Nhiều hãng sữa ở VN khẳng định không nhập nguyên liệu nhiễm khuẩn

(GDVN) - Ngay sau khi có thông tin về việc Công ty sữa New Zealand Fonterra thông báo 3 lô whey protein cô đặc có dấu hiệu bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum, FrieslandCampina Việt Nam đã có thông cáo báo chí khẳng định không mua bất kỳ lô hàng nào bị nhiễm khuẩn như trên.

Mới đây trên trang website của Tổng cục Kiểm tra, giám sát chất lượng và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) đăng tên những nhà nhập khẩu có khả năng đã mua phải nguyên liệu nhiễm độc của nhà sản xuất Fonterra của New Zealand.
Theo đó, 4 công ty nhập nguyên liệu có khả năng nhiễm độc của nhà sản xuất Fonterra gồm 2 hãng sản xuất nước giải khát lớn nhất Trung Quốc là Công ty thực phẩm Wahaha, Wahaha Import&Export và Tập đoàn thực phẩm trẻ em Dumex, Shanghai Tangjiu Group.

Trước đó ngày 3/8, hãng thông tấn AP đưa tin, Fonterra đã phát hành cảnh báo tới 8 nhà nhập khẩu ở Úc, Trung Quốc, Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và Ả Rập Saudi đã nhập nguyên liệu là lô hàng protein cô đặc có thể nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum của hãng. Protein cô đặc này có thể được dùng để sản xuất ra sữa bột, nước uống thể thao hoặc các sản phẩm khác.
Clostridium Botulinum là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong đất. Nó có thể gây tổn hại tới hệ thống thần kinh và hô hấp, thậm chí là tử vong cho người nhiễm phải.
Trước những thông tin này, hiện người tiêu dùng trong nước tỏ rõ lo lắng về chất lượng các sản phẩm sữa dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ đặc biệt là các hãng sữa nhập khẩu.
Trong khi đó, trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam sáng ngày 5/8, bà Nguyễn Thị Lập - phòng đối ngoại của FrieslandCampina Việt Nam (thuộc Tập đoàn FrieslandCampina - đơn vị cung cấp các sản phẩm sữa Cô gái Hà Lan, Friso, Dutch Lady) cho biết: Ngay sau khi có thông tin về việc Công ty sữa New Zealand Fonterra, thông báo 3 lô whey protein cô đặc có dấu hiệu bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum , FrieslandCampina Việt Nam đã có thông cáo báo chí khẳng định không mua bất kỳ lô hàng nào bị nhiễm khuẩn như trên.

Thông cáo báo chí của FrieslandCampina Việt Nam

"Phía Công ty Fonterra cũng đã xác nhận rằng không có bất kỳ lô hàng nào bị nhiễm Clostridium botulinum được cung cấp cho FrieslandCampina. Người tiêu dùng tại Việt Nam có thể hoàn toàn yên tâm rằng các sản phẩm mang nhãn hiệu Friso, Dutch Lady được FrieslandCampina sản xuất vẫn đảm bảo tuyệt đối về an toàn thực phẩm và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho người sử dụng" - trích thông cáo báo chí của FrieslandCampina Việt Nam.
Trước đó trao đổi với báo chí, ông Trần Hữu Đức - phụ trách quan hệ đối ngoại Công ty Nutifood, cho biết sau khi có thông tin ba lô whey protein cô đặc được Công ty Fonterra sản xuất có dấu hiệu bị nhiễm Clostridium botulinum, công ty đã tiến hành kiểm tra hồ sơ tại phòng mua hàng và khẳng định không nhập khẩu nguyên liệu từ tập đoàn này.
Cũng liên quan đến nghi vấn nguyên liệu sữa Fonterra nhiễm khuẩn, trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), khẳng định Vinamilk không nhập sữa bột whey protein từ tập đoàn Fonterra mà mua của các tập đoàn sữa ở Mỹ, Đan Mạch và châu Âu.
Liên quan đến thông tin sữa nhiểm khuẩn, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (bộ Y tế) Trần Quang Trung cho biết thêm: Ngày ngày 4/8, Bộ Công nghiệp cơ bản New Zealand thông báo chính thức về các sản phẩm Karicare do Công ty Nutricia – New Zealand sản xuất có sử dụng whey protein concentrate có thể bị nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum bao gồm: Karicare Formula số 1 (cho trẻ từ 0 – 6 tháng tuổi) với số lô 3169 và 3170; hạn sử dụng 17.6.2016 và 18.6.2016; Karicare Gold+ Follow on Formula số 2 (cho trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi) với số lô D3183; hạn sử dụng 31.12.2014; các sản phẩm này chỉ được bán trên thị trường New Zealand và đã được công ty Nutrica tự nguyện thu hồi trên thị trường New Zealand.
Cục An toàn thực phẩm đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm Karicare của Công ty Nutricia đã công bố tại cục An toàn thực phẩm từ đầu năm 2012 đến nay. Kết quả rà soát cho thấy, không có sản phẩm Karicare cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nào được công bố tại cục.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam, cục đã có công văn yêu cầu công ty TNHH MTV dinh dưỡng Châu Úc – đơn vị nhập khẩu sản phẩm Karicare vào Việt Nam, khẩn trương thống kê việc nhập khẩu các sản phẩm Karicare và báo cáo về cục trước ngày 6/8.

Nguồn Giáo Dục VN: http://giaoduc.net.vn/kinh-te/nhieu-hang-sua-o-vn-khang-dinh-khong-nhap-nguyen-lieu-nhiem-khuan/310789.gd