Nhiều công trình thủy lợi nhỏ và vừa ở miền núi Thanh Hóa hiệu quả thấp

Giai đoạn 2010 - 2016, khu vực miền núi Thanh Hóa được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng một hồ chứa, 23 đập dâng, 31 trạm bơm, 40 tuyến kênh mương, nâng cấp 303 công trình thủy lợi nhỏ và vừa. Sau đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa, các công trình thủy lợi trên địa bàn các huyện miền núi cơ bản phát huy hiệu quả, góp phần phục vụ sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân.

Dù vậy, giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa cho thấy, việc đầu tư xây dựng một số công trình thủy lợi chưa phù hợp với thứ tự ưu tiên theo quy hoạch được duyệt. Nhiều công trình thủy lợi do xã, huyện làm chủ đầu tư nhưng việc khảo sát, thiết kế, giám sát thi công chưa được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kết quả thực hiện chưa phù hợp với thực tế.

Qua kiểm tra, giám sát, khảo sát 70 công trình, có đến 40% công trình khảo sát, thiết kế thi công chưa hợp lý, như: mặt đập thấp hơn kênh mương, kênh mương thấp hơn mặt ruộng; kích thước kênh mương xây dựng bất hợp lý, lưu thông kém.

Một số công trình xây dựng hiệu quả kém, như: đập mương bản Chanh, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, trị giá ba tỷ đồng, mới hoàn thành chưa kịp bàn giao đã bị đất, đá vùi lấp; đập mương Na Dẹ, xã Lâm Phú, huyện Lang Chánh, thiết kế mặt đập thấp hơn kênh mương; đập Nà Kham, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, thiết kế kênh mương đầu nguồn thấp, hẹp, nước lưu thông kém, không dẫn nước về được cuối nguồn.

Một số công trình đầu tư chưa đúng mục đích, dàn trải, không hiệu quả, như: công trình đập suối Lét, xã Tam Chung, huyện Mường Lát, có tổng mức đầu tư 1,7 tỷ đồng để dâng nước tưới cho 15 ha, nhưng chỉ tưới được khoảng 0,25 ha; đập mương Bù Đàn, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh, có mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng để khai hoang 40ha lúa nước nhưng thực tế chỉ tưới được khoảng 2ha.

Đập mương Sa Vít ở xã Trung Lý, đập mương bản Ái ở xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, có tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng từ ba nguồn vốn khác nhau nhưng mỗi dự án thiết kế một kiểu, xây dựng kênh mương không đồng bộ, nước lưu thông kém, vào ruộng ít.

Một số công trình thi công xây dựng chưa bảo đảm chất lượng và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, khi đưa vào khai thác, vận hành nhanh xuống cấp với các biểu hiện: hỏng sân tiêu năng, mặt đập xói lở, thấm rò rỉ thân đập, kênh mương bị thủng đáy. Các huyện đề nghị thay thế xây dựng kênh mương bê tông bằng lắp đặt đường ống cao su hoặc ống nhựa, bảo đảm tiết kiệm, an toàn, hiệu quả hơn nhưng không được các sở chuyên ngành thẩm định chấp nhận.

Thi công đường dẫn và cầu vượt sông về các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi Thanh Hóa.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33429202-nhieu-cong-trinh-thuy-loi-nho-va-vua-o-mien-nui-thanh-hoa-hieu-qua-thap.html