Nhiều địa phương đề xuất dừng thí điểm xe 'tàng hình'

Nhiều Sở GTVT địa phương và chuyên gia vận tải cho rằng, các xe Grab, Uber có hình thức kinh doanh như taxi nhưng lại hoạt động theo “mác” xe hợp đồng là không đúng quy định. Nhằm ngăn chặn các xe tiếp tục “tàng hình” gây rối giao thông, trốn thuế, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT cần dừng triển khai, xem xét lại đề án trước khi quá muộn.

Taxi truyền thống xếp hàng nối dài, ít khách vì bị mất thế trận với taxi “tàng hình” tại sân bay. Ảnh: Trọng Đảng.

Tránh “vết xe đổ”

Trước thực tế xe kinh doanh vận tải có ứng dụng công nghệ theo Đề án 24 của Bộ GTVT, trong đó có nhiều xe Grab hoạt động mập mờ, không rõ ràng, Sở GTVT Đà Nẵng đã chủ động không triển khai ngay từ ngày đầu. Về pháp luật, hiện xe Grab và Uber không được phép hoạt động trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong văn bản báo cáo các cơ quan chức năng, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Lê Văn Trung thông tin, trên cơ sở đánh giá cơ bản về loại hình kinh doanh vận tải có ứng dụng công nghệ, Sở GTVT Đà Nẵng thấy rằng, các xe hoạt động tương tự như loại hình vận tải taxi truyền thống. Nếu đưa vào hoạt động sẽ làm gia tăng số lượng xe được cấp phép, phá vỡ quy hoạch taxi của thành phố đã phê duyệt đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030.

Liên hệ với hoạt động của xe Grab tại Hà Nội, TPHCM - hai địa phương đang triển khai Đề án 24, lãnh đạo Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng, ngoài taxi Hà Nội đã cấp phép thêm trên 7.000 xe và TP HCM trên 20.000 xe hợp đồng. Cùng với đó, một lượng lớn xe ô tô cá nhân từ các địa phương lân cận chuyển về Hà Nội và TP HCM để gia nhập “đội quân” xe công nghệ, đa phần các xã viên này không đóng thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. Thành phố Hà Nội và TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp để giải quyết ùn tắc nhưng sau một thời gian thí điểm xe công nghệ, ùn tắc giao thông không có chiều hướng giảm mà còn tăng. Để tránh lặp lại như ở thành phố Hà Nội và TPHCM, Sở GTVT Đà Nẵng có ý kiến với thành phố đề xuất Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ cho thành phố chưa triển khai thí điểm loại hình kinh doanh vận tải có ứng dụng công nghệ.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT về sự việc trên, Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, với những lý do được các sở ngành chuyên môn đưa ra, tại cuộc họp đầu năm 2017, Thường trực Thành ủy thống nhất, giao cho UBND thành phố có văn bản gửi Bộ GTVT về việc thành phố chưa triển khai ứng dụng Grab tại thời điểm hiện nay.

Nhiều nơi đề xuất dừng thí điểm

Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên triển khai thí điểm Đề án 24, tuy nhiên đánh giá sau gần 2 năm triển khai, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, còn có những hạn chế, bất hợp lý. Theo đó, trong Văn bản số 834/SGTVT vừa ký gửi các cơ quan liên quan sau gần 2 năm triển khai đề án, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Hà Huy Quang cho rằng: Grab, Uber có hình thức hoạt động tương tự như taxi nhưng đang không tuân thủ các phương án tổ chức giao thông trên đường. Đặc biệt theo quy hoạch taxi đã được thành phố Hà Nội phê duyệt đến năm 2018 Hà Nội có 22.800 xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ. Nhưng nay nếu cộng 19.265 xe taxi hiện có với 10.943 xe vừa được ra tăng theo hình thức hợp đồng thì Hà Nội đã có tổng cộng trên 30.200 xe kinh doanh dưới 9 chỗ. Do làm bùng nổ phương tiện kinh doanh, phá vỡ quy hoạch taxi nên trong phần kiến nghị, lãnh đạo Sở GTVT đề nghị: “Căn cứ vào những lý do trên, Sở GTVT Hà Nội đề xuất UBND thành phố kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng cấp phép các đơn vị và phương tiện tham gia thí điểm theo ứng dụng công nghệ của Đề án 24”.

Đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại, bất cập của xe Grab, Uber, Sở GTVT TPHCM cũng vừa có văn bản kiến nghị cả Chính phủ và Bộ GTVT một số nội dung. Cụ thể, với Chính phủ, Sở GTVT TPHCM kiến nghị được dừng cấp phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và phù hiệu đối với xe ô tô dưới 9 chỗ kể cả ô tô mang biển số tỉnh thành khác chuyển về TPHCM tham gia kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Việc này giúp Sở GTVT TPHCM tuân thủ, thực hiện đúng số lượng xe chở khách dưới 9 chỗ theo quy hoạch. Với Bộ GTVT, Sở GTVT TPHCM kiến nghị, dán logo (dòng chữ GRAB hoặc UBER…) hai bên cánh cửa xe ô tô kinh doanh để phân biệt xe tham gia ứng dụng phần mềm ứng dụng công nghệ với các loại hình xe khác; xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế Nghị định 86, trong đó quy định rõ điều kiện để quản lý đối với các đơn vị cung cấp phần mềm điện tử phù hợp với thực tế quản lý vận tải hiện nay.

Đại diện Sở GTVT Khánh Hòa cho biết, trong thời gian hoàn thiện chính sách liên quan đến xe công nghệ, Bộ GTVT cần tạm dừng cho phát triển thêm loại hình xe Grab, Uber.

