Nhiều ngân hàng đua nhau giảm lãi suất cho vay

Việc các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất để khuyến khích doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế được xem là một động thái tích cực và tín hiệu vui trong bối cảnh hiện nay.

Nhiều ngân hàng đang hưởng ứng đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, phục vụ sản xuất kinh doanh.

Ngày 7/7/2017, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các văn bản điều chỉnh giảm lãi suất có hiệu lực từ ngày 10/7/2017.

Đồng loạt giảm lãi suất

Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành gồm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế. Như vậy đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, NHNN giảm các mức lãi suất điều hành.

Sau quyết định của NHNN, một số ngân hàng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Cụ thể, kể từ ngày 8/7/2017, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả kỳ hạn cho doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên.

Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa NHNN mới quy định (kể từ ngày 10/7/2017, trần lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên được áp dụng là 6,5%/năm).

VPBank công bố áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp giảm từ 0,5-1%, tùy lĩnh vực ngành nghề, thời gian quan hệ tín dụng với VPBank, mức độ đa dạng các sản phẩm ngân hàng mà doanh nghiệp sử dụng cũng như chất lượng thanh toán nợ. Mức lãi suất mới này áp dụng từ 10/7.

BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Cụ thể, áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của NHNN. Trong đó, lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường và 5 lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp, nông thôn, sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

BIDV cũng áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.

Bên cạnh đó, BIDV tiếp tục triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp với lãi suất từ 5,0%/năm. Gói tín dụng 10.000 tỷ đồng ngắn hạn VND dành cho khách hàng mới thuộc đối tượng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDIs), doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp siêu nhỏ với lãi suất cho vay từ 5,5%/năm.

Giảm lãi suất là động thái khôn ngoan

Theo đánh giá của giới quan sát, việc các ngân hàng giảm lãi suất, đầu tiên sẽ giúp bản thân các ngân hàng khơi thông dòng vốn tín dụng tốt hơn, tiếp đó là góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Việc giảm lãi suất bên cạnh chính sách mới về xử lý nợ xấu có hiệu lực từ 15/8 sẽ giúp hệ thống ngân hàng dễ dàng đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay dù rằng 6 tháng đầu năm dòng vốn còn chảy chậm.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận được vốn rẻ hơn từ nguồn cho vay tái cấp vốn của NHNN, có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên. Do đó, việc giảm lãi suất không ngoài mục tiêu giảm chi phí cho các tổ chức tín dụng, góp phần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Lực, để đưa ra quyết định giảm được lãi suất, ngân hàng đã rất nỗ lực. Tuy nhiên trong thời gian tới, để hiệu ứng chính sách được xuyên suốt phải đồng bộ các giải pháp: Thứ nhất, phải chỉ đạo quyết liệt trong xử lý nợ xấu vì nếu nợ xấu không giảm được thì cực kỳ khó giảm lãi suất. Thứ hai, phải tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm chi phí hoạt động mới giảm lãi suất.

Việc hạ lãi suất điều hành sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng lãi suất. Một điểm khá đặc biệt trong lần này là NHNN chỉ giảm lãi suất cho vay trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất huy động. Đây được xem là động thái khôn ngoan của nhà điều hành trong bối cảnh hiện nay.

Số liệu công bố mới đây của Tổng Cục Thống kê cho thấy, tính đến thời điểm 20/6/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,89% (cùng kỳ năm trước tăng 8,23%) trong khi tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm 2017 đã lên đến 7,54%, mức tăng cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Điều này đang cho thấy sự “lệch pha” giữa huy động và cho vay.

Mai Trinh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/nhieu-ngan-hang-dua-nhau-giam-lai-suat-cho-vay-d59531.html