Nhiều tai nạn, vẫn nhập nhằng chờ dự án BOT

Cầu phao Vồm ọp ẹp, cũ kỹ đã được làm tạm bợ từ hơn 20 năm trước. Tai nạn thường xuyên xảy ra. Nhiều người đã thiệt mạng khi qua cây cầu này. Mới đây, lại thêm 2 người chết oan uổng. Dân rất cần cây cầu mới nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn đang loay hoay chờ… BOT.

Cầu phao Vồm cũ kỹ, ọp ẹp từng gây nhiều tai nạn thương tâm. Ảnh: X.H

Ba năm, 6 người tử vong vì cầu phao mục nát

Cầu phao Vồm bắc qua sông Chu, thuộc địa phận xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa) và xã Thiệu Khánh (TP.Thanh Hóa) đã có từ lâu. Cầu dài khi nước lớn là 228m, rộng 2,5m; làm bằng vật liệu luồng, thiết kế cho người đi bộ và xe máy (phải dắt bộ) qua. Phao cầu là những thùng phuy cũ kỹ, móp méo; mặt cầu vá chằng vá đụp bằng tre luồng và những thanh gỗ chẳng cái nào gắn cái nào. Mỗi khi có nhiều người đi qua, cây cầu phao ọp ẹp, rệu rạo, lắc lư. Mỗi ngày có hàng nghìn người, xe máy qua lại. Do nhiều người rơi xuống sông quá nên đơn vị thu phí qua cầu mới lắp thêm lan can tạm bợ bằng những thanh luồng, sắt nham nhở…

“Mỗi lần đi qua cầu là phát ớn, chỉ sợ rớt xuống sông nhưng cũng đành liều vì chẳng biết đi đường nào” - chị Nguyễn Thị Loan (Thiệu Khánh) nói. Cây cầu phao cũ kỹ hiện là cái bẫy chầu chực lấy mạng người. Chưa ai thống kê đầy đủ số người và xe máy bị rơi xuống sông, chỉ tính từ năm 2013 đến nay đã có tới 6 người chết. Gần đây nhất, ngày 16.9, ông Trần Văn Lân (67 tuổi) và anh Hoàng Đình Thắng (25 tuổi) cùng trú tại xã Thiệu Quang, Thiệu Hóa khi đi qua cầu đã cùng bị rớt xuống sông tử vong.

Để đi qua cây cầu này, mỗi người phải nộp 5.000 đồng; nếu 2 người đi 1 xe máy phải nộp 7.000 đồng. Không có vé, chỉ cần nộp tiền là cho qua. Theo ông Lê Tiến Vinh - Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh, mỗi năm xã khoán cho đơn vị này vài chục triệu đồng. Lời ăn, lỗ chịu. Bên kia đầu cầu, UBND xã Thiệu Hợp cũng làm tương tự.

Nhiều tai nạn, vẫn “câu giờ” chờ BOT

Năm 2009, UBND tỉnh Thanh Hóa đã cho lập dự án đầu tư cầu cứng Thiệu Khánh thay thế cầu phao Vồm. Tuy nhiên, chỉ thấy cán bộ về đo vẽ rồi đi. Lý do được đưa ra là do chưa có kinh phí. May thay, tháng 6.2014, Bộ GTVT khởi công xây dựng cầu cứng thay thế cầu phao Thắm và cầu phao Bút Sơn (nối huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc). Đây là 2 cầu phao cũng đã cũ kỹ, nhưng so với cầu phao Vồm cũng còn tốt hơn gấp nhiều lần. Ngày 1.4.2016, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định giao cho TP.Thanh Hóa 2 canô, 3 phà và toàn bộ phao của cầu phao Thắm và cầu phao Bút Sơn với giá trị còn lại trên 1,3 tỉ đồng để thay thế cầu phao Vồm.

Ngày 20.4.2016, UBND xã Thiệu Khánh làm tờ trình gửi UBND TP.Thanh Hóa xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp cầu phao Vồm trên cơ sở tài sản được giao từ phà Thắm và Bút Sơn. Ngày 29.4, ông Đào Trọng Quy - Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa có văn bản đồng ý giao UBND xã Thiệu Khánh lập báo cáo đầu tư cải tạo cầu phao Vồm theo Luật Đầu tư công. Theo ông Lê Tiến Vinh - Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh, cần khoảng 11 tỉ đồng là có thể cải tạo cầu phao Vồm thành cầu phao cho xe cơ giới đi qua. Kinh phí từ nguồn hỗ trợ của thành phố, tỉnh, ngân sách địa phương và sự góp vốn của DN tham gia quản lý cầu sau khi hoàn thành. Điện đã được kéo ra, máy hàn đã chuẩn bị sẵn. Vậy nhưng, ngày 5.5, tại công văn số 71/TB-UBND, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn lại tiếp tục chỉ đạo UBND huyện Thiệu Hóa, UBND TP.Thanh Hóa… đề xuất phương án và hình thức đầu tư.

Ngày 27.5, ông Lê Anh Tuấn kết luận dự án cầu phao Vồm sẽ được nâng cấp, cải tạo theo hình thức đối tác công tư (BOT). Trước đó, ngày 15.10.2015, Sở GTVT đã trình xin chủ trương phê duyệt dự án BOT này. Tổng dự án BOT sẽ là trên 26 tỉ đồng. Một DN từng quản lý cầu phà đã đứng ra xin đầu tư dự án này. Theo quy định, dự án phải trên 20 tỉ mới được đầu tư theo hình thức BOT.

Đến nay, dự án BOT vẫn chưa ngã ngũ. Đống sắt hàng chục tấn vẫn nằm đó. Cây cầu phao cũ kỹ ọp ẹp vẫn oằn mình gánh bao người qua lại hằng ngày và hà bá vẫn chực chờ hại dân. Và rồi, ngày 26.9, anh Thắng và ông Lân đã phải thiệt mạng. Nếu dự án được đầu tư nhanh hơn, nếu không có sự nhùng nhằng đầu tư bằng cách này hay cách kia thì hàng trăm người dân không còn phải nơm nớp lo khi qua sông mỗi ngày.

XUÂN HÙNG

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nhieu-tai-nan-van-nhap-nhang-cho-du-an-bot-598460.bld