Do xe công nghệ được gắn “mác” xe hợp đồng, dễ “tàng hình” hoạt động, nhiều Sở GTVT địa phương đã đề nghị Bộ GTVT dừng thí điểm. Ảnh: Trọng Đảng.

Taxi truyền thống phải “lột xác”

So sánh giữa dịch vụ taxi truyền thống ở các nước với taxi truyền thống ở Việt Nam, nhiều hành khách và chuyên gia vận tải cho rằng, taxi Việt Nam còn hạn chế nhiều mặt. Trong đó dịch vụ và hình thức kết nối lạc hậu; bộ máy quản lý cồng kềnh, chi phí cao; đặc biệt là tình trạng hoạt động chụp giật, chặt chém, không trung thực với khách hàng đôi khi vẫn diễn ra. Nhiều doanh nghiệp taxi được thành lập ra chỉ để bán cái, bán thương hiệu, bán xe cho tài xế giá cao… Điều này đã góp phần làm xấu hình ảnh taxi truyền thống, dẫn đến một bộ phận khách mất niềm tin, tài xế cũng bỏ sang loại hình ứng dụng mới.

Để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, phù hợp với xu thế phát triển mới, các chuyên gia vận tải đưa ra giải pháp, việc các hãng taxi truyền thống cần làm ngay là điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Hơn một năm qua giá xăng giảm nhiều lần, giảm sâu, nhưng cước taxi gần như đứng yên. Như vậy ngoài sự không tuân thủ quy luật thị trường, đây còn là sự thờ ơ với quyền lợi người tiêu dùng. Đã vận hành theo cơ chế thị trường thì giá xăng giảm đương nhiên giá cước vận tải phải giảm, điều này thể hiện sự sòng phẳng, đàng hoàng trong kinh doanh. Hơn nữa người tiêu dùng cũng cảm thấy mình được tôn trọng, chia sẻ.

Trong xu thế phát triển và hội nhập, đặc biệt Chính phủ đang tham gia tích cực vào cuộc cách mạng 4.0 (Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4), tất cả doanh nghiệp nếu không muốn bị đẩy ra rìa thì phải thay đổi. Với doanh nghiệp taxi, “cơn lốc” Grab, Uber hiện nay là một bài học đắt giá, muốn cạnh tranh thì không thể sử dụng hình thức kinh doanh lâu nay là cứ tung xe chạy lông nhông vợt khách ngoài đường, thậm chí ngồi phòng lạnh chờ điện thoại rung chuông. Trong xu thế hội nhập, càng không thể kêu gọi Chính phủ “bảo hộ” hay cùng đồng thanh lên tiếng tẩy chay các loại hình dịch vụ có ứng dụng công nghệ khi họ vào Việt Nam và tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam.

Với cơ quan quản lý, nhiều ý kiến cho rằng, cũng phải đổi mới tư duy để kịp thời nhận diện, cập nhật và định hình chính sách; khách quan đưa ra các quyết định có lợi lâu dài cho cộng đồng chứ không phải tư duy nhiệm kỳ, lợi ích cục bộ… Với thực trạng xe Grab, Uber hiện nay, có ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý đã không kiểm soát được tình hình, thậm chí bị doanh nghiệp nước ngoài thao túng (?!)

(Còn nữa)

Tổng cục Thuế yêu cầu kiểm tra việc nộp thuế của Grab, Uber

Ngày 6/6, sau khi báo Tiền Phong đăng bài “Bùng nổ phương tiện, thất thu thuế”, trong loạt “Được gì sau 3 năm Grab, Uber vào Việt Nam”, ngay trong ngày Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi các Cục Thuế yêu cầu kiểm tra thông tin nộp thuế của Grab, Uber. Công văn số 2471/TCT-TNCN, do bà Nguyễn Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân, nêu rõ: Ngày 6/6/2017 báo Tiền Phong có bài viết đăng về nội dung trên, về vấn đề này Tổng cục Thuế đề nghị Cục Thuế kiểm tra các DN, HTX, cá nhân vận tải taxi truyền thống và Cty TNHH Uber, Grab để phản hồi với báo Tiền Phong; đồng thời báo cáo Tổng cục trước ngày 13/6.

T. Đảng

“Cầu cứu” Thủ tướng vì hoạt động vận tải bị phá vỡ

Trước sự gia tăng phương tiện không kiểm soát, hoạt động bất bình đẳng và nhà nước thất thu thuế, hiệp hội vận tải và chính quyền một số địa phương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành liên quan. Riêng thành phố Đà Nẵng cương quyết không thực hiện thí điểm xe có ứng dụng công nghệ theo Đề án 24 của Bộ GTVT.

Bùng nổ phương tiện, thất thu thuế

Để không gây ùn tắc giao thông, từ nhiều năm qua thành phố Hà Nội và TPHCM đã không cấp phép tăng thêm xe taxi, tuy nhiên khi Grab, Uber được Bộ GTVT cho thí điểm ứng dụng công nghệ (Đề án 24) ở 5 đô thị lớn, lượng xe ô tô kinh doanh dưới 9 chỗ tại đây tăng không kiểm soát, thậm chí ở TPHCM lượng xe chạy hợp đồng còn vượt gấp đôi taxi truyền thống. Cùng với đó, Nhà nước đang thất thu thuế cả nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Được gì sau 3 năm Grab, Uber vào Việt Nam?

Không phủ nhận khi các loại hình chở khách có ứng dụng công nghệ như Grab, Uber vào Việt Nam đã giúp người dân có cơ hội được đi ô tô dịch vụ giá rẻ và buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới mình. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, xã hội, trong đó có giao thông và thị trường vận tải, các loại hình trên đang phá vỡ mọi trật tự.

Trọng Đảng

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/nhieu-dia-phuong-de-xuat-dung-thi-diem-xe-tang-hinh-1156392.tpo