Nhiều dấu hiệu bất thường trong quản lý đất đai ở huyện miền núi Hướng Hóa

Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) tập trung nhiều nhất tại thị trấn Khe Sanh, có hàng nghìn hécta rừng và đất rừng của Nhà nước bị xâm hại, lấn chiếm trái phép.

Một số cán bộ, lãnh đạo đơn vị, phòng, ban chức năng liên quan của địa phương đã xác nhận đất có nguồn gốc khai hoang để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các cá nhân, hộ gia đình, khiến cử tri hết sức bất bình.

Một công trình nhà dân được xây dựng ngay trong cánh rừng hàng chục năm tuổi.

Một công trình nhà dân được xây dựng ngay trong cánh rừng hàng chục năm tuổi.

PV Báo CAND tìm hiểu sự việc, cho thấy, ngày 8/1/2008, UBND tỉnh Quảng Trị có quyết định phê duyệt ranh giới, diện tích quản lý và đất lâm nghiệp quy hoạch cho BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông, với tổng diện tích 30.546,1ha. Trong đó, đất quy hoạch lâm nghiệp 29.013,6ha bao gồm 12.555,5ha rừng tự nhiên, 5.109,3ha rừng trồng, 11.348,8ha đất trống đồi núi trọc và 1.532,2ha đất nông nghiệp, thổ cư, đất khác xen kẽ. Thế nhưng, trong 15 năm nay, rừng và đất rừng kể trên, nhất là khu vực gần dân cư, đường sá được mở mới, giảm mạnh qua hàng năm, đến nay còn chưa tới 26.000ha.

Theo ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông, nguyên nhân do người dân trên địa bàn xâm hại và lấn chiếm, chính quyền và ngành chức năng ở đây trong chỉ đạo, phối hợp xử lý còn nhiều bất cập và thiếu sự nhiệt tình. Để công tác quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả, đồng thời đảm bảo người dân có đất phát triển sản xuất nhưng ít gây tác hại đối với rừng, không phá vỡ hệ thống môi trường sinh thái xung quanh, các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan và UBND các huyện Hướng Hóa, Đakrông thống nhất việc thực hiện rà soát, bóc tách một phần rừng và đất rừng này giao cho các địa phương trên quản lý, bảo vệ và sử dụng theo đúng pháp luật. Tuy nhiên trong những năm qua, diện tích rừng và đất rừng đề nghị và tiến hành bóc tách này nhiều lần biến động theo các con số tiến khiến không chỉ rừng, đất rừng ngày càng bị thu hẹp mà còn công tác quản lý, sử dụng đất sau bóc tách, bàn giao của các địa phương kể trên nảy sinh nhiều bất cập và trái pháp luật.

Đơn cử, chỉ riêng đợt bóc tách vào quý 1/2013, Hướng Hóa được giao hơn 2.008ha để phân bổ cho 9 xã, thị trấn trên địa trên bàn. Nhưng từ đó đến nay, phần lớn diện tích đất này đã không được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp ở địa phương xây dựng phương án sử dụng theo quy định của pháp luật và quyết định của UBND tỉnh, mà chủ yếu cấp riêng lẻ sổ đỏ với việc xác nhận đất có nguốc gốc từ khai hoang cho các cá nhân, hộ gia đình trong và ngoài địa bàn. Riêng tại thị trấn Khe Sanh, PV Báo CAND phát hiện nhiều trường hợp được cấp trái phép theo phương thức kể trên, tập trung chủ yếu tại khu vực rừng thông hàng chục năm tuổi trước đây do BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông quản lý, bảo vệ, nằm sát khối 2 và khối 7 qua đường Hùng Vương nối dài của thị trấn.

Nhằm xác minh làm rõ từng trường hợp, vụ việc cụ thể, chúng tôi liên hệ làm việc và được ông Nguyễn Xuân Hữu, Chủ tịch UBND thị Khe Sanh cho biết, đối với các cá nhân, hộ gia đình hiện đang có nhà ở và sử dụng đất tại khu vực đồi thông nói trên, đã được UBND huyện Hướng Hóa cấp sổ đỏ. Tại khối 7 qua đường Hùng Vương nối dài, ngoại trừ một số trường hợp, còn lại tương tự. Song, ông Hữu nói rằng, ông không nắm rõ từng trường hợp nên đề nghị chúng tôi có thể làm việc với ông Lê Khánh Vũ, cán bộ Địa chính – Xây dựng của thị trấn.

