Nhiều giải pháp thuận lợi thành lập mới doanh nghiệp

Dấu mốc kỷ lục 110.000 doanh nghiệp năm 2016 là minh chứng rõ nét cho thấy những bước tiến vượt bậc trong bức tranh gia nhập thị trường của các doanh nghiệp. Bức tranh này sẽ tiếp tục sáng lên…

Bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cùng với những thủ tục, quy trình được cải thiện theo hướng giảm thiểu, rút ngắn thì việc rốt ráo triển khai thực thi Luật Doanh nghiệp 2014 với yêu cầu rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp còn 3 ngày đã tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong việc đăng ký thành lập.

“Hiện nay, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thành lập mới của cả nước là 2,9 ngày, thời gian trung bình xử lý hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin đăng ký doanh nghiệp là 2,05 ngày. Tỷ lệ hồ sơ được chấp thuận ngay lần đầu tiên đạt gần 86%, tỷ lệ hồ sơ trả kết quả đúng hẹn đạt gần 90%”, bà Minh cho biết.

Theo bà Minh, trong năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, cập nhật ứng dụng cho phép thực hiện đăng ký doanh nghiệp trực tuyến với hơn 100 quy trình cấp độ 3 trở lên, trong đó có 95 quy trình được triển khai ở cấp độ 4. Đồng thời, Bộ đã công khai hóa toàn bộ quy trình đăng ký doanh nghiệp cũng như tình trạng hồ sơ doanh nghiệp trên Hệ thống Thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để toàn xã hội được biết, cập nhật việc xử lý hồ sơ của cơ quan đăng ký kinh doanh.

Trong tháng 1/2017, cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký đạt 90.300 tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tính bình quân trong tháng 1/2017, mỗi ngày có gần 300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, vốn bình quân đạt khoảng 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 40,9%. Nếu tính cả 114.600 tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký và bổ sung thêm vào nền kinh tế trong tháng 1/2017 là 204.900 tỷ đồng.

(Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Theo đánh giá của Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, với sự chủ động, tích cực và quyết liệt trong triển khai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện tốt các yêu cầu của Chính phủ trong việc hiện đại hóa, minh bạch hóa công tác đăng ký kinh doanh, trở thành một lĩnh vực có chỉ số cải cách cao nhất trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Một điểm đáng chú ý khác là nỗ lực cải cách của cơ quan quản lý cấp địa phương nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp.

“Cơ quan đăng ký kinh doanh các địa phương đã lấy tinh thần “hỗ trợ, phục vụ” trong trao đổi, thực hiện các bước nghiệp vụ với doanh nghiệp để tạo nên sự thay đổi cơ bản về chất lượng dịch vụ hành chính công, từ đó tạo làn sóng khởi nghiệp và đăng ký thành lập doanh nghiệp một cách mạnh mẽ”, bà Minh nhấn mạnh.

Đánh giá về chuyển biến này, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương cho rằng, đây là những tín hiệu tích cực cho thấy các cơ quan quản lý cấp địa phương đang nỗ lực chuyển mình cải cách, song để duy trì và thổi bùng được làn sóng khởi nghiệp và đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời gian tới rất cần sự chuyển động thực chất hơn nữa từ mỗi công chức của các cơ quan quản lý các cấp tại địa phương để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp và các phòng đăng ký kinh doanh địa phương, hiện có một số vấn đề tồn tại trong công tác đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, khiến việc đăng ký thành lập doanh nghiệp gặp vướng mắc.

Những vướng mắc này của doanh nghiệp chủ yếu phát sinh do có sự khác nhau, không tương thích, không phù hợp giữa quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành, khiến tinh thần cải cách của hai luật này chưa được phát huy triệt để. Các vướng mắc xảy ra chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, nhà ở, bất động sản và các ngành dịch vụ chưa mở, hoặc mở hạn chế đối với các nhà đầu tư và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Để khắc phục những tồn tại trên, bà Minh cho biết, trong thời gian tới sẽ có nhiều giải pháp cụ thể được triển khai theo hướng hoàn thiện đồng bộ các khung pháp lý để tương thích các văn bản pháp luật và quy trình, đồng thời tiếp tục giảm thời gian, thủ tục và chi phí cho doanh nghiệp trong đăng ký, khuyến khích đăng ký thành lập trực tuyến để thuận lợi hóa công tác đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

Từ 1/1/2017, doanh nghiệp được miễn phí lệ phí đăng ký doanh nghiệp khi thực hiện đăng ký qua mạng điện tử theo Đề án phí, lệ phí đăng ký doanh nghiệp được Bộ kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện năm 2016. Đề xuất miễn phí được đưa vào Thông tư 215/2016/TT-BTC về phí đăng ký doanh nghiệp được coi là một điểm sáng chính sách nhằm khuyến khích người dân, doanh nghiệp chủ động tìm hiểu, thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, góp phần làm giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Theo Cục Quản lý đăng lý kinh doanh, dự kiến tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp trực tuyến năm 2017 sẽ đạt 30%, vượt xa chỉ tiêu đề ra của Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, năm 2017, các quy định về cơ chế liên thông trong đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư sẽ được thông qua, tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng, đơn giản tại một đầu mối.

Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/dau-tu/nhieu-giai-phap-thuan-loi-thanh-lap-moi-doanh-nghiep-177717.html