Nhiều giải pháp đối phó với tình trạng xâm nhập mặn và hạn hán

(Chinhphu.vn) - Trước tình trạng xâm nhập mặn tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng cao cũng như hạn hán đang xảy ra ở khắp vùng miền trên cả nước ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Trí Ngọc cho biết về những biện pháp khắc phục.

Theo Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc, đây là những biểu hiện của biến đổi khí hậu trong đó có nguyên nhân chủ quan là do tác động của con người, như việc ngăn sông, đắp đập làm thủy điện nếu không có quy hoạch, tính toán thì chắc chắn nguồn nước cho dòng sông cũng bị tác động. Từ đó dẫn đến việc nước biển xâm nhập mặn chưa bao giờ sâu như hiện nay, thậm chí có những nơi xâm nhập sâu tới 70km, nồng độ của nước mặn đo được có thời điểm quá 4%o - là ngưỡng ảnh hưởng trực tiếp đến quy trình sinh trưởng của cây trồng, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, sản xuất vụ Đông - Xuân ở Tây Nam Bộ bị ảnh hưởng không nhiều vì cho đến nay lúa Đông - Xuân được gieo và trổ đã thu hoạch được 1,2triệu/1,6triệu ha, chỉ còn lại 400 ngàn ha (cơ bản là lúa trổ). Tình trạng xâm nhập mặn chỉ ảnh hưởng trực tiếp và mạnh đến vụ lúa Xuân - Hè. Theo Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc, Bộ NNPTNT đang chỉ đạo địa phương đắp đập để ngăn mặn, nạo vét kênh mương lấy nước ngọt, dùng bơm điện để tưới cho các vùng bị thiếu nước. Bộ NNPTNT cũng vừa có 2 cuộc Hội nghị trong tháng 3 bàn về các giải pháp chống hạn và xâm nhập mặn cũng như chuyển đổi cơ cấu mùa vụ để khắc phục tình trạng này. Mặc dù ngành nông nghiệp đã khuyến cáo tiến tới bỏ vụ Xuân - Hè, để cắt hẳn dịch rầy nâu và vàng lùn không truyền từ vụ Đông - Xuân sang Xuân - Hè, từ Xuân - Hè sang Hè - Thu, đồng thời để đất có thời gian “nghỉ” làm cầy ải, hạn chế sâu bệnh. Tuy nhiên khi giá lúa được bà con nông dân vẫn gieo xạ vụ Xuân – Hè. Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc cho biết thêm, không chỉ riêng cây lúa, Đồng bằng Sông Cửu Long còn diện tích cây ăn quả khá lớn cũng bị tác động của xâm nhập mặn, tuy nhiên không nhiều và mạnh như cây lúa. Có những vùng như Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, cây ăn quả bị ảnh hưởng, dẫn đến năng suất cây trồng không cao. Đối với hạn hán, hiện đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền sản xuất nông nghiệp và đời sống, không chỉ diễn ra ở miền núi phía Bắc, đồng bằng Sông Hồng mà cả Miền Trung và Miền Nam. Vụ Đông - Xuân ở miền Bắc gieo cấy hơn 1 triệu ha thì 45% diện tích bị thiếu nước, có khoảng 30.000 – 35.000 ha bị ảnh hưởng nặng do hạn hán phải chuyển sang cây trồng khác. Dự báo vụ Hè – Thu ở riêng phía Nam sẽ có khoảng 500.000ha/1 triệu ha diện tích lúa bị thiếu nước, miền Trung là 10.000 – 15.000 ha/300.000ha. Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc cho biết, mặc dù thiếu điện nhưng ngành điện đã tiến hành xả nước ở các hồ, tạo điều kiện cho bà con nông dân lấy nước để tưới dưỡng cho lúa. Ngành nông nghiệp cũng đã có báo cáo Chính phủ đề xuất cho các địa phương kinh phí để nạo vét kênh mương, hỗ trợ xăng dầu bơm chống hạn, tiền điện bơm tát nước cho vụ này. Về mặt lâu dài, ngành nông nghiệp đã giao cho các Viện, trường nghiên cứu tạo giống lúa chống chịu phèn, chịu mặn và chống chịu ngập úng, chống chịu hạn để thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây vừa là giải pháp mang tính lâu dài vừa mang tính hiệu quả. Ngoài ra, các giải pháp thủy lợi như đắp đập, làm kênh mương, trạm bơm điện, xây dựng hệ thống đê điều để ngăn mặn cũng đang được thực hiện. Nông nghiệp phải thích ứng với biến đổi khí hậu để tiếp tục phát triển là việc làm cần thiết hiện nay. Kiều Liên

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nhieu-giai-phap-doi-pho-voi-tinh-trang-xam-nhap-man-va-han-han/20103/28997.vgp