Nhiều trường học quá hạn công nhận lại chuẩn: Đâu là nguyên nhân?

Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được xem là chìa khóa để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Chủ trương này không phải là nhiệm vụ của riêng ngành giáo dục và đào tạo mà là của cả hệ thống chính trị.

Năm 2000, Trường Tiểu học Sa Pa (khi đó địa điểm tại Trung tâm hội nghị Sa Pa hiện nay) tự hào khi là một trong những trường đầu tiên của huyện Sa Pa (nay là thị xã Sa Pa) được công nhận trường chuẩn quốc gia. Năm 2016, Trường Tiểu học Sa Pa “tiếp quản” lại cơ sở vật chất của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sa Pa.

Đi cùng thầy giáo Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng nhà trường, chúng tôi dễ dàng nhận thấy, bên cạnh nhà bếp, dưới chân cầu thang... bất cứ nơi nào có khoảng trống đều được nhà trường quây kín, tận dụng làm phòng học. Trong số 35 phòng học, có tới 16 phòng học cơi nới, mùa hè nóng nực, mùa đông lạnh giá. Bàn ghế trong các lớp kê san sát, lối đi lại chật hẹp, với tổng số 1.400 học sinh, trung bình mỗi lớp 40 học sinh.

Việc dạy học trong không gian chật chội đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, bởi giáo viên gặp khó khăn trong tổ chức hoạt động của mỗi tiết học cũng như quán xuyến số lượng học sinh đông. Cũng vì nguyên nhân liên quan tới cơ sở vật chất mà gần 20 năm nay, Trường Tiểu học Sa Pa vẫn chưa thể làm hồ sơ đăng ký kiểm tra công nhận lại chuẩn.

Thầy Dương Xuân Chính - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sa Pa

Thầy Đỗ Văn Nam, giáo viên Giáo dục thể chất cho biết: Vì không có sân chơi, bãi tập nên một số môn thể thao tự chọn như bóng rổ, bóng đá phải thuê sân tập bên ngoài. Ngoài ra, có những ngày 3 lớp cùng học ngoài sân tập chật hẹp, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng dạy. Các hoạt động ngoại khóa không thể tổ chức toàn trường mà phải luân phiên theo khối lớp.

 Các lớp học của Trường Tiểu học Sa Pa được quây bằng tôn. Mùa hè nóng nực, mùa đông lạnh giá.

Các lớp học của Trường Tiểu học Sa Pa được quây bằng tôn. Mùa hè nóng nực, mùa đông lạnh giá.

Theo thầy giáo Dương Xuân Chính, Hiệu trưởng nhà trường, trung tâm thị xã Sa Pa có duy nhất Trường Tiểu học Sa Pa. Địa bàn trường đứng chân là trung tâm thị xã, dân cư đông, số lượng học sinh tăng từng năm nên tình trạng quá tải diễn ra suốt nhiều năm học. Tuy nhiên, do vướng quy hoạch nên dù rất muốn, trường cũng không thể nâng cấp cơ sở vật chất. Từ năm học 2018 - 2019, trường phải cơi nới thêm phòng học, tuy nhiên đến nay vẫn thiếu 13 phòng chức năng, 5 phòng học, sân chơi, bãi tập.

Được công nhận đạt chuẩn quốc gia tháng 8/2014, đáng lẽ đến năm 2019, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phố Lu (huyện Bảo Thắng) phải công nhận lại chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, từ đó đến nay, thậm chí sắp đến lần thứ 2 công nhận lại nhưng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phố Lu đành “lỗi hẹn”.

Nhắc đến cơ sở vật chất của trường, cô giáo Nguyễn Thị Tình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phố Lu nói đùa nhưng cũng rất thật: Có lẽ dãy nhà hiệu bộ và dãy lớp học của trường xấu nhất tỉnh!

