Nhiều cơ hội chưa được tận dụng

KTĐT - Ông Nguyễn Cẩm Tú -Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: Việc Việt Nam ra nhập WTO đã khiến hàng rào bảo hộ tại các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam giảm mạnh, hàng hóa VN đã không bị phân biệt đối xử như trước.

Xuất khẩu tăng mạnh Ông Nguyễn Cẩm Tú -Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định: Việc Việt Nam ra nhập WTO đã khiến hàng rào bảo hộ tại các nước nhập khẩu hàng hóa Việt Nam giảm mạnh, hàng hóa VN đã không bị phân biệt đối xử như trước. Điều này tạo đà cho hoạt động xuất khẩu (XK) mạnh, hiện hàng hóa XK của Việt Nam đã được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Không chỉ có vậy, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường XK trọng yếu như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam tại các thị trường trọng yếu tăng đáng kể. Ngay sau khi gia nhập WTO, một số mặt hàng đã tăng đột biến về kim ngạch XK như: Sản phẩm nhựa tăng 56,9%, dệt may 32,1%, túi xách và ví tăng 24,9%. Trong 2 năm 2008-2009, kim ngạch xuất nhập khẩu trung bình đạt 150 tỷ USD/năm, tương đương với hơn 160% GDP của cả nước. Tuy nhiên điều đáng mừng hơn cả là sự thay đổi tích cực trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Cơ cấu XK chuyển dịch dần từ XK sản phẩm thô (dầu mỏ, than đá, cao su, gạo…) sang sản phẩm công nghệ chế biến, kể cả sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như điện tử - máy tính luôn có mức tăng trưởng từ 20,8 - 28,4% trong giai đoạn 2006 - 2008, trong năm 2009 mặc dù gặp nhiều khó khăn do khủng hoảng tài chính, mặt hàng này vẫn có tốc độ tăng trưởng 15,3%. " Điều đó chứng tỏ Việt Nam bước đầu đã phát huy được lợi thế động bên cạnh việc tiếp tục tận dụng những lợi thế tĩnh vốn có của mình", ông Tú nhận định. Không chỉ có vậy, TS Võ Trí Thành-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Việc gia nhập WTO cũng góp phần làm tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng XK của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc trong giai đoạn 2007- 2008, tốc độ tăng trưởng XK của Việt Nam vào các thị trường chính luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng nhập khẩu của các nước này. Năm 2009, mức XK của Việt Nam tại các thị trường này nhỏ hơn mức giảm nhập khẩu của họ. Điều này cho thấy sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam đã được cải thiện và thị phần của hàng Việt Nam trên các thị trường lớn đã gia tăng. Theo đánh giá của nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan: 3 năm hội nhập với nền kinh tế thế giới, đã thúc đẩy việc gia tăng XK, mặc dù năm 2009 bị âm 9% do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhưng nếu chúng ta không tham gia hội nhập, XK sẽ còn bị giảm nhiều hơn. Còn nhiều việc phải làm Mặc dù việc gia nhập WTO đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch XK nhưng cũng bộc lộ những hạn chế trong hoạt động xuất khẩu. Theo TS Đinh Văn Ân - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Hiện hoạt động XK của Việt Nam có những hạn chế mang tính cơ cấu nội tại của nền kinh tế như năng suất có hạn, quy trình thủ tục XK còn rườm rà, các chi phí liên quan đến dịch vụ hậu cần, tài chính ngân hàng cao dẫn đến khả năng cạnh tranh của hàng XK Việt Nam thấp. Công nghiệp phụ trợ chưa phát triển nên hầu hết nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên giá trị gia tăng của hàng XK không cao. Khả năng chủ động nắm bắt cơ hội thuận lợi để thâm nhập khai thác thị trường của doanh nghiệp còn hạn chế; Công tác xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc. Tại cuộc họp đánh giá 3 năm Việt Nam gia nhập WTO, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng triệt để được lợi ích từ việc gia nhập WTO cũng như các hiệp định thương mại song phương và khu vực, từ đó khai thác hết tiềm năng của những thị trường XK chủ yếu của Việt Nam; Hiện chỉ có 20% doanh nghiệp tận dụng được lợi thế về thuế quan, xuất xứ hàng hóa trong hoạt động XK. Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN: Hiện chủng loại mặt hàng xuất khẩu còn nghèo nàn, tập trung vào một số ít mặt hàng XK chủ lực nên thiếu tính đột phá. Giá trị và khối lượng XK một số mặt hàng chủ lực như sản phẩm gỗ, giầy dép, dây diện và cáp điện chưa có sự biến đổi mạnh so với thời điểm trước khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, thậm chí có xu hướng chững lại, thậm chí còn thấp hơn so với giai đoạn trước khi ra nhập WTO. Chẳng hạn, tăng trưởng kim ngạch XK bình quân hàng năm trong hai năm 2007 - 2008 của sản phảm dây điện và cáp điện giảm xuống còn 19,1%, trong khi ở giai đoạn 2004-2006 tăng trưởng kim ngạch XK của mặt hàng này lên đến 42,7%. Ngoài ra, cơ cấu hàng XK vẫn phụ thuộc vào các mặt hàng thô như khoáng sản, nông lâm thủy sản; Các mặt hàng công nghiệp như điện tử, máy tính… vẫn mang tính gia công, lắp ráp nên giá trị gia tăng thấp. Hiện tỷ trọng giá trị XK các mặt hàng sử dụng công nghệ thấp chiếm đến 44,5% tổng giá trị kim ngạch XK. Tỷ trọng giá trị XK các mặt hàng có sử dụng công nghệ cao tăng trưởng chậm từ 14,5% năm 2004 lên 18,1% năm 2008. Lê Nam

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=45&newsid=221582