Nhiều vi phạm, khuất tất cần được làm sáng tỏ

* Hoàn tất việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân

* Khen thưởng 6 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác TKCN

QĐND - Sáng 5-8, khi hai nạn nhân mất tích cuối cùng trong vụ chìm tàu ở vùng biển Cần Giờ được tìm thấy, công tác tìm kiếm đã khép lại, thì nhiều vấn đề trong công tác cứu hộ, cứu nạn được các cơ quan chức năng nêu lên với nhiều thiếu sót, khuất tất cần làm rõ.

Theo các cơ quan chức năng, bước đầu xác định, vị trí tàu chìm chỉ cách Cần Giờ khoảng 10km và cách TP Vũng Tàu 20km. Nhiều người cho rằng, với khoảng cách chỉ 5 hải lý, nếu được báo sớm, công tác cứu nạn sẽ được tổ chức kịp thời, giảm thiệt hại về người. Tuy nhiên, sự việc xảy ra và được báo từ 19 giờ ngày 2-8, nhưng mãi đến 1 giờ ngày 3-8, các phương tiện cứu hộ mới tiếp cận được hiện trường. Theo nguồn tin chúng tôi có được, trong sổ “nhật ký cứu nạn” của Cảng vụ Hàng hải Bà Rịa - Vũng Tàu, thông tin ban đầu được ông Nguyễn Ngọc Tuấn, thuộc Công ty du lịch Marina, đơn vị hợp đồng đưa các công nhân từ Tiền Giang về TP Vũng Tàu thông báo vào lúc 21 giờ ngày 2-8. Nội dung thông báo có tàu bị nạn, nhưng không nói cụ thể về số người trên tàu, không nói rõ tọa độ và tình trạng tàu bị chìm. Đến 22 giờ 45 phút ngày 2-8, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu mới chính thức nhận được đơn yêu cầu cứu nạn từ ông Nguyễn Ngọc Tuấn (viết trên giấy) và triển khai lực lượng ra hiện trường.

Cán bộ Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh và Đồn biên phòng Long Hòa trao đổi thông tin, điều tra vụ tai nạn. Ảnh: Xuân Cường.

Ngoài ra, ông Tuấn cũng có đơn đề nghị Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 tổ chức cứu nạn, nhưng không báo tọa độ, số lượng hành khách được trang bị áo phao. Đến 22 giờ 5 phút, ông Tuấn mới thông báo tọa độ cho trung tâm và đến 22 giờ 10 phút tàu SAR 272 mới xuất phát cứu nạn.

Theo ông Lê Văn Chiến, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Bà Rịa-Vũng Tàu, việc ứng cứu chậm trễ là do người báo tin chậm và có ý giấu giếm, không cung cấp đầy đủ thông tin, như vị trí tàu gặp nạn, số người hiện có trên tàu, tình trạng kỹ thuật của tàu…

Anh Trần Quốc Tuấn, sinh năm 1984, quê Vĩnh Long, một trong 21 người được cứu sống trong vụ tai nạn đang được điều trị tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện An Sinh (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cho biết:

- Sau khi thuyền lật, anh Cương (Nguyễn Văn Cương, 25 tuổi, quê Hà Tĩnh) may mắn có điện thoại không bị ướt, nên đã gọi về công ty, cảnh sát 113, người thân để cầu cứu. Một lúc sau, hai chiếc ca nô chạy đến vị trí cách tàu bị lật khoảng 500-600 mét dừng lại một lúc. Chúng tôi đều hy vọng sẽ được cứu, nhưng sau đó hai ca nô lại đi tiếp về hướng Vũng Tàu, không thấy quay lại. Mọi người chờ đợi kiệt sức cho đến khi được tàu của bộ đội biên phòng đến cứu.

Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, lực lượng Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh đi nhanh nhất, sớm nhất sau khi nhận được tin báo; ngoài ra còn có sự tham gia của Ban CHQS huyện Cần Giờ, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Cần Giờ. Thượng tá Phạm Long Bào, Đồn trưởng đồn biên phòng Long Hòa cho biết: Lúc 21 giờ 38 phút ngày 2-8, chúng tôi mới nhận được tin về vụ tai nạn và lập tức liên lạc qua bộ đàm với các tàu đánh cá trong khu vực, nhưng thời điểm về đêm, lại đang ảnh hưởng của bão, nên không có tàu cá nào. Chỉ 10 phút sau đó, tàu do tôi chỉ huy (BP 14-12-01) đã xuất bến đi tìm kiếm, nhưng đáng tiếc là tọa độ ban đầu bị thông báo sai, không chính xác. Trong điều kiện đêm tối, khu vực cồn Ngựa rất nguy hiểm, nên việc tìm kiếm rất khó khăn. Sau khi mở rộng phạm vi tìm kiếm, chúng tôi mới tìm được vị trí tàu lật, tổ chức cứu nạn.

