Nhiều đại học ở TP HCM tiếp tục 'vét' thí sinh

Với hy vọng lấp đầy hàng nghìn chỉ tiêu đang thiếu, nhiều trường đại học phải xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 với điểm nhận hồ sơ khá thấp.

Ngày 7/9, ông Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng cho biết, trường chính thức xét tuyển bổ sung đợt 2 hệ đại học, cao đẳng chính quy với 1.200 chỉ tiêu ở tất cả các ngành. Trong đó, ở hệ đại học, ngành Dược học lấy điểm xét tuyển là 20, các ngành còn lại lấy 15 điểm.

Theo ông Chung, với phương thức xét học bạ THPT, Đại học Hồng Bàng nhận hồ sơ có tổng điểm năm lớp 12 của 3 môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt 24 điểm, với ngành Dược, và 18 điểm với tất cả các ngành còn lại. Năm nay, trường Đại học Hồng Bàng có 4.000 chỉ tiêu.

Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào Đại học Hoa Sen. Ảnh: Mạnh Tùng

Đại học Hoa Sen cũng xét tuyển 450 chỉ tiêu bổ sung đợt 2 với 21 ngành ở bậc đại học và 2 ngành ở bậc cao đẳng. Với phương thức 1 dựa vào kết quả thi THPT quốc gia, điểm nhận hồ sơ ở hầu hết các ngành là 15: Truyền thông và mạng máy tính, Kỹ thuật phần mềm, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Marketing, Tài chính - Ngân hàng...

Ngoài ra, Đại học Hoa Sen còn nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 theo phương thức tuyển sinh riêng như: sử dụng kết quả 3 năm THPT có sơ tuyển năng khiếu; sử dụng chứng chỉ Anh văn quốc tế hoặc học sinh giỏi 3 năm THPT...

Tương tự, nhiều đại học ngoài công lập ở TP HCM phải tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu như Đại học Nguyễn Tất Thành, Đại học Văn Hiến... với điểm nhận hồ sơ hầu hết các ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục là 15.

Bên cạnh đó, một số trường đại học công lập lớn tại TP HCM cũng rơi vào cảnh không tuyển đủ chỉ tiêu sau khi xét tuyển đợt 1 và bổ sung đợt 1. Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 2 cho 11 ngành do trường cấp bằng và các chương trình liên kết: Công nghệ sinh học, Công nghệ thực phẩm, Hóa sinh, Kỹ thuật y sinh... Tổng chỉ tiêu bổ sung đợt này là 275, điểm nhận hồ sơ 15-21.

Trường Đại học Công nghiệp TP HCM cũng còn khoảng 1.000 chỉ tiêu còn thiếu trong tổng số hơn 6.000 chỉ tiêu năm nay. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đợt 2 của trường là 16 với hệ đại trà và 15 với hệ chất lượng cao.

Nguyên tắc xét tuyển của trường là căn cứ trên điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu của ngành, không có mức chênh lệch điểm trúng tuyển đối với các tổ hợp xét tuyển khác nhau của cùng một ngành xét tuyển. Khi có nhiều thí sinh có cùng tổng điểm dẫn đến vượt chỉ tiêu, nhà trường sẽ xét thêm tiêu chí phụ là điểm thi môn chính trong tổ hợp xét tuyển.

Ngoài ra, Đại học Nông lâm TP HCM cũng ra thông báo xét tuyển bổ sung đợt 2 với gần 500 chỉ tiêu. Trong đó, với cơ sở chính tại TP HCM, trường tuyển 90 chỉ tiêu cho hai ngành Lâm nghiệp và Quản lý đất đai, 55 chỉ tiêu cho chương trình cử nhân quốc tế. Điểm sàn xét tuyển tại cơ sở TP HCM là 18.

Đồng thời, Đại học Nông lâm TP HCM cũng tuyển bổ sung 155 chỉ tiêu tại phân hiệu Gia Lai với điểm sàn xét tuyển là 16 và tuyển 205 chỉ tiêu ở phân hiệu Ninh Thuận với hồ sơ từ 15 điểm.

Với tình hình tuyển sinh năm nay, nhiều trường đang thiếu chỉ tiêu lo lắng vì nguồn cung thí sinh đã cạn kiệt. "Các trường còn thiếu chỉ tiêu đang vớt vát những thí sinh cuối cùng. Dù điểm nhận hồ sơ và điểm trúng tuyển chỉ bằng điểm sàn của Bộ Giáo dục thì việc tuyển đủ chỉ tiêu cũng rất khó. Nhiều thí sinh đủ điểm vào đại học nhưng nếu cân nhắc học phí sẽ chấp nhận học cao đẳng", cán bộ tuyển sinh một trường ngoài công lập tại TP HCM cho biết.

Trước đó, trong xét tuyển bổ sung đợt 1, nhiều thí sinh trên cả nước đã bức xúc khi cùng đăng ký một ngành ở một trường nhưng người điểm cao thì rớt, người điểm thấp lại đậu.

Theo VNE

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/giao-duc-khoa-hoc/giao-duc/201609/nhieu-dai-hoc-o-tp-hcm-tiep-tuc-vet-thi-sinh-2732651/