Nhiều trẻ Hưng Yên bị sùi mào gà: Bác sĩ phản bác thông tin trẻ lây từ bố mẹ

Nhiều thông tin cho rằng có khả năng bố mẹ của các cháu bị sùi mào gà và vô tình lây nhiễm cho con. Tuy nhiên, các bác sĩ Bệnh viện Da liễu trung ương đã phản bác thông tin này.

PGS Lê Hữu Doanh trả lời về bệnh sùi mào gà ở nhiều bệnh nhi

PGS. Lê Hữu Doanh – Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: "Sự gia tăng bất thường số ca bệnh sùi mào gà tại một địa phương trong vòng 2 tháng chứng tỏ có nguồn lây tại địa phương.

Về nguyên tắc khi điều trị cho trẻ mắc bệnh sùi mào gà, chúng tôi đã yêu cầu các bố mẹ khám để xác định xem có bị bệnh và lây cho trẻ không. Cho đến thời điểm hiện tại thì không có trường hợp bố mẹ nào mắc sùi mào gà. Do đó, chúng tôi nghi ngờ nguồn lây từ sự chăm sóc y tế không đảm bảo điều kiện vệ sinh khiến trẻ nhiễm bệnh".

Bệnh sùi mào gà biểu hiện là tổn thương ở da hoặc niêm mạc là sần mềm màu da, hồng hoặc màu nâu, đường kính khoảng một vài mm. Sau vài tuần đến vài tháng các tổn thương có thể hợp lại thành mảng lớn hơn giống như hình súp lơ. Ở trẻ em nam, sùi mào gà thường gặp ở vị trí thân dương vật và quanh hậu môn.

Ở trẻ gái,bệnh có thể gặp ở âm hộ, phía ngoài âm đạo, quanh lỗ niệu đạo và quanh hậu môn. Một vài trường hợp có thể gặp ở bên trong niêm mạc âm đạo, trực tràng. Tuy nhiên bệnh thường gặp ở trẻ nam hơn.
Đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp. Nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ. Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV hoặc can thiệp y tế như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu nếu không đảm bảo vô trùng.

Trẻ mắc sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến trển sang ung thư và ảnh hưởng khả năng sinh sản khi trưởng thành.

Việc điều trị sùi mào gà, PGS Doanh cho rằng bắt buộc phải tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị, tùy theo mức độ tổn thương, vị trí tổn thương, tuổi của người mắc mà có phương pháp điều trị khác nhau như bôi thuốc, xịt hoặc áp ni tơ, sử dụng laser đốt điện hoặc phẫu thuật cắt bỏ tổn thương.

Với trẻ nhỏ, nhất là nhiều cháu ở Hưng Yên, PGS Doanh cho biết, việc điều trị rất khó khăn do tổn thương lan rộng. Các bác sĩ phải mời các bác sĩ Bệnh viện Nhi TƯ sang hỗ trợ gây mê cho các cháu để tiến hành xử lý u sùi.

Khi nghe bố mẹ các cháu kể lại, khi có u sùi đưa ra chỗ bà Hoàng Thị Hiền xử lý bôi thuốc, cháu nào u sùi to bà Hiền tiêm thuốc tê tại chỗ và lấy kéo cắt, bác sĩ cũng lạnh người. Theo PGS. Doanh cắt như thế thì nguy cơ chảy máu rất lớn và càng làm tổn thương nặng hơn.

Ph. Thúy

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/bo-me-cac-chau-bi-sui-mao-ga-o-hung-yen-khong-bi-benh-nay-post232583.info