Nhiều thí sinh vẫn nhầm lẫn khi thay đổi nguyện vọng

Gần cuối hạn trót đăng ký thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học (ngày 21/7 đối với đăng ký trực tuyến và ngày 23/7 đối với đăng ký trực tiếp), lượng thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng tăng lên nhanh chóng, hiện đã có gần 100.000 lượt thí sinh đăng ký thay đổi. Tuy nhiên, sau điều chỉnh, có khá nhiều thí sinh lại tự đánh mất cơ hội lựa chọn ngành, trường mà mình yêu thích

Theo quy chế tuyển sinh năm nay, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, các thí sinh có quyền điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH nhưng chỉ được phép thay đổi có một lần duy nhất. Chính vì thế, sau khi Bộ GDĐT công bố phổ điểm và các trường công bố mức điểm từng khối xét tuyển đại học (ĐH), nhiều thí sinh đã chủ động thay đổi nguyện vọng xét tuyển nhằm lựa chọn được trường, ngành học phù hợp với năng lực và sở thích của mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: tienphong.vn

Thế nhưng, có thể do tâm lý căng thẳng trong việc “cân não” lựa chọn, thay đổi quyết định nên nhiều thí sinh lại tự đánh mất quyền lợi của chính mình trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng khi sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ưu tiên không đúng hoặc cân nhắc mức điểm không sát với cơ hội vào ngành, trường mình muốn.

Theo phản ánh của cán bộ tuyển sinh nhiều trường ĐH cho biết, những ngày này, đường dây tư vấn tuyển sinh của các trường hay bộ phận tuyển sinh trực tiếp nhận được câu hỏi nhiều nhất là “với mức điểm của thí sinh thì có cơ hội trúng tuyển vào trường hay không để điều chỉnh?”. Song, để trả lời được câu hỏi này thì các trường phải có dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển để làm căn cứ và từ đó tính điểm chuẩn nên thời điểm này không thể có câu trả lời chắc chắn.

Bên cạnh đó, một yếu tố nữa tác động không nhỏ tới quyết định điều chỉnh nguyện vọng của nhiều thí sinh là do có một số trường ĐH tốp trên nhận cả hồ sơ xét tuyển có ngưỡng điểm bằng mức điểm sàn Bộ GDĐT công bố (15,5 điểm) như ĐH Y Hà Nội, nhiều khoa/ trường thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Luật Hà Nội… Theo nhiều chuyên gia giáo dục, đây chính là “cái bẫy” khiến thí sinh bị mất đi cơ hội đỗ ĐH vào trường phù hợp với kết quả thi vừa qua của thí sinh.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết, theo quy chế xét tuyển năm nay, thí sinh chỉ được điều chỉnh một lần để tránh gây khó khăn cho các trường và gây hoang mang, mất ổn định cho thí sinh như năm 2015. Đồng thời, phần mềm đăng ký trực tuyến được thiết kế để giúp thí sinh không bị mắc lỗi về mã ngành, mã tổ hợp.Vì thế, nếu vẫn xảy ra nhầm lẫn là do thí sinh lựa chọn nguyện vọng đăng kí không chính xác. Để xảy ra sai sót và nhầm lẫn thì thí sinh phải tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, PGS.TS Trần Văn Nghĩa cũng khuyến cáo: thí sinh chỉ thay đổi nguyện vọng bằng phiếu khi cần tăng nguyện vọng hoặc thay đổi chế độ ưu tiên của các nguyện vọng. Các trường hợp còn lại đều thay đổi bằng phương thức trực tuyến.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT cũng nhắc các sở GDĐT mở máy tính có kết nối mạng ở trường phổ thông và bố trí cán bộ hướng dẫn cho thí sinh. Đối với những thí sinh không tăng số nguyện vọng vẫn có thể đến điểm thu nhận để thực hiện. Trong trường hợp này, cán bộ ở điểm thu nhận chỉ hướng dẫn, còn thí sinh phải tự đăng ký trực tuyến.Ngoài ra, trường hợpthí sinh không tăng số lượng nguyện vọng so với trước thì dù thay đổi hoàn toàn các nguyện vọng từ trường này sang trường khác thì không cần đóng thêm lệ phí xét tuyển.Riêng trường hợp những thí sinh sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên, nếu muốn đều có thể điều chỉnh nguyện vọng trong giai đoạn này, không phân biệt trường công hay tư.

Hữu Thành

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-thi-sinh-van-nham-lan-khi-thay-doi-nguyen-vong-56698.html