Nhiều doanh nghiệp vận tải sẽ bị “khai tử”

Theo kế hoạch của Sở GTVT Hà Nội, trước ngày 15.8 sẽ hoàn tất việc sắp xếp, điều chuyển luồng tuyến tại bến xe Mỹ Đình. Tuy nhiên sáng 15.8, duy nhất chỉ có tuyến Hà Nội - Thái Nguyên và ngược lại đã chuyển ra bến Nam Thăng Long.

Việc điều chuyển vẫn còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho cả DN vận tải và hành khách.

Quản lý chưa khoa học

Sau rất nhiều cuộc họp, giữa Sở GTVT cùng các ban ngành liên quan và các DN vận tải hành khách, nhưng các cơ quan này dường như chưa tìm được tiếng nói chung về việc điều chuyển, sắp xếp bến xe Mỹ Đình. Thời điểm hiện tại, nhiều DN vận tải hành khách phải điều chuyển vẫn chưa đăng ký nốt, tuyến tại các bến mới. Ngoài ra, nhiều DN vận tải cho rằng, việc điều chuyển sẽ rất bất lợi đối với họ và hành khách.

Theo đại diện Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam (VATA), nguyên nhân của tình trạng mất trật tự giao thông ở khu vực bến xe Mỹ Đình không phải do bến xe quá tải mà do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý đất đai xung quanh khu vực bến, để phát sinh các “bến cóc” tràn lan, từ đó “xe dù” hoạt động công khai mà không ngăn chặn nổi.

VATA kiến nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo đổi mới tổ chức quản lý điều hành tại bến xe khoa học, linh hoạt, tăng tần suất xe xuất bến. Rà soát và cắt giảm những “nốt” xe ít khách, vì chính những xe này sau khi xuất bến còn tiếp tục chạy loanh quanh đón khách ngoài bến.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tiến - GĐ bến xe Mỹ Đình - thì sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, đến nay, khu vực bến xe Mỹ Đình đã không còn tình trạng bến “cóc”, xe “dù”, hiện bến xe đang thông thoáng. Sở GTVT đã có QĐ735 để điều chỉnh một số tuyến nhằm giảm tải tại bến xe Mỹ Đình, bến xe đã điều chuyển 62 nốt xe về các bến xe khác. Ngoài ra Sở GTVT cũng đã hỗ trợ khách di chuyển từ bến xe Mỹ Đình lên bến Nam Thăng Long bằng xe buýt miễn phí.

Trước đó, như báo LĐ đã đưa tin ngày 13.8 vừa qua, UBND TPHN và Bộ GTVT có buổi họp để giải quyết vấn đề giảm tải cho bến xe Mỹ Đình, đại diện TCty Vận tải Hà Nội cho rằng, DN muốn điều chuyển cũng phải cần có thời gian để đăng ký lại, ký hợp đồng với bến mới, công bố cho người dân, hành khách...

Nhà xe và khách ngày một xa nhau

Ngày 15.8, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội - đã ký quyết định số 1733 ngừng các xe hoạt động trên tuyến vận tải hành khách liên tỉnh kém hiệu quả tại bến xe Mỹ Đình và số 1734 sắp xếp lại tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội - Thái Nguyên từ bến Mỹ Đình về bến xe Nam Thăng Long.

Theo đó, yêu cầu các đơn vị vận tải nếu có nhu cầu tiếp tục hoạt động đăng ký khai thác tại bến xe Yên Nghĩa, Gia Lâm, Nước Ngầm. Các DN vận tải hoạt động kém hiệu quả chủ yếu chạy từ Mỹ Đình đi các tỉnh phía bắc. Đánh giá về việc “hoạt động kém hiệu quả”, lãnh đạo Sở GTVT phân tích, tỉ lệ thực hiện của 62 xe cho thấy chỉ thực hiện chưa tới 50% so với kế hoạch đăng ký lượt xe chạy.

Cá biệt, có trường hợp chỉ chạy được 1%. Thậm chí, có DN còn không thực hiện lượt xe nào. “Cty TNHH Việt Thanh có xe BKS 29LD - 4116 chạy tuyến Mỹ Đình - Bãi Cháy, đăng ký giờ xuất bến lúc 18 giờ 15 với lượt xe theo kế hoạch lên tới 90 lượt, nhưng thực tế chỉ thực hiện có 1 lượt; Cty CPTM Phúc Hưng chạy tuyến Mỹ Đình - Ấm Thượng (Phú Thọ) xe BKS 19N - 3296, giờ xuất bến lúc 14 giờ 45, đăng ký 90 lượt nhưng không có lượt xe nào chạy” - vị lãnh đạo này dẫn chứng.

Cũng trong ngày 15.8, Sở GTVT đã điều chuyển 61 xe với 75 nốt các tuyến chạy bến xe Mỹ Đình đi Thái Nguyên. Qua ghi nhận của PV Báo LĐ cho thấy, do chưa biết bến xe này nên lượng khách đến bến rất ít. Đại diện nhà xe Tiến & Tiến chạy tuyến Mỹ Đình - Nga Sơn (Thanh Hóa) cho biết, hiện khách đi lại quen xe, quen bến, giờ chuyển bến mới rất khó khăn cho DN và hành khách. Không có khách, xe bị lỗ, buộc phải đóng cửa, bến Yên Nghĩa xa khu dân cư không có khách.

Đại diện Cty TNHH Hà Sơn Hải chạy tuyến Mỹ Đình – Hoằng Hóa (Thanh Hóa) - ông Trần Hữu Quang - cho rằng, quyết định của Sở GTVT gây khó khăn cho DN vì nếu điều chuyển cần phải có lộ trình dài hơn để DN và hành khách chuẩn bị. Nếu bến Mỹ Đình giải quyết tốt nạn xe “cóc”, xe “dù” cùng với việc mở rộng bến thì sẽ không phải điều chuyển.

Chúng tôi chạy tuyến này lâu năm, DN và khách đã quen nhau, trong khi các bến mới không có khách vì xa dân cư. Nếu đăng ký ở bến mới không có khách, chạy xe không thì chúng tôi sẽ phá sản. Việc điều chuyển xe kéo dài là “khai tử” DN chứ không hỗ trợ DN.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-doanh/nhieu-doanh-nghiep-van-tai-se-bi-khai-tu/133191.bld