Nhiều người “ngại” đăng ký nuôi con nuôi vì tài sản?

(PL&XH) - Theo nhiều chuyên gia pháp lý, dù khối tài sản này lớn đến đâu thì pháp luật cũng đã quy định cụ thể và luôn đảm bảo cho người dân những quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Nếu hết thời hạn này mà người NCN không đăng ký thì việc NCN thực tế sẽ không được pháp luật công nhận, các tranh chấp liên quan đến cha mẹ nuôi, con nuôi, giữa con nuôi với các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi sẽ không được pháp luật bảo hộ.

Lợi ích khi đăng ký NCN

Năm 2012, việc bà T.K.P, 66 tuổi, trú tại quận Tân Phú, TP HCM, một người chuyên nghề làm bún, đột tử để lại khối tài sản hàng trăm tỷ đồng không có di chúc khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Giá trị khối tài sản quá lớn đã làm ngay chính những người thân của bà P cũng ngỡ ngàng và đã xảy ra tranh chấp giữa những người anh em ruột của bà P và cô T.H.H. L - con gái nuôi của bà.

Theo nhiều chuyên gia pháp lý, dù khối tài sản này lớn đến đâu thì pháp luật cũng đã quy định cụ thể và luôn đảm bảo cho người dân những quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nếu người con gái nuôi của bà P có đủ cơ sở pháp lý chứng minh việc bà P nhận nuôi cô đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định của pháp luật thì dù mẹ nuôi chết không để lại di chúc, cô vẫn nghiễm nhiên được thừa hưởng một phần khối tài sản một cách hợp pháp. Trường hợp của bà P nói trên có thể coi là một trong những bài học giá trị cho thấy lợi ích khi đăng ký NCN.

Theo luật gia Lê Quang Vững, đăng ký NCN nhằm xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận NCN và người được nhận làm con nuôi. Việc làm này không chỉ góp phần giúp cơ quan chức năng quản lý tốt dân số, đảm bảo an sinh xã hội cho công dân mà còn mang ý nghĩa nhân văn tốt đẹp và là căn cứ pháp lý quan trọng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả cha mẹ và con nuôi. Khi được đăng ký, người được nhận làm con nuôi sẽ được hưởng các quyền cơ bản của công dân như: Quyền chăm sóc sức khỏe, quyền được học hành,... Đặc biệt, khi được pháp luật thừa nhận, con nuôi sẽ được đối xử ngang bằng với con đẻ trong vấn đề thừa kế tài sản.

Hiện Điều 676, Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định rất rõ, những người thừa kế thuộc hàng thứ nhất bao gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử trong quan hệ hôn nhân và gia đình, pháp luật quy định những người thừa kế cùng hàng thừa kế sẽ được hưởng phần di sản bằng nhau mà không phân biệt con đẻ hay con nuôi. Tuy nhiên, việc này chỉ được thực hiện khi mối quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ nuôi được pháp luật công nhận. Muốn vậy việc NCN phải được đăng ký tại UBND xã, phường, thị trấn nơi thường trú của cha mẹ nuôi hoặc con nuôi. Thực tế, nhiều quan hệ NCN tuy có diễn ra nhưng công dân không đăng ký trước pháp luật nên sau này đã nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp. Khi phát sinh tranh chấp về tài sản, thừa kế… cơ quan chức năng phải mất rất nhiều thời gian và gặp không ít khó khăn trong việc xác định mối quan hệ giữa hai bên.

Đăng ký nuôi con nuôi là căn cứ pháp lý quan trọng đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả cha mẹ và con nuôi. Ảnh: TL

Và gánh nặng tâm lý không dễ vượt qua

Tuy nhiên, do nhận thức đơn giản của một bộ phận người dân đã phần nào hạn chế việc triển khai đăng ký NCN trên thực tế. Tại các tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… người dân chủ yếu chịu ảnh hưởng và bị chi phối nhiều bởi các phong tục, tập quán của dân tộc, dòng họ như buộc chỉ cổ tay, cúng ma… hoặc theo sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi mà không đăng ký trước cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Đáng quan tâm, một bộ phận người dân tuy nhận thức đầy đủ nhưng lại chưa vượt qua được những rào cản về mặt tâm lý để thực hiện việc đăng ký. Chị Hoàng Hà G, ở quận Đống Đa, Hà Nội, lấy chồng đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có con. Qua quen biết, chị G đã “xin” được một đứa trẻ của một gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn.

