Nhiều lần trả lại tài sản cho người đánh rơi

Năm 2002, khi tròn 18 tuổi, anh Nhâm Thế Tuyền, ở xã An Thịnh (Văn Yên, Yên Bái) phục vụ quân đội ở Lữ đoàn Phòng không 297 Quân khu 2. Vốn tính chịu khó, khiêm nhường, ham học hỏi, qua xét chọn anh được đơn vị cử đi học lớp tiểu đội trưởng rồi lớp lái xe tải hạng C, sau theo học lớp cao đẳng công nghệ thông tin.

Tích cực rèn luyện, cho nên hết khóa anh được Trường Quân sự Quân khu 2 tặng giấy khen vì thành tích tốt trong học tập. Thời gian này, trong quá trình về phép, Tuyền đã hai lần nhặt được chiếc ví da, trong có tiền và các giấy tờ kèm theo. Nhờ có địa chỉ liên hệ rõ ràng, anh đã liên lạc được với người đánh rơi và trả lại tài sản. Đầu năm 2009, khi được đơn vị cử tham gia bảo vệ Lễ hội Đền Hùng, trong lúc làm nhiệm vụ, Tuyền phát hiện một túi xách nữ bị bỏ lại cạnh mục tiêu bảo vệ. Qua 20 ngày liên lạc, người phụ nữ mất túi ở huyện Hải Hậu (Nam Định) đã nhận lại số tiền 65 triệu đồng và các giấy tờ trong túi đựng mà anh cất giữ. Khi người phụ nữ ngỏ ý muốn trả ơn, anh Tuyền nhỏ nhẹ: Lời thề thứ chín của Quân đội là "Khi tiếp xúc với nhân dân làm đúng ba điều nên: Kính trọng dân - Giúp đỡ dân - Bảo vệ dân"; và ba điều răn: "Không lấy của dân - Không dọa nạt dân - Không quấy nhiễu dân". Em cầm tiền của chị là đi ngược lời răn của người lính Bộ đội Cụ Hồ.

Sau khi xuất ngũ, anh Tuyền về lái xe tải thuê cho các công trình. Cuối tháng 3-2017, tại cửa hàng Long Độ trên đường Điện Biên, TP Yên Bái, trong lúc bốc hàng lên xe tải, Tuyền phát hiện một chiếc ví da đánh rơi bên xe đẩy hàng, trong có 13 triệu 920 nghìn đồng và nhiều giấy tờ quan trọng. Qua thông tin có trong ví, anh liên lạc với người có trách nhiệm ở Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái để tìm người trả lại ví. Nhờ đó, anh Phong ở Ban Chỉ huy quân sự huyện Yên Bình đã nhận lại chiếc ví đánh rơi từ tay anh Tuyền. Trong câu chuyện với chúng tôi, được biết trước đó, anh Tuyền còn hai lần nhặt được tài sản trên xe khách, ví tiền trên đường đi làm, nhưng đều liên hệ trả cho người đánh rơi.

Hiện tại, anh Tuyền và vợ đang thuê nhà trọ ở trong ngõ 843, đường Yên Ninh, TP Yên Bái. Cuộc sống hằng ngày tuy còn nhiều thiếu thốn, nhưng tâm hồn anh luôn rộng mở. Ông Lê Văn Tạo, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái là người tiếp xúc nhiều với Nhâm Thế Tuyền đánh giá: Sáu lần nhặt được của rơi đều trả cho người đánh mất, không phải ai cũng có cái tâm "đói cho sạch, rách cho thơm" như cháu Tuyền. Mong rằng trong xã hội ta có nhiều người như Tuyền, gương sáng này rất đáng trân trọng.

Thanh Sơn (Yên Bái)

Công trình thủy lợi nhấn chìm đường dân sinh ở Kon Tum

Công trình thủy lợi đập Đăk Rơ Nga (tỉnh Kon Tum) được đầu tư 125 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đập đầu mối công trình xây dựng xong đã nhiều năm nhưng đến nay công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Không chỉ lãng phí tiền của nhà nước mà sau khi đập đầu mối công trình tích nước đã nhấn chìm con đường dài hơn 1 km đi vào khu sản xuất 200ha của người dân nơi đây, khiến cho nhiều hộ dân lâm vào cảnh khó khăn.