Quả thực, dãy nhà lớp học của trường đã xây dựng từ năm 1989 - 1990, rêu mốc, cũ kỹ, đến năm 2008, nền các phòng học được lát lại, năm 2019 thay mái fibro xi măng bằng tôn. Còn dãy nhà xây tạm phía sau khu lớp học 2 tầng đã được sửa chữa, gia cố bằng cột thép để làm lớp học. Dãy nhà hiệu bộ xây từ năm 2000, đã xuống cấp, tường bong tróc, trần nhà ghép bằng tấm nhựa đã bong bật.

Điều đáng nói, theo các thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia thì cơ sở vật chất của Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phố Lu gần như không đạt. Trường không có phòng hỗ trợ học tập, phòng phụ trợ (bếp ăn, nhà ăn), phòng thiết bị, thư viện, quản trị hành chính; chỉ có 1/5 phòng học bộ môn. Để khắc phục, nhà trường đã “biến” các lớp học thành phòng học đa chức năng (kết hợp dạy Khoa học công nghệ, Âm nhạc, Ngoại ngữ).

Các phòng học thiếu thốn, xuống cấp như vậy nhưng vẫn không bi đát như thư viện. Gọi là thư viện nhưng thực chất là phòng tạm, nhà trường tận dụng khoảng trống giữa 2 dãy nhà rồi dựng cột bê tông, lợp mái, xây thêm 2 bức tường phía trước và sau mà thành. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn, phụ trách thư viện cho biết: Từ năm 2020, do phòng truyền thống và phòng hoạt động đội bị sập nên tất cả thiết bị, đồ dùng đều để vào thư viện, thành ra như kho chứa, không có chỗ cho học sinh đọc sách.

Ở ngay trung tâm thành phố Lào Cai, thật bất ngờ khi Trường Tiểu học Bắc Cường cũng đã quá 7 tháng để công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trường tiểu học không quá 30 lớp và 35 học sinh/lớp. Tuy nhiên, đối với Trường Tiểu học Bắc Cường, hiện có 45 lớp và số lượng học sinh trung bình lên tới 40,7 học sinh/lớp. “Hiện tại, nhà trường đã phải sử dụng tất cả các phòng chức năng, phòng hiệu bộ để làm lớp học. Dù đủ số lượng lớp học nhưng diện tích theo quy chuẩn là không đạt”, Hiệu trưởng Trần Thị Minh Chung cho biết.

Cũng vì nhu cầu phòng học mà Trường Tiểu học Bắc Cường gần như thiếu các khối phòng quản trị, phòng học tập, phòng hỗ trợ học tập. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Minh Chung, hiện trường chỉ có phòng hiệu trưởng, phòng hành chính, phòng tin học, còn thư viện được cơi nới từ một góc của nhà đa năng, phòng y tế học đường và phòng bảo vệ được ngăn đôi từ phòng bếp. Các phòng phó hiệu trưởng, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ, phòng đội, phòng truyền thống đều không có.

Không chỉ 3 trường nói trên mà còn nhiều trường khác trong tỉnh cũng đang trong tình trạng “nợ” công nhận lại chuẩn, nguyên nhân duy nhất là cơ sở vật chất chưa đảm bảo. Mặc dù một số trường đã có chủ trương quy hoạch, đầu tư ở vị trí mới (Trường Tiểu học Sa Pa, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Phố Lu) nhưng trước mắt, các trường đã “gồng mình” khắc phục, cố gắng không ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục và đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể kéo dài.

Những câu chuyện thực tế cho thấy ở mỗi cấp học, mỗi địa phương trong tỉnh đều phải đối diện với những khó khăn, thách thức trên lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí của thông tư mới (Thông tư 13, 14 của Bộ Giáo dục và Đào tạo).

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, kết thúc năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 398 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 66,1%, tăng 8 trường so với năm học trước. Riêng năm học 2022 - 2023, đã tổ chức đánh giá ngoài và công nhận đạt chuẩn quốc gia 52 trường, hiện có 63 trường hết hạn công nhận (trường công nhận trước tháng 8/2018) nhưng chưa đề nghị đánh giá lại, trong đó có 19 trường mầm non; 36 trường tiểu học; 5 trường trung học cơ sở; 3 trường trung học phổ thông.

