Nhiều ngân hàng muốn tăng phí giao dịch qua ATM

Một số ngân hàng (NH) Thương mại vừa gửi kiến nghị lên NH Nhà nước về việc có lộ trình điều chỉnh tăng phí giao dịch qua ATM.

Dẫn thông tin từ báo Người lao động được biết, hiện các NH Thương mại đang tiến hành thu phí giao dịch qua ATM theo thông tư 35/2012 của NH Nhà nước quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (ATM), áp dụng từ tháng 3/2013. Theo đó, từ ngày 1/1/2015 các NH được thu tối đa phí rút tiền nội mạng và ngoại mạng là 3.000 đồng/giao dịch (chưa bao gồm thuế GTGT).

Tuy nhiên, theo phó Tổng Giám đốc một NH Cổ phần tại TP HCM, với chi phí đầu tư cho một giao dịch rút tiền qua ATM khoảng 7.000 đồng (tùy theo mức đầu tư của từng NH) thì mức thu phí rút tiền như hiện nay NH đang bị lỗ.

Trong khi đó, nhiều chủ thẻ cho rằng sử dụng thẻ ATM hiện đã phải gánh nhiều loại phí như nhắn tin tài khoản, in sao kê, rút tiền nội - ngoại mạng... Nay tiếp tục đề xuất tăng phí giao dịch qua ATM là không hợp lý.

Một số Ngân hàng Thương mại muốn tăng phí ATM. Ảnh minh họa

Chia sẻ với Người lao động, chị Võ Thị Nga (Bình Thạnh, TP HCM) cho biết gần đây, khi giao dịch khi rút tiền trên ATM chị thấy rằng NH đã thu tối đa 3.300 đồng/giao dịch. Thậm chí, khi chị nhận tiền qua chuyển khoản từ người thân còn bị thu phí 1.100 đồng/giao dịch. "Tôi có xem trên biểu phí của NH nơi phát hành thẻ thì không thấy có loại phí nào là phí nhận tiền qua giao dịch chuyển khoản, vì thường chỉ người chuyển tiền mới bị trừ phí. Nếu nhận được tiền mà tôi rút ngay thì tính phí kiểm đếm, còn đây nhận tiền mà bị trừ là NH lạm thu”, chị Nga thắc mắc.

Theo các chuyên gia, trong thời điểm này các NH Thương mại chưa nên tăng phí giao dịch qua ATM mà có thể bù đắp chi phí qua các kênh khác như bán thêm sản phẩm dịch vụ, khuyến khích chủ thẻ thanh toán qua máy cà thẻ (POS) khi đi mua sắm hàng hóa, dịch vụ...

Đại diện NH Nhà nước cũng cho biết hiện nhiều NH thương mại vẫn chưa sử dụng hết lộ trình tăng phí giao dịch qua ATM trong thông tư 35 nên chưa đề cập đến việc điều chỉnh lộ trình tăng phí vào lúc này.

Trước đó, Zing cho biết, theo luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), cho rằng, việc NH tăng các loại phí đối với thẻ ATM gây bất lợi cho người dùng thẻ ATM. Tuy việc này phần lớn dựa trên cơ sở giá cả thị trường, nhưng khi các NH đều tăng phí ATM thì khách hàng vẫn phải chấp nhận vì ít có lựa chọn khác.

“Về việc các NH thu nhiều loại phí đối với ATM có hợp lý hay không thì còn phải xem xét trên nhiều góc độ. Có điều thấy rõ là việc tăng phí này sẽ ảnh hưởng đến sự tín nhiệm của người dùng thẻ và gây ra bất lợi đối với NH”, luật sư Đức bình luận.

Một chuyên gia đề nghị không nêu tên cho rằng, muốn thu phí ATM thì phải xác định rõ ATM là dịch vụ hay là công cụ thực hiện chính sách của Nhà nước. Theo đó, nếu coi ATM như dịch vụ kinh doanh của NH, dịch vụ này phải hoạt động theo quy luật cung - cầu của thị trường. Thực tế, ATM chưa phải là dịch vụ thị trường đúng nghĩa và có nhiều biến tướng nên người dùng bức xúc.

Nếu coi ATM là công cụ chính sách của Nhà nước nhằm hạn chế việc dùng tiền mặt, tạo thuận lợi trong quản lý, minh bạch dòng tiền thì các NH không được thu phí ATM.

“Tuy nhiên, sự nhập nhằng trong sử dụng và quản lý ATM của các NH đã tạo ra những bất hợp lý. Do vậy, người dân phần nào đó còn chưa đồng tình với các khoản phí ATM cũng là điều dễ hiểu”, chuyên gia này cho hay.

Đỗ Thu Thoan (T.h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/ngan-hang-muon-tang-phi-giao-dich-qua-atm-d120109.html