Đã gần 6 năm trôi qua, cô con gái nuôi đã sắp vào lớp 1 nhưng vợ chồng chị G vẫn chưa làm thủ tục đăng ký NCN với chính quyền địa phương. Lý giải về điều này, chị G cho biết, mặc dù biết việc đăng ký NCN với cơ quan chính quyền sẽ đảm bảo quyền lợi cho cả chị và con nuôi nhưng do đây là vấn đề khá “tế nhị”, chị cảm thấy rất khó khăn khi công khai với người khác. “Hơn nữa, tôi cũng không muốn cháu biết mình là con nuôi rồi sau này lại nảy sinh tâm lý mặc cảm. Thôi thì đã nhận cháu về thì cố gắng yêu thương, nuôi dạy cháu như con mình rứt ruột đẻ ra chứ cũng không nên câu nệ giấy tờ làm gì”, chị G chia sẻ.

Trường hợp như chị G không hiếm. Theo Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Bình, tâm lý e ngại, không muốn công khai mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi vì muốn giữ bí mật về việc NCN, tạo tâm lý yên ổn, tránh mặc cảm cho trẻ em được nhận làm con nuôi đang là cản trở lớn khiến quy định đăng ký NCN chưa được tuân thủ nghiêm.

Theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ khi Luật NCN có hiệu lực đến nay, số trường hợp nhận NCN đủ điều kiện nhưng chưa đăng ký là 3.264 trường hợp. Trong đó, đa phần là do cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký (1.824 trường hợp - chiếm 56%); còn lại là do có khó khăn về hồ sơ, giấy tờ, một bên cha/mẹ nuôi hoặc con nuôi đã chết, không đủ điều kiện về độ tuổi (cha mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi)… Chỉ tính riêng tại TP Hà Nội, đến cuối năm 2013, trong 818 trường hợp NCN đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của luật thì có tới 605 trường hợp (74%) cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký, phần lớn tập trung ở các huyện ngoại thành và một số ít quận ven đô.

Đơn giản thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho người nhận con nuôi

Một nguyên nhân quan trọng nữa khiến người dân chưa mặn mà với việc đăng ký NCN là do một số quy định của Luật NCN còn phức tạp và nhiều bất cập. Điển hình như tại Điều 17 Luật NCN quy định người nhận con nuôi phải có Phiếu lý lịch tư pháp và Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp. Quy định này đã gây khó khăn rất lớn cho những người nhận con nuôi ở vùng sâu, vùng xa. Hậu quả trực tiếp là người dân đem trẻ em về nuôi dưỡng, coi nhau như cha mẹ và con, mà không tiến hành đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Đại diện Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) cho biết, Cục đã nhận được phản ánh từ nhiều địa phương đề nghị sớm sửa đổi quy định này. Thay vào đó có thể sử dụng văn bản xác nhận của UBND cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi, để bảo đảm thuận tiện cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn.

Thực tế cho thấy việc NCN là vấn đề nhạy cảm và có những đặc thù riêng, không phải ai cũng muốn công khai việc nhận con nuôi. Do đó, không nên mang nặng về mặt thủ tục mà cần phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nhận con nuôi; đảm bảo tôn trọng quyền tự quyết của người dân, tôn trọng ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của họ chứ không bắt buộc người dân đi đăng ký một cách cứng nhắc. Bên cạnh đó tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu vai trò của việc đăng ký NCN làm cơ sở để giải quyết quyền lợi các bên về sau.

Theo quy định, hồ sơ đăng ký việc NCN gồm các giấy tờ: Tờ khai đăng ký NCN thực tế (ban hành kèm theo Thông tư số 12/2011 của Bộ Tư pháp). Trong tờ khai ghi rõ ngày, tháng, năm phát sinh quan hệ NCN trên thực tế, có chữ ký ít nhất của 2 người làm chứng. Ngoài ra cần có Bản sao Giấy CMND và hộ khẩu của cha mẹ nuôi; Bản sao CMND hoặc Giấy khai sinh của con nuôi; Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn của cha mẹ nuôi nếu có…
UBND cấp xã chỉ tiến hành đăng ký việc NCN thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau phát sinh trước ngày 1-1-2011 nếu đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 50 của Luật NCN: Các bên có đủ điều kiện về NCN theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ NCN; Đến ngày 1-1-2011, quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả hai bên đều còn sống; Giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2014050412295417p0c1002/nhieu-nguoi-ngai-dang-ky-nuoi-con-nuoi-vi-tai-san.htm