Nhiều người điều khiển mô tô, xe máy chưa đội mũ bảo hiểm

Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, đứng chứng kiến ở một chốt CSGT, Thanh tra GTCC, thanh niên tình nguyện ở QL3 (Sóc Sơn – Hà Nội), phóng viên An ninh Thủ đô đã thấy có hàng chục trường hợp chủ phương tiện phải dừng xe để ký vào biên bản cam kết, lần sau đi trên đường sẽ đội mũ bảo hiểm (MBH).

Nhiều người điều khiển mô tô, xe máy chưa đội mũ bảo hiểm

(ANTĐ) – Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, đứng chứng kiến ở một chốt CSGT, Thanh tra GTCC, thanh niên tình nguyện ở QL3 (Sóc Sơn – Hà Nội), phóng viên An ninh Thủ đô đã thấy có hàng chục trường hợp chủ phương tiện phải dừng xe để ký vào biên bản cam kết, lần sau đi trên đường sẽ đội mũ bảo hiểm (MBH).

Người ngồi sau không đội mũ cũng bị nhắc nhở - ảnh: Minh Quân

Hà Nội không thờ ơ với mũ bảo hiểm

Thực tế là như vậy, nhưng lực lượng CSGT cho biết, công tác tuyên truyền đã thực sự có hiệu quả, số lượng người điều khiển phương tiện đã đội MBH nhiều hơn trước.

Tính từ 6h30 đến 8h20 sáng 15-7, tại chốt kiểm tra km 21+23 quốc lộ 3 Sóc Sơn đã có tới 52 trường hợp chủ phương tiện được nhắc nhở phải đội MBH, lực lượng CSGT cùng với sự phối hợp của Thanh tra GTCC, thanh niên tình nguyện yêu cầu chủ phương tiện ghi đầy đủ tên tuổi, địa chỉ và ký cam kết lần sau đi trên đường sẽ đội MBH.

Đại úy Trịnh Khắc Lưỡng – Tổ trưởng tổ tuần tra – Đội CSGT Sóc Sơn cho biết, từ sáng đến giờ đã xử lý 7 trường hợp xe ô tô đi sai phần đường, xe khách mở cửa... Tại chốt kiểm tra km 10 quốc lộ 2 Sóc Sơn, Trung tá Lê trung Hải – Đội trưởng đội CSGT Sóc Sơn cho biết, từ 6h30 sáng đến 9h đã có 80 trường hợp chủ phương tiện được nhắc nhở và ký cam kết không tái phạm.

Theo ghi nhận của phóng viên, có tới 80% các trường hợp được CSGT nhắc nhở không đội MBH đều ở địa phương, hoặc địa bàn lân cận. Sở dĩ như vậy là vì các chủ phương tiện lưu thông trên đoạn đường ngắn, nên tâm lý vẫn ngại đội MBH.

1001 lý do để không đội mũ bảo hiểm

Tại chốt kiểm tra Ngọc Hồi trên quốc lộ 1A, đoạn Thanh Trì (Hà Nội), vào hồi 8 giờ sáng 15-7, số lượng xe và người vi phạm bị bắt giữ lên đến con số 20. Tuy nhiên, do là ngày nghỉ nên số người đi ra đường cũng vắng hơn so với mọi ngày.

Chị Đỗ Thị Hương (Khoái Châu, Hưng Yên), sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân thanh minh: “Em lên trường để dự lễ bế giảng, đi học cả ngày nên không có thời gian nghe đài, đọc báo, xem ti – vi nên cũng không biết hôm nay là ngày ra quân xử lý người điều khiển mô tô xe máy không đội mũ bảo hiểm”. Mặc dù, có pa – nô, áp phích treo dọc hai bên đường nhưng chị cũng không để ý nốt.

Trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt. Quan sát lực lượng CSGT làm nhiệm vụ, chúng tôi nhận thấy người dân có 1001 lý do để biện minh cho việc không đội mũ bảo hiểm.

"Em biết không đội MBH là sai rồi - ảnh: Hà Linh

Anh Trịnh Văn Ẩn (Thanh Oai, Hà Tây) làm nghề bán trứng vịt lộn nói: “Vợ chồng tôi bận rộn từ sáng đến chiều, nào biết gì đâu!”.

Đại úy Bùi Thanh Long – đội CSGT huyện Thanh Trì cho biết: “Tháng trước bà vợ ông Ẩn đi xe máy va quyệt vào người đi đường. Vụ việc đến nay đã được giải quyết xong nhưng đăng ký, GPLX lái xe vẫn chưa lấy trên công an huyện về”.

Theo lời ông Ẩn thì hôm nay ông qua công an huyện để lấy giấy tờ về về. Giấy tờ thì chưa thấy đâu nhưng vi phạm không đội MBH thì quá rõ ràng.

