Nhiều câu hỏi xung quanh việc di dời tòa nhà cục tác chiến

Trả lời câu hỏi của NNVN về việc di chuyển tòa nhà có di chuyển hầm tác chiến không, có đảm bảo nguyên vẹn được tòa nhà Cục Tác chiến không? Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết...

Tòa nhà Cục Tác chiến trong nhìn từ điện Kính Thiên

Dự án Bảo tồn nhà Cục tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên thuộc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) do Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội làm chủ đầu tư sẽ được thực hiện từ năm 2016 - 2017 với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn do ngân sách TP Hà Nội cấp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc di dời tòa nhà Cục Tác chiến có thật sự cần thiết? Trong quá trình di dời, ai dám đảm bảo tòa nhà này sẽ nguyên vẹn? Bởi vì, các chuyên gia nhìn thấy rất rõ nguy cơ tòa nhà sẽ thành phế tích, thành đống gạch vụn mà không một ông thần đèn nào đảm đương nổi.

Từ năm 1955 sau ngày tiếp quản Thủ đô, Cục Tác chiến đã đóng trụ sở tại tòa nhà nằm trong di tích Hoàng thành Thăng Long hiện nay. Sau nửa thế kỷ, Bộ Quốc phòng mới bàn giao tòa nhà cho UBND TP Hà Nội quản lý. Từ 2004, tòa nhà thuộc di tích Hoàng thành Thăng Long. Đây là di tích quan trọng của Tổng hành dinh trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mùa xuân năm 1975. Tòa nhà Cục Tác chiến đã ghi dấu ấn của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng.

Hồi ký “Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng”, Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ghi lại nhiều cuộc họp quan trọng tại đây. Xin nêu một vài ví dụ.

Những ngày tháng 3/1975 sôi động khi mở màn chiến dịch Tây Nguyên: “Đã trở thành lệ thường, các anh trong Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thường đến Tổng hành dinh dự giao ban, nghe Bộ Tổng Tham mưu báo cáo tình hình chiến sự, trao đổi ý kiến chỉ đạo kịp thời. Riêng tôi, ngoài những giờ làm việc ban ngày, thường là thông tầm không nghỉ trưa, tối nào cũng vào Sở chỉ huy bằng lối cửa tây, làm việc và ngủ luôn tại đấy”.

Sang tháng 4, Tây Nguyên, Huế và Đà Nẵng dồn dập báo tin chiến thắng về. Quân đội ta áp sát cửa ngõ Sài Gòn. Đại tướng - Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp viết:

“Những ngày này, tôi ở luôn tại Tổng hành dinh, không về nhà riêng, dù hai nơi chỉ cách nhau vài trăm mét. Trong phòng làm việc, các đồng chí công vụ đã kê thêm một chiếc giường con. Ngoài các tấm bản đồ treo trên tường, tôi đặt thêm một tấm bản đồ quân sự miền Nam ngay dưới tấm kính rộng trên mặt bàn để tiện theo dõi, suy nghĩ”.

Theo phương án thực hiện, Hoàng thành Thăng Long sẽ di chuyển cây xanh, hiện vật của nhà Cục Tác chiến về kho tạm và di chuyển về nhà Cục Tác chiến tại vị trí mới; hạ giải nhà N2B (diện tích 175,7m2); làm đường di chuyển, làm móng mới, gia cố công trình trước khi di chuyển; di dời nhà Cục tác chiến diện tích 940 m2 về vị trí nhà N2B cũ; hoàn thiện, sửa chữa công trình; chỉnh trang, hoàn trả lại phần sân vườn diện tích khoảng 2.800m2...

Trả lời câu hỏi của NNVN về việc di chuyển tòa nhà có di chuyển hầm tác chiến không, có đảm bảo nguyên vẹn được tòa nhà Cục Tác chiến không? Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết: Sẽ di chuyển nhà Cục Tác chiến, không di chuyển hầm; Biện pháp thi công sẽ hoàn thiện với báo cáo khả thi; Do báo cáo khả thi chưa được phê duyệt nên chưa thực hiện đến bước lựa chọn nhà thầu thi công.

Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam nêu câu hỏi: “Hà cớ gì chúng ta lại di chuyển tòa nhà đi để rồi còn lại một phần của di tích ấy là hầm tác chiến? Tôi không nói đến chuyện rủi ro trong quá trình di chuyển tòa nhà ấy vỡ ra, rồi chúng ta lại đưa nó vào chỗ cũ hay dời đến chỗ mới rồi chúng ta bắt đầu chắp vá. Nếu có ai đó nói rằng di tích ấy quan trọng gì? Vậy thời đại Hồ Chí Minh có quan trọng với lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam không? Nếu di tích tòa nhà Cục Tác chiến không quan trọng nữa thì ai đó cứ ra lệnh cho phá toàn bộ những tòa nhà trong di tích đi, để cho nó đẹp đi”.

Lưu ý Hà Nội giữ nguyên trạng di tích

“Năm 2004 Bộ Quốc phòng bàn giao khu A cho UBND TP Hà Nội. Tôi nhớ trong cuộc bàn giao mà suốt trong quá trình tôi cùng với cán bộ, nhân viên của Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chúng tôi có thể nói là đã lao động cật lực để hình thành và hoàn chỉnh bộ hồ sơ để bàn giao cho TP Hà Nội.

Người bàn giao lúc bấy giờ là Thượng tướng - Tổng tham mưu trưởng Phùng Quang Thanh (sau là Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - PV). Người nhận bàn giao để ký vào văn bản đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên. Tôi là người chuẩn bị và trực tiếp chứng kiến cuộc bàn giao này. Trong đấy lưu ý UBND TP Hà Nội giữ nguyên trạng di tích. Bởi vì đây là một di tích rất đặc biệt, xưa và nay gắn quyện với nhau”, Thiếu tướng Lê Mã Lương.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhieu-cau-hoi-xung-quanh-viec-di-doi-toa-nha-cuc-tac-chien-post179001.html