Tuy nhiên qua làm việc, ông Vũ cho rằng, từ trước đến nay, đơn vị chưa từng xác minh đất có nguồn gốc từ BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông để cấp sổ đỏ cho người khác. Việc cấp đất cho các cá nhân, hộ gia đình ở hai khu vực kể trên đều là đất có nguồn gốc khai hoang, sử dụng liên tục và ổn định nhiều năm, đúng theo quy định pháp luật(?!). “Tôi làm Địa chính – Xây dựng ở thị trấn này 7 năm. Trong thời gian này, tôi không thấy hồ sơ nào về đất đai có nguồn gốc từ BQL RPH Hướng Hóa Đakrông, được bóc tách, giao về cho địa phương quản lý, sử dụng. Hiện nay, tại đơn vị cũng không có hồ sơ lưu nào có liên quan như thế”, ông Vũ nói thêm.

PV Báo CAND làm việc với ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa, phụ trách mảng đất đai. Song ông Thuận bảo rằng, ông là người ký cấp sổ đỏ cho các cá nhân, hộ gia đình, theo thẩm quyền quản lý của UBND huyện, nhưng không… rành lắm về lĩnh vực này(!). “Sau khi hồ sơ đã được Phòng TN-MT huyện kiểm tra, trình lên thì tôi ký”, ông Thuận nói thêm.

Khi PV đề nghị được tìm hiểu nội dung rừng và đất rừng nói trên được bóc tách, giao về cho huyện quản lý, sử dụng, ông Thuận lại bảo ông Dương Phước Định, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện (trước đây ông Định là Trưởng phòng TN-MT huyện) kiểm tra, trả lời. Sau nhiều tuần, PV liên hệ trở lại để làm việc nhưng ông Định trả lời “không tìm thấy hồ sơ liên quan” (?!). PV Báo CAND tiếp tục làm việc với ông Vương Viết Thắng, Phó Trưởng Phòng TN-MT huyện Hướng Hóa nhưng ông Thắng cũng trả lời “không có hồ sơ lưu và việc quản lý đất này chỉ trên… bản đồ” (?!).

Trong khi đó, theo xác minh của PV Báo CAND, thực tế khác hẳn so với những gì các ông Vũ, Thắng và Định trả lời. Cụ thể, từ trước và sau năm 2012 đến 2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã ít nhất 3 lần thu hồi đất của BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông, giao về cho các huyện này quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật và thực tế của địa phương. Hiện, các hồ sơ này vẫn đang được lưu giữ, sử dụng tại các đơn vị liên quan như Sở NN&PTNT tỉnh, Sở TN&MT tỉnh và BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông. Riêng hơn 2.008ha được bóc tách, bàn giao cho huyện Hướng Hóa kể trên, tại xã Tân Hợp có 65,98ha, Tân Liên 17,42ha, Tân Thành 76,63ha, Húc 340,29ha, Hướng Tân 352,61ha, Hướng Linh 554,30ha, Hướng Phùng 511,71ha, Hướng Sơn 86,88ha và thị trấn Khe Sanh 2,28ha.

Trước tình trạng buông lỏng quản lý đất đai trên địa bàn huyện Hướng Hóa, ông Nguyễn Thế Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm Môi trường và Đô thị huyện này bức xúc, cho biết, trước và sau khi đường Hùng Vương nối dài được xây dựng, có nhiều cá nhân dựng lán trại hai bên đường để xâm hại rừng và lấn chiếm đất của Nhà nước nhưng chính quyền địa phương, các đơn vị chức năng có trách nhiệm liên quan không có sự can thiệp, hoặc có sự can thiệp nhưng yếu ớt, thậm chí có dấu hiệu buông lỏng quản lý.

PV Báo CAND xác minh, tìm hiểu việc phản ánh tại khu vực này, nằm ngay bên con đường Hùng Vương nối dài là ngôi nhà 2 tầng đồ sộ của hộ ông Lê Gia Bảng (nguyên Trưởng Ban Dân vận huyện Hướng Hóa) xây dựng trái phép trên đất rừng của Nhà nước. Tiếp đó là nhiều ngôi nhà khác được xây dựng kiên cố trên đất trồng cây lâu năm nhưng vừa được UBND huyện Hướng Hóa cấp sổ đỏ đất ở lâu dài. Tình trạng này diễn ra tương tự tại cánh rừng thông hàng chục năm tuổi ven khối 2 của thị trấn Khe Sanh. Thậm chí, ở đây có nhiều ngôi nhà được xây dựng lấn sâu vào bên trong cánh rừng, cùng với đó là các hoạt động đào bới, chặt phá cây rừng để mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc BQL RPH Hướng Hóa – Đakrông khẳng định, toàn bộ khu vực này đã được bóc tách, thu hồi đất và rừng, giao về cho địa phương quản lý.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-doc-cand/nhieu-dau-hieu-bat-thuong-trong-quan-ly-dat-dai-o-huyen-mien-nui-huong-hoa-i707381/