Anh Trần Xuân Chiến (Thường Tín, Hà Tây), mượn xe của người khác để đi, chưa có bằng lái, bản thân không đội mũ MBH, xe không có gương chiếu hậu. Khi được CSGT hỏi, anh gãi đầu, gãi tai: “Vì cháu đi gần nên nghĩ cũng bình thường, không cần phải đội MBH”.

Anh Nguyễn Quốc Đoàn (đường Giải Phóng, Thanh Xuân, Hà Nội) trình bày: “Tôi có biết việc xử phạt đội MBH, trước khi ra khỏi nhà mọi người cũng nhắc nhở đội mũ. Nhưng tôi nghĩ nhà ngay đây, đi loanh quanh thì có “bận” gì. Đi gần thì tôi không đội, chứ đi xa thì tôi đội ngay!”.

Trên đây là một số lý do bất hợp lý, còn những lý do "hợp lý" như đi chợ, đi ăn sáng, đi thăm người thân trong làng... thì rất nhiều. Đại úy Bùi Thanh Long khẳng định: “Cho dù là lý do nào, chúng tôi vẫn phải xử phạt theo quy định của Chính phủ”.

Theo ghi nhận của nhóm phóng viên trên địa bàn 5 huyện ngoại thành, nhìn chung người dân đều đồng tình với quy định đội MBH khi đi trên đường của Chính phủ, tuy nhiên mọi người đưa ra ý kiến có thể nâng mức phạt từ 15.000 đồng lên 50.000 đồng đến 100.000 đồng và học lại luật giao thông. Thậm chí, có người còn đưa ra ý kiến sẵn sàng để CSGT giữ giấy tờ xe cho đến khi họ học xong luật mới trả lại giấy tờ xe cũng được.

Nảy sinh bất cập

Tuy nhiên, có một vấn đề đang nảy sinh, đó là khi lực lượng chức năng có hiệu lệnh dừng xe để nhắc nhở thì chủ phương tiện quay đầu bỏ chạy, không quan sát phía sau, nên rất dễ gây ra tai nạn. Thực tế một số vụ tai nạn đã xảy ra, nhưng chưa gây hiệu quả nghiêm trọng.

Tại chốt kiểm tra trên đường Thăng Long – Nội Bài chỉ tính đến 9h sáng nay, chốt đã lập biên bản xử lý và tạm giữ 17 mô tô, xe gắn máy vi phạm.

Ông Nguyễn Chí Nghê, cán bộ Thanh tra GTCC khu vực huyện Đông Anh cho biết: Sau 2 tuần tuyên truyền nhắc nhở, người tham gia giao thông đã có ý thức hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người không thực hiện. Khi thấy lực lượng kiểm tra, người vi phạm quay đầu xe và chạy ngược chiều lại để trốn tránh lực lượng kiểm tra. Đây là tuyến đường có mật độ phương tiện cao nên rất nguy hiểm cho

Thanh tra GTCC Long Biên phát tờ rơi tuyên truyền người tham gia GT đội mũ bảo hiểm - ảnh: Việt Anh

các phương tiện tham gia giao thông.

Trung tá Trần Quang Huy, Trưởng CAH Sóc Sơn cho biết: Ngoài việc bố trí lực lượng kiểm tra theo quy định, từ ngày mai (16-7) CAH sẽ cử thêm các CBCS cảnh sát tại các Trạm, đội và lực lượng Cảnh sát Phản ứng nhanh của CAH để tăng cường cho lực lượng xử lý vi phạm tại 2 chốt kiểm tra.

Ngay từ ngã 4 giao cắt giữa đường Láng – Hòa Lạc với đường vành đai 3, rất nhiều băng rôn, áp phích tuyên truyền về việc đội mũ bảo hiểm treo ở bên đường. Thời điểm này đường Láng – Hòa Lạc đang trong giai đoạn thi công mở rộng nên mật độ phương tiện tham gia giao thông rất đông, đặc biệt là các xe chở đất, cát… phục vụ thi công đường.

Tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm khá cao, khoảng trên 70%. Hôm nay là ngày cuối cùng chốt kiểm tra của huyện Từ Liêm thực hiện việc tuyên truyền nhắc nhở người vi phạm. Hai tuần qua tổ công tác đã kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu ký cam kết đối với 1.019 trường hợp. Tuyên truyền và phát 1.000 tài liệu hướng dẫn Luật Giao thông cho người vi phạm…

Sau 2 tuần thực hiện việc tuyên truyền, nhắc nhở người ngồi trên mô tô, xe máy thực hiện việc đội mũ bảo hiểm khi đi trên 6 tuyến quốc lộ (QL 1, QL 2, QL 3, QL 5, đường Láng – Hòa Lạc, đường Thăng Long – Nội Bài) ý thức của người tham gia giao thông đã có những chuyển biến tích cực. Trên nhiều tuyến quốc lộ tỷ lệ người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm chiếm trên (70)%.

Nhóm phóng viên thời sự

Tiếp tục cập nhật

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nhieu-nguoi-dieu-khien-mo-to-xe-maynbspchua-doi-mu-bao-hiem-post4374.antd