Theo thiết kế, công trình thủy lợi đập Đăk Rơ Nga cung cấp nước tưới cho 829 ha cây công nghiệp, hoa màu của hai xã Tân Cảnh và Ngọc Tụ, huyện Đác Tô. Đến nay, sau gần 10 năm xây dựng, công trình thủy lợi này vẫn trong tình trạng dang dở, kênh mương bị bồi lấp, xuống cấp trầm trọng.

Ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn 4, xã Tân Cảnh, bức xúc phản ánh: Công trình đập Đăk Rơ Nga xây dựng là để phục vụ cho lợi ích của người dân nhưng công trình này chưa đưa lại lợi ích gì mà lại gây hại cho dân: Mất đường vào khu sản xuất, làm xói lở đất sản xuất của dân. Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc cử tri với HĐND xã, HĐND cấp huyện, cấp tỉnh và cả với đại biểu Quốc hội. Sự việc đã kéo dài bốn, năm năm nay rồi nhưng đến bây giờ, thực tế vẫn không thay đổi. Ông Nguyễn Văn Toản, ở thôn 4, xã Tân Cảnh, cho biết thêm: Sau khi đập thủy lợi Đăk Rơ Nga dâng nước con đường vào khu sản xuất hơn 200ha của 40 hộ dân thôn 4 chúng tôi bị nhấn chìm dưới lòng hồ. Để vào được khu sản xuất chúng tôi phải chèo thuyền qua lòng hồ rất nguy hiểm. Về mùa mưa đường trơn, chúng tôi phải vác từng xô phân bón, gùi từng bao cà-phê, vất vả vô cùng mà năng suất lao động lại thấp.

Sau nhiều kiến nghị của dân, UBND huyện Đác Tô đã mở mới một con đường vòng sang bên kia núi thay thế cho con đường bị ngập. Thế nhưng con đường mới mở thì ở trên đỉnh đồi mà nương rẫy của người dân lại ở dưới chân đồi cho nên có đường mà cũng như không. Bức xúc vì không có đường đi, 25 hộ dân có diện tích nương rẫy nhiều nhất ở khu vực này đã góp hơn 100 triệu đồng để làm đường nối với con đường do huyện Đác Tô mở. Tuy vậy, vì đèo dốc cho nên chỉ đi lại được trong mùa khô, còn mùa mưa, mùa thu hoạch nông sản thì đường trơn trượt không đi lại được.

Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý các công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho biết, việc ngăn đập Đăk Rơ Nga làm ngập đường vào khu sản xuất của người dân là sự việc đã được trù liệu trước theo cao trình thiết kế. Để thi công công trình, Ban quản lý các công trình thủy lợi khi đó đã đền bù và chuyển tiền về cho huyện Đác Tô để làm đường dân sinh cho dân. Tuy nhiên, chúng tôi được biết là đường dân sinh làm quá cao, không theo ý của dân và một số hộ sản xuất ở dưới không được hưởng lợi đã thắc mắc.

Lý giải về việc vì sao công trình đập thủy lợi Đăk Rơ Nga chậm đưa vào sử dụng, ông Tuấn cho biết, do từ năm 2008 đến 2012 trượt giá phê duyệt dự án từ 125 tỷ đồng lên 190 tỷ đồng, tỉnh không có nguồn vốn nào để tiếp tục thực hiện dự án. Đến năm 2017, UBND tỉnh Kon Tum mới bố trí 10 tỷ đồng để xây dựng hoàn thiện phần kênh mương nhằm đưa công trình vào khai thác cuối năm 2017.

ĐINH SỸ TẠO (Kon Tum)

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/bandoc/item/32976102-nhieu-lan-tra-lai-tai-san-cho-nguoi-danh-roi.html