Nhiều nỗi lo trong năm 2010

(TBKTSG) - Năm 2009 nền kinh tế Việt Nam được cho là đã chạm đáy khủng hoảng và có những yếu tố đi lên ổn định. Tuy nhiên, ngay đầu năm 2010, giá điện, nước, nhiên liệu tăng, lực lượng sản xuất thiếu hụt… khiến doanh nghiệp không khỏi lo lắng.

Nguyễn Quân Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Đông Á. Hiện doanh nghiệp đang có nhu cầu lớn về vốn vay trung hạn, vay ưu đãi để đầu tư mở rộng sản xuất. Ảnh: Lê Toàn. Khó khăn chưa qua Ông Vũ Đình Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quạt Việt Nam (ASIA), cho biết năm 2009, như nhiều doanh nghiệp khác, ASIA cũng gặp nhiều khó khăn trước bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường xuất khẩu không thuận lợi, thị trường trong nước suy giảm, sức mua yếu, sức cạnh tranh ngày càng gay gắt. Cuối năm 2008 đầu năm 2009, lãi suất ngân hàng tăng cao nhưng doanh nghiệp cũng không dễ dàng tiếp cận vốn vay. Thời điểm đó, giá cả vật tư tăng giảm thất thường ảnh hưởng lớn đến kế hoạch chuẩn bị nguyên vật liệu sản xuất của doanh nghiệp. Trước những khó khăn trên, ASIA đã đề ra kế hoạch mua nguyên liệu, tăng cường sản xuất vào những thời điểm thị trường thuận lợi. Ngoài ra, công ty còn cắt giảm chi phí triệt để, tăng năng suất, nâng cao dịch vụ bán hàng và chế độ hậu mãi... Nhờ đó, doanh số bán hàng trong năm 2009 của ASIA tăng gần 40% so với năm 2008. Tương tự, ông Nguyễn Thanh Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tôn Đông Á, cho biết khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến Tôn Đông Á rất thận trọng trong việc lên kế hoạch sản xuất trong năm 2009. Nhờ vào chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ cũng như việc linh động điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo từng tháng, công ty đã tăng được sản lượng hơn 53% so với năm 2008. Tuy nhiên, cuối năm 2009 đầu năm 2010, chính sách hỗ trợ lãi suất không còn, thêm vào đó là sự điều chỉnh tỷ giá khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Lãi suất tăng cao, nhưng doanh nghiệp cũng khó vay. Ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay một phần cho hoạt động sản xuất. Riêng khoản vay trung và dài hạn để đầu tư cho máy móc nhà xưởng thì ngân hàng thẳng thừng từ chối. Nếu vay bằng ngoại tệ thì ngân hàng cho vay, nhưng lãi suất lên đến 7%/năm, thay vì 6-6,5%/năm trước đây. Điều này tạo sức ép đáng kể cho doanh nghiệp vì vấn đề rủi ro tỷ giá, trong khi đó doanh nghiệp không thể áp giá ngoại tệ vào thành phẩm. Tôn Đông Á hiện đang cố gắng duy trì sản xuất, giữ vững thị phần, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Còn ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thủy sản Út Xi, cho biết trong năm 2009 doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn ở thị trường xuất khẩu mà còn về nguyên liệu sản xuất. Do trong năm 2008 Ngân hàng Nhà nước thắt chặt tín dụng khiến vốn đầu tư hạn hẹp, nuôi tôm không có lời, người nuôi bỏ ao hoặc nuôi cầm chừng khiến ngành thủy sản rơi vào một nghịch lý: trong khủng hoảng giá nguyên liệu tăng cao và khan hiếm, trong khi đó đầu ra không những không tăng mà còn giảm, khiến áp lực đè lên doanh nghiệp. Một trở ngại khác là các thị trường nhập khẩu ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm, dư lượng chất kháng sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt của các nước xuất khẩu thủy sản trong khu vực như Thái Lan, Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ... do những nước này đã chuyển đổi cơ cấu giống tôm sú và tôm thẻ cho sản lượng cao. Ngoài ra, sự dịch chuyển lao động tại địa phương do nhiều khu công nghiệp mọc lên, hoặc do những lao động trẻ thích lên các thành phố lớn làm việc, dẫn đến khan hiếm lực lượng lao động. Cho dù từ tháng 10-2009, Út Xi đã tăng thêm khẩu phần ăn, tăng lương cho công nhân lên thêm 15%, bình quân hơn 1,8 triệu đồng người/tháng, nhưng cũng không dễ tìm được người. Nỗi lo lại đến Những khó khăn trong năm 2009 chưa qua thì đầu năm 2010 giá điện, nước, bao bì tăng… khiến doanh nghiệp đau đầu với bài toán chi phí đầu vào. Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết để thu hút và giữ chân người lao động, hiện Út Xi đang triển khai xây khu nhà ở cho hơn 800 cán bộ, công nhân viên. Nhưng chưa giải quyết xong bài toán này thì giá cước vận chuyển một số tuyến qua thị trường châu Âu đã được đối tác thông báo tăng lên khoảng 10-15% tùy tuyến, ở mức 400-500 đô la Mỹ/container 40 feet, khiến doanh nghiệp hết sức băn khoăn. Không riêng gì Út Xi, các doanh nghiệp trong ngành may mặc cũng đang lo lắng về những diễn biến của thị trường từ đầu năm. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, cho biết từ quí 3-2009 trở lại đây, đơn hàng đã nhiều hơn so với trước. Có những doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quí 2-2010. May Sài Gòn 3 đã nhận được đơn hàng sản xuất đến cuối tháng 6 với tổng trị giá gần 40 triệu đô la Mỹ, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với những khó khăn mới. Đó là giá xăng dầu, điện, nước sẽ tăng trong năm 2010 này. Bên cạnh đó là sự thiếu hụt lực lượng lao động. Sau một thời gian thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động, năng lực sản xuất của một số doanh nghiệp đã giảm mạnh. Nay đơn hàng dồi dào, song do chưa có sự chuẩn bị nên nhiều doanh nghiệp thiếu nhân công, phải từ chối bớt đơn hàng. Điều này chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành may trong năm 2010, ông Hồng lo ngại. Theo ông Vũ Đình Phương, dựa trên những kết quả đạt được trong năm rồi, trong năm 2010, ASIA sẽ đầu tư thiết bị, máy móc nâng cao khả năng sản xuất, giảm giá thành, mở rộng mạng lưới phân phối về các tỉnh, chào giá cạnh tranh với các đối thủ khác trên thị trường xuất khẩu khu vực châu Á và Trung Đông, tiếp tục thực hiện việc cắt giảm chi phí… Tuy nhiên, theo ông Phương, ASIA nói riêng và các doanh nghiệp khác của Việt Nam nói chung hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh không bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Chẳng hạn hàng nhập khẩu khai giá thấp trốn thuế, hàng hóa nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan trên thị trường... Để nền kinh tế thực sự ổn định và phát triển, ông Phương hy vọng trong năm 2010 Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về vốn trung hạn, ưu đãi cho doanh nghiệp vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần kiểm soát chặt những gian lận thương mại trên thị trường nhằm bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Ông Nguyễn Thanh Trung cho rằng, trong năm 2010, để doanh nghiệp thực sự vượt qua khó khăn thì sự ổn định về kinh tế vĩ mô, không thay đổi quá đột ngột như những năm rồi, là điều kiện tiên quyết.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/doanhnghiep/chuyenlaman/30303/