Năm học 2022 - 2023, hầu hết các huyện, thị xã, thành phố chưa đạt chỉ tiêu đăng ký đánh giá ngoài và công nhận chuẩn quốc gia. Các địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia còn rất thấp, như Bảo Yên (31/75 trường, chiếm 41,3%); Mường Khương (31/61 trường, chiếm 50,8%)…

Trao đổi về vấn đề này, bà Dương Bích Nguyệt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, các tiêu chí về cơ sở vật chất để đạt trường chuẩn quốc gia được áp dụng theo Thông tư số 13 do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cuối tháng 5/2020 cao hơn trước đây rất nhiều. Vì vậy, nhiều trường đã quá hạn công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục và đạt chuẩn quốc gia nhưng chưa được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang - thiết bị dạy học đáp ứng với bộ tiêu chuẩn mới. Ngoài cơ sở vật chất, một rào cản lớn khiến nhiều trường “rớt chuẩn” còn do sĩ số học sinh vượt quá quy định. Áp lực từ sĩ số này đều do quy hoạch mới từ các khu dân cư, đô thị, khu công nghiệp trong tỉnh, số dân cơ học ngày càng tăng khiến nhiều trường có số lớp, số học sinh vượt quá quy định, cơ sở vật chất không đáp ứng kịp.

Khó khăn nữa mà các trường đang gặp phải là áp lực về tinh giản biên chế, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương, đơn vị. Đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ ở một số cấp học nên việc nâng cao chất lượng toàn diện theo hướng đổi mới chưa đạt hiệu quả tối ưu. Đội ngũ nhân viên y tế, thư viện, thiết bị, văn phòng còn thiếu, không đủ chuẩn theo yêu cầu về nghiệp vụ (vì đa số sử dụng giáo viên làm nhân viên hoặc kiêm nhiệm).

 Số học sinh trung bình mỗi lớp của Trường Tiểu học Bắc Cường vượt quy định của điều lệ trường tiểu học và chuẩn quốc gia.

Số học sinh trung bình mỗi lớp của Trường Tiểu học Bắc Cường vượt quy định của điều lệ trường tiểu học và chuẩn quốc gia.

Ngoài ra, công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với khối trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên còn nhiều khó khăn, bất cập do các quy định hiện hành, tiêu chí và hướng dẫn đánh giá giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên khác nhau. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên ít được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục theo nhu cầu của địa phương, đáp ứng tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục…

Để thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 68% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XVI và đạt 72% theo Đề án số 06 ngày 11/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng thời đảm bảo các điều kiện thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia.

Ngành giáo dục sẽ tích cực tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố quan tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia; cân đối nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách được cấp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học, phòng học bộ môn đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo kế hoạch đã được giao; khẩn trương mua sắm thiết bị dạy học.

Ngành giáo dục cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, tích cực tham mưu và chuẩn bị các điều kiện đảm bảo quy định thực hiện tự đánh giá, đánh giá ngoài; đăng ký và phấn đấu đánh giá ngoài đúng lộ trình.

Năm học 2023 - 2024, thực hiện đánh giá ngoài, công nhận đạt kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương theo đăng ký đánh giá ngoài và công nhận trường đạt chuẩn quốc gia cho 84/604 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (trong đó 21 trường đăng ký mới, 63 trường công nhận lại); phấn đấu tổ chức đánh giá ngoài được ít nhất 2/10 trung tâm (trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên 2 huyện Bảo Thắng, Bảo Yên).

Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tăng cường chỉ đạo triển khai kế hoạch kiểm định chất lượng giáo dục, xây dựng trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2020 - 2025; cân đối nguồn ngân sách địa phương và nguồn ngân sách được cấp đẩy nhanh tiến độ xây dựng phòng học, phòng học bộ môn đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo kế hoạch đã được giao, đồng thời khẩn trương mua sắm thiết bị dạy học, rà soát, sắp xếp đội ngũ để đảm bảo tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/nhieu-truong-hoc-qua-han-cong-nhan-lai-chuan-dau-la-nguyen-nhan-post377734.html