Nhiều hộ trồng tiêu ở Quảng Bình, Quảng Nam cũng trắng tay

Những số báo gần đây, Thanh Niên đã phản ánh tình trạng tiêu chết hàng loạt ở Gia Lai, Phú Yên, Quảng Trị... khiến nhiều hộ dân điêu đứng.

Nhiều gốc tiêu chờ thu hoạch bỗng chết khô

Tình trạng này cũng xuất hiện ở Quảng Bình và Quảng Nam, nhiều diện tích tiêu chờ thu hoạch thì nhiễm bệnh, vàng lá và chết khô...

Mỗi lần bước chân ra vườn tiêu sau nhà, vợ chồng ông bà Trần Văn Dậu và Nguyễn Thị Quýt (tổ dân phố Xung Kích, TT.Nông trường Việt Trung, H.Bố Trạch, Quảng Bình) lại không cầm được nước mắt bởi gần như toàn bộ 500 gốc tiêu của gia đình chuẩn bị thu hoạch bỗng nhiên chết khô. “Năm nay tiêu cho nhiều quả lắm. Tôi đang nhẩm tính cuối vụ thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng. Nào ngờ dịch bệnh diễn biến quá nhanh, hàng trăm gốc tiêu xanh tốt thế mà chỉ sau một thời gian ngắn đã chết sạch, gia đình tôi coi như trắng tay”, bà Quýt buồn rầu nói.

Cạnh nhà bà Quýt, vườn tiêu của gia đình chị Nguyễn Thị Tư cũng đã chết hơn 70% diện tích, số còn lại thì đang rụng lá, héo úa. Còn anh Nguyễn Minh Châu ở tổ dân phố Quyết Thắng ngậm ngùi: “Vườn nhà tôi có hơn 1.000 gốc tiêu, hiện khoảng 300 gốc đã chết, số còn lại không biết có sống được không. Nếu bệnh lan hết vườn, gia đình tôi không biết sống sao đây bởi bao nhiêu vốn liếng, công sức đều dồn hết vào vườn tiêu”.

Ông Trần Văn Dậu cho biết, từ tháng 9.2016, cây tiêu tại các vườn bắt đầu có biểu hiện vàng lá, lụi dần rồi chết khô. Chỉ tính riêng tổ dân phố Xung Kích đã có 10 vườn tiêu bị chết, trong đó nhà nhiều cũng hơn 500 gốc, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Đây như một tai họa lớn ập xuống những người trồng tiêu ở Quảng Bình, vì mưa bão trong năm 2013 đã làm hư hại nhiều diện tích, nay đang khôi phục được phần nào thì vấp phải dịch bệnh.

Dịch bệnh lan nhanh, phản ứng chậm chạp

Tỷ lệ rủi ro và con số thiệt hại quá lớn khiến nhiều người cho rằng người trồng tiêu hiện nay, nhất là với cách trồng của người dân miền Trung, là đang đánh bạc với trời; nghĩa là được mất nhờ trời, trồng một cách thụ động, phụ thuộc vào thời tiết. Thống kê từ Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Quảng Bình cho biết, dịch bệnh vàng lá làm tiêu chết nhiều tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Trạch, Bố Trạch. Ông Hồ Khắc Minh, Phó chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật Quảng Bình, lưu ý theo kỹ thuật thì phải trồng tiêu nổi, nghĩa là gốc cao hơn đất để hạn chế tình trạng ngập úng. Nhưng với người dân miền Trung lại thường đào hố trồng nhằm mục đích trữ nước chống hạn.

Tuy nhiên, trên thực tế việc chống hạn không được bao nhiêu, ngược lại rất nguy hiểm cho cây khi mưa nhiều, gây úng. Khi đất đã bị úng, nhiễm dịch bệnh thì công tác xử lý rất tốn kém và mất thời gian. “Cần kết hợp các biện pháp canh tác như: cải tạo, khơi thông hệ thống thoát nước trong mùa mưa, vệ sinh vườn thông thoáng, diệt cỏ, thu dọn các cành lá, cây bị bệnh đem đốt tránh lây lan”, ông Minh hướng dẫn. Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân TT.Nông trường Việt Trung, nói: “Từ khi tiêu chết, người dân đã đào rãnh thoát nước, dùng nhiều loại thuốc rồi nhưng không hiệu quả. Chúng tôi chỉ biết tiêu bị bệnh, còn không biết bệnh gì để cứu chữa. Hội đã báo cáo tình hình nhưng chưa có đơn vị nào đến kiểm tra, hướng dẫn cụ thể hơn”.

Nhiều người dân cũng phản ánh sự vào cuộc của cơ quan nông nghiệp địa phương quá chậm. Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên cũng cho thấy, dù tiêu chết một thời gian dài nhưng phải đến khi nhận thông tin phản ánh từ phóng viên thì Phòng NN-PTNT H.Bố Trạch mới cử cán bộ đi kiểm tra và có công văn hướng dẫn tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu!

Dịch bệnh lây lan quá nhanh

Tại H.Duy Xuyên (Quảng Nam), gia đình bà Nguyễn Thị Mười (47 tuổi, ở thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú) trồng gần 600 gốc tiêu cũng bị chết sạch. Bà Mười lắc đầu ngao ngán. “Dịch bệnh này xảy ra rất nhanh, thời gian từ lúc lá úa cho đến khi chết khô chỉ diễn ra trong khoảng vài ngày nên người dân trở tay không kịp”. Ông Nguyễn Văn Mười, Phó ban Nông nghiệp khuyến nông xã Duy Phú, cho biết xã có 65 hộ dân trồng tổng cộng khoảng 15.000 gốc tiêu trên diện tích 25.000 m2, chủ yếu ở các thôn Trung Sơn, Mỹ Sơn, Bàn Sơn. Trong đó, có 25 hộ gia đình với gần 4.000 gốc tiêu bị thiệt hại nặng nề.

Theo ông Văn Bá Năm, Trưởng phòng NN-PTNT H.Duy Xuyên, do trong tháng 12.2016 thời tiết ẩm ướt nên dịch bệnh phát triển, lây lan nhanh. Huyện cũng khuyến cáo bà con nên lấy giống tiêu ở H.Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) để trồng vì giống tiêu này cho năng suất cao, mà lại không có dịch bệnh. “Hiện chúng tôi đã hướng dẫn, tập huấn cho bà con để biết cách trị, phòng dịch bệnh, xử lý những cây đã chết và vệ sinh đầu nguồn để tái sản xuất”, ông Năm chia sẻ.

Trương Quang Nam - Khả An - Mạnh Cường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/kinh-doanh/nhieu-ho-trong-tieu-o-quang-binh-quang-nam-cung-trang-tay-814011.html