Nhiều người trẻ còn chủ quan với bệnh tăng huyết áp

Ở những người bị tăng huyết áp, nguy cơ đột quỵ, tim mạch tăng lên gấp 3-4 lần so với người bình thường, bệnh này có xu hướng tăng ở người trẻ

Dù bệnh tăng huyết áp khá phổ biến nhưng ở giai đoạn đầu thường rất ít triệu chứng, đặc biệt là người trẻ thường được phát hiện khi đo huyết áp trong lúc khám bệnh khác hoặc khám sức khỏe định kỳ.

Không có triệu chứng ban đầu

BSCK2 Thượng Thanh Phương, Trưởng Khoa Tim mạch tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết một kết quả khảo sát trên 25.000 người từ 18 tuổi trở lên của Hội Tim mạch TP HCM cho thấy có 1/3 trường hợp không biết bản thân bị tăng huyết áp; 1/3 trường hợp mắc bệnh nhưng không điều trị, số trường hợp điều trị và kiểm soát huyết áp còn chưa cao.

BSCK2 Thượng Thanh Phương, Trưởng Khoa Tim mạch tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), thăm khám cho người bệnh tăng huyết áp bị biến chứng tim mạch phải điều trị nội trú

BSCK2 Thượng Thanh Phương, Trưởng Khoa Tim mạch tổng quát - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), thăm khám cho người bệnh tăng huyết áp bị biến chứng tim mạch phải điều trị nội trú

GS-TS-BS Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, cho biết thêm Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỉ lệ đột quỵ do biến chứng của tăng huyết áp ở mức cao, nhiều người không biết mình bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh.

Đáng chú ý, thời gian qua, tại một số bệnh viện lớn ở TP HCM tiếp nhận nhiều trường hợp từ 25-35 tuổi đột quỵ, xuất huyết não, trong đó, nhiều trường hợp có nguyên nhân do bị tăng huyết áp nhưng không biết bệnh hoặc chủ quan.

Anh T.M.T (30 tuổi, ngụ Bình Phước) phát hiện tăng huyết áp cách đây 2 năm. Anh T. cho biết anh tình cờ phát hiện tăng huyết áp trong một lần khám bệnh để học lái xe. Anh T. cho biết thêm sau khi phát hiện bệnh, anh được bác sĩ thăm khám chuyên sâu để tìm nguyên nhân gây bệnh. Kết quả, anh bị bệnh liên quan tuyến thượng thận. Đến nay, bệnh thận anh điều trị ổn định nên không còn xuất hiện tình trạng tăng huyết áp.

Còn anh N.H (35 tuổi) dù cũng được phát hiện mắc bệnh tăng huyết áp nhưng anh H. không tìm được nguyên nhân liên quan đến bệnh lý khác. Từ khi phát hiện bệnh đến nay, anh phải uống thuốc định kỳ để giúp huyết áp ổn định.

Bác sĩ Thượng Thanh Phương cho biết đối với người lớn tuổi mắc bệnh tăng huyết áp có đến 90% trường hợp không xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, khi một người trẻ tuổi (dưới 30 hoặc 40) được chẩn đoán tăng huyết áp thì bác sĩ sẽ phải tìm nguyên nhân. Bởi người trẻ mắc huyết áp thường liên quan đến một số bệnh lý về thận, nội tiết (tuyến thượng thận, tuyến giáp…), hẹp van động mạch chủ… Nếu tìm được nguyên nhân thì tùy thuộc vào từng bệnh lý sẽ có chiến lược điều trị thích hợp. Trong trường hợp nếu tìm hết các nguyên nhân không phát hiện thì người trẻ đó mới được chẩn đoán mắc bệnh tăng huyết áp và phải uống thuốc dài hạn.

Không bỏ điều trị khi huyết áp ổn định

BSCK1 Lâm Tấn Phong, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP HCM), cho biết thông thường khi đo trị số huyết áp cao > 140/90 mmHg với nhiều lần đo trong nhiều ngày, lúc này, có thể xem là bị cao huyết áp. Nếu huyết áp không cao lắm tức khoảng 140/90-150/95 mmHg và tình trạng chung tốt, không mắc các bệnh khác làm xấu thêm tình trạng tim mạch, lúc này, có thể không dùng thuốc mà cần phải điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên, nếu huyết áp cao hơn hoặc không cải thiện thì có thể xem xét điều trị thuốc ngay sau khi cân nhắc cẩn thận.

Bác sĩ Phong lưu ý thêm điều trị huyết áp cao là điều trị suốt đời. Vì vậy, khi huyết áp đã trở về gần bình thường không nên ngưng thuốc hạ áp mà phải điều trị tiếp tục vì huyết áp gia tăng trở lại khi ngưng thuốc. Ở người lớn tuổi, bác sĩ điều trị thường cho thuốc hạ áp với liều khởi đầu chỉ bằng nửa liều người trẻ vì người già dễ tụt huyết áp do thuốc hơn. Đặc biệt, ngoài điều trị huyết áp, cần lưu ý điều trị các yếu tố nguy cơ khác kèm theo như tiểu đường, tăng lipid máu...

Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh bệnh tăng huyết áp, đặc biệt ở người trẻ cần có lối sống lành mạnh (không hút thuốc, rượu bia, hạn chế thức khuya; tập luyện thể thao thường xuyên từ 30-45 phút...). Bên cạnh đó, điều chỉnh chế độ ăn uống như giảm ăn mặn (<6g natri chlorua/ngày), giảm mỡ, giảm đường (nếu có tiểu đường), tăng cường chế độ ăn nhiều trái cây, rau, chất xơ...; nghỉ ngơi, giải trí hợp lý sau khi làm việc.

Dễ dẫn tới vỡ mạch máu

Bác sĩ Thượng Thanh Phương cho biết nếu không tìm nguyên nhân tiềm tàng thì hậu biến chứng cơ quan đích ngày càng nhiều. Bởi tăng huyết áp khiếp áp lực trong lòng mạch máu cao sẽ dễ bể. Trường hợp nếu không bể thì mặt trong lòng mạch máu chịu áp lực cao sẽ bị tổn thương. Lúc này, cholesterol bám vào các tổn thương, lâu dài khiến chít hẹp lòng mạch máu dẫn đến thiếu máu, nhồi máu, đột quỵ… Bên cạnh đó, khi tưới máu tạng phủ với áp lực cao cũng sẽ dễ gây suy tim, suy thận...

Hải Yến

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-nguoi-tre-con-chu-quan-voi-benh-tang-huyet-ap-196240511202340765.htm