Theo ông Huỳnh Cách Mạng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Nếu thông tin được báo sớm thì thiệt hại sẽ giảm nhiều. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện khi nhận được tin báo thì tàu đã bị lật nhiều giờ, trong điều kiện mưa to, gió lớn. Lực lượng phối hợp trong cứu hộ, cứu nạn ở Cần Giờ dù được triển khai nhanh, nhưng gặp thời tiết mưa to, gió lớn, lại vào ban đêm nên rất khó khăn, vất vả mới tìm được vị trí tàu chìm để cứu người bị nạn.

Sáng 5-8, Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh đã có cuộc họp liên quan đến vụ chìm tàu. Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP Hồ Chí Minh, cơ quan này đang khẩn trương phối hợp điều tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn. Các biên bản, tình huống, sự phối hợp giữa các lực lượng tham gia cứu hộ cũng đã được thu thập. Đây là một vụ việc nghiêm trọng, cần phải rút kinh nghiêm nghiêm túc, nhất là cần làm rõ và xử lý nghiêm những sai phạm liên quan đến thông tin cứu nạn, chậm tổ chức huy động phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi được nhận thông tin, vi phạm quy định về an toàn hàng hải.

Thi thể nạn nhân mất tích được tìm thấy và đưa về TP Vũng Tàu sáng 5-8.

Chiều 5-8, chúng tôi liên lạc với ông Đỗ Ngọc Lên, Phó giám đốc Công ty cổ phần ống thép dầu khí Việt Nam, đơn vị có 28 công nhân bị nạn. Ông cho biết: Các nạn nhân tử vong, công ty đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất các thủ tục và tổ chức đưa thi thể về quê nhà. Toàn bộ chi phí đều do công ty thanh toán. Ngoài các chi phí trên, công ty và một số tổ chức đã hỗ trợ ban đầu cho mỗi gia đình có người thiệt mạng 60 triệu đồng. Khi hỏi các vấn đề liên quan đến việc tổ chức tàu chở công nhân từ Tiền Giang đến Bà Rịa-Vũng Tàu, xử lý trách nhiệm liên quan thuộc công ty, ông Lên từ chối và cho biết: “Công ty đang kiểm tra, hoàn tất nội dung cụ thể và sẽ có báo cáo chính thức với cơ quan chức năng”.

Vụ tai nạn chìm tàu nghiêm trọng đã đặt ra nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, xử lý thấu đáo. Dư luận đang đặt ra nhiều câu hỏi, như tại sao các cơ quan chức năng liên quan chưa có trả lời cụ thể về việc ai đứng ra tổ chức tàu chở khách quá tải, việc thông tin của những đơn vị trực tiếp liên quan đến cơ quan cứu hộ, cứu nạn chậm trễ, sai lệch; vì sao các ca nô đi cùng không tham gia cứu nạn…

* Sáng 5-8, sau khi công tác tìm kiếm cứu nạn 9 nạn nhân mất tích trong vụ chìm tàu được hoàn tất, Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã ký quyết định khen thưởng (tặng bằng khen) 6 đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác TKCN các nạn nhân tàu H29 bị nạn tại vùng biển huyện Cần giờ. Các đơn vị được khen thưởng gồm: Bộ chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu; tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu BP 14-12-01, tàu BP 14-12-02A thuộc Hải đội 2 (Bộ chỉ huy BĐBP TP Hồ Chí Minh); tập thể cán bộ, viên chức Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực III; tập thể sĩ quan, thuyền viên tàu SAR 413 và SAR 272, thuộc Trung tâm phối hợp TKCN hàng hải khu vực III.

Bài và ảnh: TRUNG KIÊN, LONG NGUYÊN, QUANG THIỆN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/56/57/57/255751/Default.aspx