Nhiều dự án chưa dành quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội

Nhiều vấn đề nóng về quy hoạch, xây dựng, trật tự đô thị đã được Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội đề cập trong buổi giám sát tại Sở Quy hoạch&Kiến trúc (QH&KT Hà Nội) chiều 31/10.

Toàn cảnh buổi giám sát của HĐND TP Hà Nội tại Sở Quy hoạch&Kiến trúc Hà Nội

Tại buổi giám sát của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội với Sở QH&KT Hà Nội về kết quả thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch, thực hiện quy định về tỉ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết số 06/2013/NQ-HĐND của HĐND TP ngày 12/7/2013 trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở QH KT Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho rằng, kết quả triển khai các biện pháp đảm bảo thực hiện quy hoạch, thực hiện quy định về tỉ lệ diện tích đất ở, nhà ở để phát triển NƠXH trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới theo quy định của Luật Thủ đô và Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND của HĐND TP Hà Nội vẫn còn một số tồn tại.
Cụ thể, việc chậm di dời các cơ sở công nghiệp, cơ sở giáo dục, y tế ra khỏi khu vực nội đô.Mặc dù Chính phủ đã có Quyết định 130/QĐ-TTg giao các bộ, ngành xây dựng danh mục, tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời các cơ quan, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế ra khỏi 12 quận nội thành. Tuy nhiên, đến nay nội dung này chưa được triển khai tích cực để trình Thủ tướng phê duyệt. Do vậy, việc đề xuất sử dụng quỹ đất sau di dời để xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội của TP Hà Nội tại thời điểm này chưa thực hiện được. Một số cơ quan đơn vị đã thực hiện di dơìnhưng quỹ đất sau di dời thường được sử dụng làm cơ sở 2 hoặc lập dự án đầu tư xây dựng kinh doanh, thương mại, không bàn giao cho TP để quản lý, khai thác bổ sung hạ tầng xã hội và kỹ thuật… Công tác di dời các cơ sở công nghiệp cũng còn manh mún do gặp khó khăn về tài chính, cơ chế chính sách hỗ trợ, hình thức di dời…
Hạn chế thứ hai là thời gian thực hiện lập đồ án quy hoạch chi tiết các trục đường giao thông mới mở trên địa bàn TP còn kéo dài. Việc thực thi theo đồ án sau khi được phê duyệt chưa đáp ứng được mục tiêu, chưa đồng bộ quy hoạch hai bên đường với kế hoạch mở đường, vẫn phát sinh các trường hợp nhà “siêu mỏng, siêu méo” dẫn đến thiếu đồng bộ về cảnh quan khi mở đường. Trên thực tế, phạm vi lập quy hoạch (tối thiểu 50m mỗi bên) đã được tuân thủ trong đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, song đến nay chưa có tuyến đường nào thực hiện thu hồi đất hai bên đường đồng thời với dự án mở đường.

Ủy viên Thường trực, Trưởng ban đô thị HĐND TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân phát biểu tại buổi làm việc.

