy nhiên nếu tối ngày cứ nhắn tin, gọi điện tố cáo như khủng bố tinh thần, có khi đêm giao thừa cũng nhắn tin… thì cũng không được. “Cần quy định gửi email, tin nhắn tố cáo phải đúng người, đúng cơ quan, chứ không gửi lung tung. Gửi cho hàng trăm hàng nghìn người là không được, luật phải quy định rõ. Nếu gửi lung tung, không đúng quy trình thì không xem xét” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về tố cáo nặc danh (không rõ họ, tên, địa chỉ người tố cáo), tờ trình của Chính phủ chưa quy định về việc giải quyết. Tổng Thanh tra Chính phủ lý giải, Quy định của Đảng và Luật tố cáo hiện hành chưa chấp nhận xem xét, giải quyết đơn tố cáo không rõ, họ tên địa người tố cáo. Trong những năm qua các cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh. Trong đó có đến 59,3% là tố cáo sai và 28,3% tố cáo có đúng, có sai.

“Vì vậy, nếu Luật quy định việc giải quyết tố cáo nặc danh sẽ gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong quá trình xem xét, giải quyết. Hơn nữa, trường hợp người tố cáo lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh sai sự thật thì không có căn cứ để xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người tố cáo” – ông Phan Văn Sáu nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt

Đồng tình với Chính phủ về việc không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt lo ngại hiện chưa có cơ chế bảo lãnh quyền và tính mạng của người khiếu nại, tố cáo. “Nhiều vụ đi kiện bị thuê cả đối tượng giang hồ, bụi đời xử lý làm người dân nhụt ý chí; cán bộ công chức thì vì miếng cơm manh áo nên không dám kiện thủ trưởng, sợ bị trù dập. Không ai bảo đảm, không có cơ chế minh bạch nên nhiều người thua thiệt” – ông phân tích.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhất trí với quan điểm này, bởi người đi tố cáo tâm lý rất sợ bị trả thù. “Phải rõ ràng trách nhiệm, cơ chế phối hợp của cơ quan đơn vị trong việc bảo vệ người tố cáo. Chứ khi đi tố cáo mà để người bị tố cáo đưa các lực lượng đến răn đe thì không thể yên tâm và không dám đi từ đầu đến cuối vụ việc được”.

“Như chuyện ở một trường phổ thông, chỉ cần một cô hiệu trưởng có ý kiến là những giáo viên khác không dám nói khác cô hiệu trưởng rồi, như vậy vấn đề tố cáo đích danh rất khó xảy ra” – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Thanh Bình lại lưu ý nếu bỏ tố cáo nặc danh sẽ bỏ lọt rất nhiều thông tin.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Bên cạnh đó, báo cáo thẩm tra của UBTVQH cũng nêu ra một thực tế, nhiều trường hợp tuy là đơn tố cáo nặc danh nhưng có gửi kèm các bằng chứng rõ ràng, có căn cứ về việc vi phạm pháp luật (như các tài liệu, vật chứng, ảnh, đoạn băng ghi âm, ghi hình…) thì các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần xác minh, xem xét, xử lý, tránh bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thống nhất, về đơn tố cáo nặc danh, mạo danh thì không xem xét giải quyết. Tuy nhiên những đơn có nội dung rất cụ thể, rõ ràng thì chúng ta phải có trách nhiệm, đặc biệt thủ trưởng các đơn vị phải chú hơn trong công tác lãnh đạo, điều hành, có biện pháp thanh tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất vấn đề tố cáo…

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-can-bo-vi-mieng-com-manh-ao-nen-khong-dam-to-cao-thu-truong-432383/