Nhiều nước lên án kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria của Mỹ

Tối 4/9, tức vài giờ sau khi Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ phê chuẩn nghị quyết cho phép can thiệp quân sự với quy mô hạn chế nhằm vào Syria, nhiều quốc gia đã lên tiếng phản đối động thái này.

Đầu tiên là Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Một lần nữa khẳng định rằng, hành động quân sự nhằm vào Syria "gây bất lợi cho toàn khu vực và các nước đồng minh của Mỹ”, người đứng đầu chính quyền Tehran cho hay, nước này sẽ tiếp tục gửi hàng cứu trợ nhân đạo và viện trợ cho người dân Syria. Đồng thời, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) sẽ sát cánh cùng Syria cho tới khi giành được chiến thắng trước “kẻ thù xâm lược”.

Đáng chú ý là quan điểm của Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhận được sự ủng hộ hoàn toàn từ các nghị sĩ trong Quốc hội Iran cũng như các quan chức cấp cao của IRGC. Một số quốc gia khác trong khu vực Trung Đông như Iraq, Lebanon cũng lên tiếng phản đối mọi kịch bản áp đặt cho Syria, trong đó có kế hoạch quân sự trừng phạt chính quyền Damascus.

Thủ tướng Iraq Nouri al-Maliki còn cảnh báo về dòng người tị nạn Syria đang đổ dồn vào các quốc gia trong khu vực và có nguy cơ tạo thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn. Vì thế, ông Nouri al-Maliki cũng kêu gọi thành lập một quỹ nhằm hỗ trợ những người tị nạn hồi hương, tái thiết Syria, đồng thời vạch ra thời gian biểu cho các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập dưới sự giám sát của các nước Arab và cộng đồng quốc tế, nhằm vạch lộ trình cho các cuộc bầu cử tự do và chấm dứt cuộc khủng hoảng.

Ngày 5/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tiếp tục điều trần và thuyết phục Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua kế hoạch tấn công quân sự nhằm vào Syria.

Tại Nga, Bộ Ngoại giao nước này đã ra thông cáo nói rõ kế hoạch của Mỹ tấn công quân sự nhằm vào Syria là trái với luật pháp quốc tế, phản ứng của cộng đồng quốc tế và các nước riêng rẽ về sử dụng vũ khí hóa học phải phù hợp với những khuôn khổ pháp lý nghiêm ngặt và phải dựa trên những kết quả điều tra độc lập kỹ lưỡng. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Alexander Luskashevich cảnh báo rằng, sự can thiệp quân sự vào Syria có thể gây ra một “cuộc khủng hoảng hạt nhân” và kêu gọi Liên hợp quốc (LHQ) phải ngăn chặn tình huống xấu này.

Nguyên do là bởi hồi tuần trước, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã gửi tới các nước thành viên một báo cáo cho hay, Syria có một lượng nguyên liệu hạt nhân nhỏ tại MNSR, một lò phản ứng nghiên cứu sử dụng urani làm giàu cấp độ cao. Vì thế, Nga đã hối thúc IAEA phản ứng nhanh chóng và gửi đến các nước thành viên bản phân tích các nguy cơ liên quan đến kế hoạch tấn công của Mỹ nhằm vào Syria và cơ sở MNSR…

Về phía LHQ, Hội đồng Bảo an thừa nhận vấn đề Syria không chính thức nằm trong chương trình nghị sự của tổ chức này. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hy vọng vấn đề này sẽ được thảo luận trên cơ sở song phương hoặc theo nhóm tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 đang diễn ra ở Saint Petersburg (Nga).

Nguồn tin từ hãng AFP cho hay, trong số các nước đồng minh của Mỹ, chỉ có Pháp là ủng hộ giải pháp quân sự đối với vấn đề Syria . Còn Anh, Thủ tướng David Cameron đã tuyên bố không tham chiến dù vẫn kêu gọi phải đưa ra những hành động cần thiết trước vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria .

Như vậy, có thể thấy rằng, dù Mỹ thể hiện quyết tâm theo đuổi một sự can thiệp quân sự vào Syria thì những động thái của các quốc gia này cũng không làm xoay chuyển quan điểm của các nước khác trên thế giới. Mọi người đều không muốn có chiến tranh xảy ra và cũng không muốn chứng kiến cảnh một quốc gia khác bị can thiệp vào công việc nội bộ một cách trắng trợn và vi phạm luật pháp quốc tế.

Giới quan sát nhận định rằng, nếu Mỹ và phương Tây vẫn muốn dồn Syria vào “bước đường cùng” thì có rất nhiều hệ lụy xảy ra, trong đó có cả nguy cơ làm gia tăng các vụ tấn công khủng bố. Bởi lẽ, trong những ngày qua, trên mạng internet đã xuất hiện nhiều trang web kêu gọi thánh chiến chống Mỹ và bảo vệ Syria .

Thậm chí, một trang web tự nhận là có quan hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda còn kêu gọi những người Hồi giáo trên khắp thế giới, từ Trung Đông tới châu Á, châu Âu, châu Phi đến Syria tham gia “cuộc thánh chiến mới”.

Về phía Syria , chính quyền nước này cũng đang huy động các đồng minh nhằm chống lại khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/quocte/2013/9/208393.cand