Về khó khăn khi thực hiện Nghị quyết 06/2012/NQ-HĐND của HĐND TP, Phó Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Bùi Xuân Tùng cho biết: “Trong nghị quyết có quy định: Khi phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị mới trên địa bàn TP có quy mô sử dụng đất từ 10ha trở lên phải dành 25% diện tích đất ở hoặc 25% diện tích nhà ở để phát triển NƠXH. Nghị quyết không phân biệt vị trí dự án thuộc khu vực đô thị hoặc khu vực nông thôn mà áp dụng trên toàn địa bàn TP. Tuy nhiên theo Nghị định của Chính phủ, đối với dự án có quy mô trên 10ha tại các đô thị từ loại 3 trở lên và khu vực quy hoạch là đô thị loại 3 trở lên mới phải dành 20% tổng diện tích đất ở trong đồ án quy hoạch chi tiết hoặc tổng mặt bằng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật để xây dựng NƠXH. Do vậy cần nghiên cứu chỉnh sửa Nghị quyết cho phù hợp với thực tiễn nhằm thu hút khuyến khích đầu tư tại các khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh”.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức - Thành viên Ban Đô thị HĐND TP ghi nhận kết quả của Sở QH&KT Hà Nội khi giải quyết được một khối lượng công việc lớn trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Đức đề nghị Sở QH&KT Hà Nội làm rõ hơn vấn đề bố trí quỹ đất 20% cho NƠXH tại các khu đô thị. Việc sử dụng quỹ đất này đến nay đã đạt được kết quả như thế nào và tới đây có nên dừng thực hiện việc dành 20% quỹ đất tại mỗi khu hay dành hẳn một khu đô thị riêng lẻ, đồng bộ làm quỹ nhà tái định cư và NƠXH.
Về thực hiện chính sách thu hồi đất để thực hiện quy hoach cần bám vào lợi ích của người dân, tại Đà Nẵng đa số người dân hài lòng với phương án đã thực hiện: "Người bị thu hồi đất trở thành những người được thu hồi đất". Nếu Hà Nội cho người dân thấy được lợi ích nhiều hơn khi về chỗ ở mới thì khả năng đạt được sự đồng thuận cao hơn nhiều”, ông Nguyễn Minh Đức lưu ý.
Đặc biệt, về vấn đề hợp khối siêu mỏng siêu méo, chỉnh trang khi mở đường phải có chính sách thật cụ thể về mặt tài chính, đất đailúc đó mới có cơ sở để thực hiện triệt để... Việc di dời các cơ sở ra khỏi nội đô,ông Nguyễn Minh Đức đề nghị nên chia ra làm hai phần. Phần di dời của TP là những cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, HĐND TP cần có trách nhiệm giám sát chỉ ra những chỗ đã làm được, chỗ nào còn chưa thực hiện được do vướng mắc. Phần di dời thuộc Chính phủ thì đoàn Đại biêủQuốc hội TP Hà Nội cần tham gia giám sát, kiến nghị QH thúc đẩy bộ, ngành có trách nhiệm hơn. Sau khi các cơ sở đã di dời thì Hà Nội cần kiên trì bảo vệ quỹ đất nhằm phục vụ phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công cộng” - ông Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.
Tại buổi giám sát, các thành viên Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cũng có những câu hỏi yêu cầu Sở QH&KT Hà Nội - đơn vị giám sát, tham mưu cho TP trong lĩnh vực quy hoạch làm rõ đó là: Giải pháp tham mưu cho TPxử lý dứt điểm các cơ sở sau khi di dời vẫn giữ quỹ đất trong nội thành làm cơ sở 2 mà không chịu bàn giao cho TP; Trong việc triển khai quy hoạch chi tiết các trục đường mới mở, Sở đã có tham mưu gì cho TP để thực hiện theo Luật Thủ đô; Trách nhiệm của Sở QH&KT Hà Nội trong quản lý Nhà nước về thanh kiểm tra, xử lý những vi phạm về quy hoạch, xây dựng; Hướng thúc đẩy cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ…
Giải đáp các câu hỏi của các thành viên Đoàn giám sát Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội Lê Vinh đã cho rằng: Việc chậm cải tạo chung cư cũ có rất nhiều nguyên nhân trong đó do chính sách quy hoạch chưa đồng bộ. Tuy nhiên vấn đề này đang được TP tháo gỡ bằng việc đã có chỉ định 19 nhà đầu tư lập quy hoạch chi tiếtcải tạo 19 khu chung cư cũ.
Về vấn đề di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, ông Vinh cho biết, TP cũng đang làm rất quyết liệt và quỹ đất có được sau khi di dời các cơ sở này ngay lập tức được xác định để phục vụ công trình hạ tầng xã hội như cây xanh, nhà trẻ, trường học... Còn việc di dời các cơ sở bệnh viện,trường học ra ngoại thành hiện còn nhiều khó khăn do đây không thuộc thẩm quyền của TP Hà Nội mà chỉ có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành. Do vậy, để nhanh chóng có được quỹ đất này rất cần các đại biểu quốc hội TP Hà Nội có kiến nghị để Quốc hội chỉ đạo các bộ ngành nhanh chóng di dời để bàn giao quỹ đất cho Hà Nội.
Ngoài ra, ông Lê Vinh còn cho biết, việc triển khai thu hồi đất hai bên tuyến đường để thực hiện quy hoạch chi tiết theo khoản 2, điều 9 Luật Thủ đô cũng chưa thực hiện được tại bất cứ tuyến đường mới mở nào…
Kết luận buổi giám sát, UVTT Trưởng ban đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân đề nghị Sở QH&KT tiếp tục làm tốt vai trò cơ quan tổng hợp, tham mưu cho UBND TP trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhằm thực thi đầy đủ và đúng yêu cầu của Điều 9 của Luật Thủ đô; phối hợp với các sở và UBND các quận, huyện để tiếp tục thực hiện QĐ 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các phương án di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, trường học, cơ quan và bố trí sử dụng đất sau di dời đúng theo quy định. Ngoài ra, Sở QH&KT cần sớm tham mưu cho Hà Nội về quy trình, thủ tục để trình HĐND phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường mới mở.

Vũ Cúc - Vân Hằng

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhieu-du-an-chua-danh-quy-dat-20-cho-nha-o-xa-hoi-271675.html