Nhiều người dân vẫn coi thường tính mạng

Theo thống kê, từ đầu năm 2017 đến nay, số bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc rượu có methanol tăng đột biến với 48 trường hợp, bằng số bệnh nhân của cả năm 2016.

Trong số đó, tỷ lệ tử vong vì ngộ độc rượu cũng tăng cao, từ 20% - 30%. Đối với những trường hợp cứu sống được đa phần đều bị di chứng thần kinh kéo dài, mù mắt, hoặc tổn thương não nghiêm trọng.

Theo các bác sĩ Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ trong 4 ngày (4/9 -7/9) đã có liên tiếp 3 nạn nhân uống rượu có methanol được chuyển đến điều trị. 2 người trong số đó đã tử vong.

Về trường hợp một bệnh nhân tử vong trước khi tới bệnh viện, chia sẻ thông tin với báo chí, ThS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, ngày 7/9, Trung tâm tiếp nhận một nữ bệnh nhân, sinh năm 1974 (ở Hà Nội). Tuy nhiên, các bác sĩ không thể làm gì được bởi nữ bệnh nhân đã ngừng tim, tử vong trước khi vào viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ methanol trong máu của nữ bệnh nhân này lên tới 135,9 mg/dL, không thấy ethanol.

Các bác sĩ trong Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đang điều trị cho một ca bệnh bị ngộ độc rượu do methanol.

Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân này rất hay uống rượu. Trước ngày tử vong, bệnh nhân có mua rượu tại một cửa hàng bách hoá gần nhà để uống. Cũng trong ngày 7/9, một bệnh nhân nam 49 tuổi (Hải Dương) được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng hôn mê, tổn thương não nặng, huyết áp tụt. Nồng độ methanol trong máu là 132,6 mg/dL. Tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Trước đó, ngày 4/9, một bệnh nhân khác ở Hà Nội cũng được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, tổn thương não rất nặng. Dù được các bác sĩ cố gắng nỗ lực điều trị, tuy nhiên, sau 1 ngày bệnh nhân cũng tử vong vì ngộ độc methanol quá nặng.

“Như vậy, từ đầu năm 2017 đến nay, dù vẫn chưa bước vào mùa cao điểm của ngộ độc rượu (mùa đông, cận Tết), song số lượng bệnh nhân ngộ độc rượu có hàm lượng methanol vào cấp cứu tại Trung tâm chống độc đã lên đến 48 ca. Tỷ lệ tử vong của các ca bệnh rất cao, lên đến 20-30%. Trong khi đó, chi phí điều trị cho các ca ngộ độc rượu có methanol lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhiều bệnh nhân vì tổn thương quá nặng vẫn để lại các di chứng nghiêm trọng cho sức khỏe và trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”- Ths. Nguyên thông tin.

Ths. Nguyên lý giải, bản chất methanol là cồn công nghiệp rất độc và khi được trộn vào rượu trắng vì lý do lợi nhuận và để tăng nồng độ nên người uống khó có thể biết mình đã uống nhầm rượu độc, đến khi được đưa vào viện thì thường đã quá muộn. Methanol khi vào cơ thể được chuyển hóa trở thành chất độc gây tổn thương đến tất cả bộ phận cơ thể, đặc biệt là mắt, não… Phải 12 giờ hoặc thậm chí 1-2 ngày sau uống rượu, nạn nhân mới có biểu hiện ngộ độc như: mờ mắt, thở nhanh, lơ mơ, chậm chạp, hôn mê…khi đó thì tình trạng đã nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Hoặc nếu cứ uống liên tục rượu có methanol với liều tuy không cao nhưng chúng sẽ tích lũy dần và gây các tổn thương cho người bệnh. Bên cạnh đó, ThS. Nguyên cũng khuyến cáo, có một số ít người ngộ độc cồn y tế vì lầm tưởng loại cồn này có thể uống được. Đã có trường hợp ngộ độc cồn y tế rất nặng, thậm chí tử vong. Ths. Nguyên cho hay: “Cồn y tế cũng là methanol, chỉ dùng để sát trùng chứ không thể uống”.

Cũng theo Ths. Nguyên, những tai nạn ngộ độc rượu này hoàn toàn có thể tránh được, nếu quản lý tốt hoá chất methanol. Thậm chí chỉ cần cho chất chỉ thị màu vào cồn công nghiệp thì sẽ không có chuyện pha methanol để làm rượu giả. Như vậy sẽ ít xảy ra những câu chuyện thương tâm như thế này. Nếu các cơ quan chức năng không có các biện pháp can thiệp cụ thể, nhiều khả năng trong thời gian tới, tình trạng ngộ độc và tử vong do cồn công nghiệp methanol ít nhất là không thay đổi, hoặc thậm chí có thể nặng nề hơn.

“Và điều quan trọng là ý thức của người dân trong việc phòng chống rượu giả chưa cao. Tuy đã được cảnh báo liên tục nhưng tình trạng ngộ độc rượu do cồn công nghiệp methanol vẫn chưa cải thiện và vẫn có chiều hướng tăng. Nhiều người dân vẫn coi thường tính mạng của mình khi sẵn sàng uống rượu không đảm bảo, thậm chí mua cồn về pha với rượu để uống”, Ths. Nguyên nhấn mạnh.

Cách phân biệt rượu thật với rượu pha methanol

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội khuyến cáo, người tiêu dùng có thể phân biệt rượu có pha methanol hay không bằng một số biện pháp đơn giản lại rất hiệu quả. Đó là quan sát bọt rượu, người tiêu dùng chỉ cần lật ngược chai rượu lên, nếu là rượu giả thì bọt khí sẽ nổi to, nổi lên theo chiều thẳng đứng với tốc độ nhanh.

Hoặc đổ một chút rượu ra lòng bàn tay và xát 2 tay vào nhau một lúc cho nóng. Nếu là rượu pha cồn công nghiệp thì sẽ bốc hơi nhanh, một lúc sau đã không còn mùi. Người tiêu dùng cũng có thể cho rượu vào ngăn đá tủ lạnh 1 ngày, nếu rượu bị đông cứng thì 100% là rượu cồn công nghiệp.

Đối với rượu có chứa methanol, khi uống có cảm giác sốc, khó chịu, đắng ngắt ở cổ họng, háo nước. Ngoài ra, về thông tin sản phẩm, nếu rượu được sản xuất tại cơ sở có uy tín thì sẽ có thông tin chi tiết về sản phẩm. Nhưng nếu rượu giả hoặc không đảm bảo thì thông tin này không rõ ràng, có thể còn sai chính tả.

Nguyễn Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-nguoi-dan-van-coi-thuong-tinh-mang-60213.html