Nhiều cấp phó vì nền hành chính dựa dẫm vào nhau

"Chúng ta đang có một nền hành chính thương nhau, đoàn kết trong nháy nháy, nên hiệu quả không cao".

PGS.TS Ngô Thành Can - Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính đưa ra quan điểm của mình về câu chuyện các cơ quan bổ nhiệm thừa cấp phó vì nền hành chí họp hành nhiều.

Trách nhiệm, quyền lực không được cụ thể hóa

PV:- Mới đây, Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng, tình trạng họp hành liên tục đã dẫn đến phát sinh nhiều cấp phó, nên dù cấp phó nhiều vẫn thấy thiếu.

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên câu chuyện phát sinh cấp phó nhiều vì đi họp được đưa ra, trước đó, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng từng thừa nhận do nền hành chính của chúng ta họp hành nhiều, nên mới phát sinh nhiều cấp phó. Theo ông vì sao lại tồn tại thực trạng nhiều cấp phó mà vẫn không đủ họp như vậy? Lý do này theo ông hợp lý ở điểm nào và không hợp lý ở điểm nào?

PGS.TS Ngô Thành Can:- Hiện nay, một số vị trí đã quy định rõ bao nhiêu cấp phó, như các cơ quan cấp Sở, cấp phòng của huyện nhưng cũng còn nhiều vị trí lại không có quy định rõ, nên lượng cấp phó hiện nay mới phát sinh nhiều.

Thêm nữa, dù có quy định nhưng nhiều nơi các đơn vị vẫn bổ nhiệm tràn lan nhiều cấp phó, tôi cũng đã gặp một số anh chị nói xin thêm lãnh đạo để đủ người đi họp, vì để chuyên viên đi họp không tiện, cần phải có chức danh.

Tất cả những việc này chỉ là biện hộ cho một nền hành chính còn đang yếu kém, một nhà nước muốn mạnh được thì phải có kỷ cương, phép tắc. Nếu chỉ giải quyết bằng cách nhìn vào người này hay người kia làm thì nền hành chính sẽ không thể mạnh lên được.

PGS.TS Ngô Thành Can - Phó khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính

Trước đây, chúng tôi chỉ dùng một câu nói vui, "chúng ta đang có một nền hành chính thương nhau, đoàn kết trong nháy nháy", trong khi, đáng ra không được làm theo những cái không đúng chủ trương, đường lối, nguyên tắc và cũng không thể nói là vì một vài lý do nào đó, là không thuyết phục.

Nếu một nền hành chính mạnh có sự phân cấp, phân quyền, sự phân công đàng hoàng, rõ ràng, chắc chắn họ sẽ làm tốt. Ví dụ Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng, Thứ trưởng giao cho Vụ trưởng, Vụ trưởng giao cho Trưởng phòng, Trưởng phòng giao cho chuyên viên, phân ra làm, cấp nào được phép làm ở cấp đó, phòng làm việc của phòng, vụ làm của vụ, không thể làm việc lẫn của nhau, phải phân chia rõ ràng".

Một số nền công vụ tiến bộ hiện nay rất ít người, vì 1 người cũng có thể làm được việc của nhiều người, thiết nghĩ, vì sao chúng ta không làm được? Tôi hay ví von, so với ngày xưa của các cụ, vì sao một khu vực chỉ có một số người quyết định, vẫn hoàn thành tốt.

Tất nhiên xã hội hiện nay đã thay đổi có nhiều cái khác, nhưng rõ ràng vị trí phân công công việc là không rõ ràng, đâm ra nhiều khi chúng ta đổ lỗi cho việc này, việc kia, văn bản sai, trình độ non đổ cho đánh máy, bộc lộ ra một nền công vụ yếu.

Gần đây, khi tiếp xúc một số vấn đề ở một thành phố lớn, Thủ tướng chỉ rõ quản lý nhà nước của chúng ta đang yếu, nên nhìn thẳng vào sự thật, củng cố đội ngũ, nâng cao trách nhiệm lên, phân vị trí rõ ràng, chứ còn hiện tượng 1/3 cán bộ công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về thì không khá lên được.

Theo tôi cũng có khía cạnh đúng, so với tình trạng chúng ta chưa chặt chẽ, nhưng không thể bám vào đó mà khẳng định cần nhiều cấp phó hơn nữa, điều đó là không nên.

Có một vị ĐBQH từng nói, nếu cứ tiếp tục tình trạng cả bộ máy dựa dẫm vào nhau, trách nhiệm, quyền lực không được cụ thể hóa, thì không thể khá lên. Đây là một hệ thống thể chế, nên cần xem gốc rễ, nhìn thẳng vấn đề sửa văn bản quy phạm, pháp luật, cơ chế.

Vì thế, cần phải xây dựng một nhà nước pháp quyền đúng nghĩa của nó, tôn trọng pháp luật, tôi nghĩ dần dần chúng ta sẽ làm được.

PV:- Trong nhiều năm qua, chúng ta đã kêu gọi các địa phương, cơ quan quản lý giảm cấp phó nhưng vẫn chưa giảm được, nghĩa là vấn đề gốc rễ không nằm ở quy định về số lượng cấp phó hiện nay không được thực hiện nghiêm túc, mà là do cung cách làm việc của chúng ta đang có vấn đề, điều này theo ông đã được đặt ra chưa?

PGS.TS Ngô Thành Can:- Vấn đề này nhiều nơi đã có quy định nhưng không làm chặt chẽ, chuẩn ngay từ đầu, nơi này nhìn nơi kia, nơi thì bảo nơi này, nơi khác làm có sao đâu nên cứ thế làm, tự nhiên thành kỷ luật, kỷ cương không chặt, trên bảo dưới không nghe.

Và vấn đề này theo tôi, ai cũng biết, chẳng qua không nói, chỉ làm hình thức, quá trình bổ nhiệm người tài cũng thế, bổ nhiệm sai cũng đúng quy trình, cả họ làm quan cũng đúng quy trình, mà họ làm đúng quy trình thật.

Trong sâu thẳm các vấn đề là tiêu chí, tiêu chuẩn, ưu tiên ưu đãi, hình thức đó làm dung túng, bao che những cái người ta thực hiện, trong khi vẫn phải nắm vào pháp quyền, văn bản chặt chẽ, thực thi cho tốt, đặc biệt là có chế tài.

Chúng ta mới chỉ kêu gọi hình thức, quy trình hình thức, chứ còn nếu làm chặt chẽ, ai cũng có trách nhiệm, áp dụng đúng không có ngoại lệ thì sẽ làm được. Xóa bỏ ngay cách làm xuề xòa, thương nhau, giúp đỡ nhau, khi có chế tài sẽ không ai dám làm sai.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/nhieu-cap-pho-vi-nen-hanh-chinh-dua-dam-vao-nhau-3334328/