Nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Toàn quốc kháng chiến

Tối 15-12, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội đã tổ chức cầu truyền hình trực tiếp “Sống mãi với Thủ đô”.

Tham dự cầu truyền hình, về phía lãnh đạo Trung ương, có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung... Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố.

Một tiết mục nghệ thuật tại cầu truyền hình “Sống mãi với Thủ đô”. Ảnh: Huy Khánh

Cầu truyền hình trực tiếp “Sống mãi với Thủ đô” là một trong những hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến nhằm ôn lại lịch sử, tinh thần yêu nước, chiến đấu kiên trung, anh dũng, những chiến công oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thông qua đó thêm một lần nữa khẳng định, bằng trí tuệ sáng tạo, quyết tâm và trách nhiệm của mình, Thủ đô đã, đang và sẽ cùng cả nước phát huy truyền thống anh hùng, một lòng vượt mọi khó khăn, thực hiện cho được nguyện ước của những anh hùng liệt sĩ đã dũng cảm hy sinh vì Thủ đô, vì đất nước.

Với thời lượng 150 phút, cầu truyền hình được thực hiện tại 2 điểm cầu: Cột cờ Hà Nội (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) và chợ Đồng Xuân gồm 3 chương: Chương I - “Lời Hịch non sông”; chương II - “Lũy hoa” và chương III - “Sẽ về Thủ đô”. Xuyên suốt chương trình là các ca khúc về Bác Hồ, Thủ đô Hà Nội, bộ đội Cụ Hồ; các phóng sự và các màn kịch được phục dựng tái hiện sự kiện lịch sử 60 ngày đêm quân và dân Hà Nội kiên cường đánh thực dân Pháp. Cùng với đó, khán giả được nghe những nhận định, đánh giá của các chuyên gia lịch sử để hiểu thêm sự kiên cường của người dân Thủ đô “quyết tử” chiến đấu giữa lòng Hà Nội giữ chân địch để Trung ương rút lên chiến khu Việt Bắc an toàn mở đầu cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp.

* Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 70 Ngày Toàn quốc kháng chiến, ngày 15-12, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Hội Cựu chiến binh thành phố tổ chức chương trình giao lưu “Ký ức Hà Nội - mùa đông năm 1946”. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các nhân chứng lịch sử, lãnh đạo, đoàn viên, hội viên các đoàn thể dự buổi giao lưu. Thông qua những thước phim tư liệu “Hà Nội vùng đứng lên” và các tiết mục văn nghệ, các đại biểu đã được sống lại không khí hào hùng của 60 ngày đêm quân và dân Hà Nội chiến đấu oanh liệt bảo vệ Thủ đô.

* Tại Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở phường Vạn Phúc (Hà Đông), Sở VH-TT Hà Nội khai mạc triển lãm “Tư liệu, hình ảnh liên quan đến sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”. Dự chương trình khai mạc có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý cùng đại diện các sở, ban, ngành chức năng của TP Hà Nội, quận Hà Đông và nhân dân phường Vạn Phúc. Triển lãm trưng bày gần 70 ảnh, tài liệu, hiện vật… theo 3 chủ đề chính: “Hà Nội những ngày nóng bỏng - Tổ quốc lâm nguy”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh sống, làm việc và viết Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến tại Vạn Phúc Hà Đông” và “Hà Nội hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”.

* Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hành trình kháng chiến chống Pháp xâm lược 1946-1954” do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức tại không gian trưng bày của Bảo tàng (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Thông qua gần 200 ảnh, tài liệu, hiện vật được giới thiệu, triển lãm đã góp phần tái hiện hoàn cảnh lịch sử dẫn đến sự ra đời của Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến; hành trình kháng chiến chống Pháp đầy khó khăn, gian khổ của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đi đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Triển lãm mở cửa đến tháng 5-2017.

* Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức buổi trò chuyện chuyên đề "Các chiến sĩ và âm nhạc". Chương trình có sự tham gia của nhiều nhạc sĩ kỳ cựu là Nguyễn Tài Tuệ, Văn Dung và các nhạc sĩ quân đội như Trương Ngọc Ninh, Việt Bình, Hoàng Bình, Ngọc Khuê, Bá Môn, Hồ Trọng Tuấn… Các tác giả đã chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác, những câu chuyện xung quanh tác phẩm và thủ pháp sáng tác tác phẩm về đề tài người lính trong kháng chiến và hiện nay.

* Thư viện Hà Nội (47 Bà Triệu, Hoàn Kiếm) đã khai mạc trưng bày sách, báo về "Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến", phục vụ bạn đọc và khách tham quan đến hết ngày 22-12-2016.

Minh Ngọc - Việt Tuấn - Hiền Phương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/857962/nhieu-hoat-dong-chao-mung-ky-niem-70-nam-toan-quoc-khang-chien