Nhìn lại bộ phim chiếu Tết đầu tiên của điện ảnh Việt

(TGĐA) - Tết này ai đến xông nhà là bộ phim hài tâm lý xã hội, xoay quanh câu chuyện về chàng kỹ sư Thi tuy tuổi đã gần 40 nhưng vẫn còn là “lính phòng không”. Thi luôn ao ước, tìm kiếm một người đẹp trong mộng để làm hôn thê nhưng chưa gặp được ai ưng ý. Một lần, tình cờ va vào xe một cô gái “bịt mặt” ở trạm xăng, qua hình dáng bên ngoài cô đúng là người trong mộng bấy lâu của anh. Anh tìm mọi cách làm quen và mong muốn được mời cô đến “xông nhà” đầu năm mới. Hy vọng tình yêu sẽ đến, nhưng nhiều điều bất ngờ đã xảy ra với anh... Cùng TGĐA, nhìn lại bộ phim hài chiếu Tết đầu tiên của điện ảnh Việt, ra đời cách đây đã hơn 10 năm.

Phim có sự xuất hiện của Quang Thắng và Chí Trung

Khái niệm phim Tết đầu tiên ra đời

Tết này ai đến xông nhà là bộ phim nằm trong kế hoạch sản xuất năm 2002 của Hãng phim truyện Việt Nam, được Cục trưởng Cục điện ảnh lúc đó là Tiến sĩ Lưu Trọng Hồng gợi ý làm chiếu Tết để phục vụ công chúng. Phim do nhà biên kịch Lê Ngọc Minh chắp bút, đạo diễn Trần Lực thực hiện, với sự tham gia của Quốc Khánh, Quang Thắng, Chí Trung, người mẫu Hoàng Xuân, Thu Thủy, Quách Thu Phương, cố NSND Trịnh Thịnh… Phim thành công là một sự bất ngờ và được coi là khởi đầu cho khái niệm “phim Tết” sau này của điện ảnh Việt.

Người mẫu Hoàng Xuân đảm nhận vai Hồng Linh - một người tình trong mộng của Thi

Tết này ai đến xông nhà kể từ khi chuẩn bị cho đến lúc phát hành mất hơn 2 tháng, trong đó quay 1 tháng, làm hậu kỳ 1 tháng. Đạo diễn Trần Lực cho biết, hồi đó ngồi dựng phim trong căn buồng tối quên ngày quên đêm, chẳng còn khái niệm về thời gian. Nhiều khi bước chân vào là buổi sáng và đứng lên ra về trời đã tối om, sao cho kịp giao nộp phim trước ngày “ông Công, ông Táo”, phát hành trước Tết. Vì là phim Nhà nước đầu tư nên công đoạn quảng bá, PR gần như không có, duy nhất giới thiệu là trong chương trình Điện ảnh chiều thứ 7 , do ekip làm phim quay cung cấp một video hậu trường.

Đạo diễn Trần Lực thời điểm làm phim Tết này ai đến xông nhà

Đạo diễn “uất” nhưng vui

Phim phát hành, khán giả nô nức tới rạp. Đông đến mức, bình thường cứ mỗi buổi chiếu tại Trung tâm chiếu phim quốc gia thì đạo diễn đều có một cặp giấy mời, nhưng buổi nào anh cũng phải ra tận nơi mua vé để tặng bạn bè. Đạo diễn Trần Lực nhớ lại, vé xem phim lúc bấy giờ rơi vào khoảng 20.000 – 25.000 đồng/vé thì dân phe vé đã bán thành 50.000 đồng/vé. Và anh thường xuyên phải bỏ tiền ra mua cho mấy gia đình, cũng mất vài trăm ngàn với dân phe vé, nghĩ cũng “uất”… nhưng “uất” cho vui vì thực ra anh rất mừng. Hôm nào, anh cũng là người vào phòng chiếu sau cùng, ngồi trên chiếc ghế nhựa bên cánh gà vì rạp không còn chỗ trống. Khán giả ngồi xem phim còn anh thì ngồi… ngắm họ, xem phản ứng ra sao...

Đạo diễn Trần Lực và quay phim Lý Thái Dũng trên trường quay

“Chơi” màu sắc, lừa khán giả

Đó là đoạn Thi ngỏ lời một cách tự tin, rút cái nhẫn trao cho nàng và bị cô gái đó từ chối thẳng thừng. Ngay sau đó là cảnh dựng lên một mặt trời đỏ rực, cảm giác sắp đốt cháy cả thế gian này, trong căn phòng của Thi đèn cũng đỏ rực. Ở đoạn này, đạo diễn và nhà quay phim Lý Thái Dũng quyết định chơi bằng màu sắc tự tạo chứ không dùng ánh sáng thực. Trong căn phòng đỏ rực ấy, một anh chàng trước đó đầy tự tin, đang oằn oại, rên rỉ khi bị tình yêu chối từ. Đến cảnh sau, phim bất ngờ dắt người xem ra cầu Long Biên lồng lộng gió, máy ở trên từ từ trượt xuống thấy một bóng người nhỏ nhoi đi trên cầu, đó là Thi. Đây là một trường đoạn mà đạo diễn thích nhất, vì ra đúng chất của một người đàn ông. Đạo diễn cho biết, xem đến đây, cả rạp ai cũng ồ, à “tự tử rồi”. Đến khi Thi bước chân lên bậc lan can, nhìn xuống dòng nước xoáy phía dưới. Mọi người nín thở, hồi hộp đợi xem Thi sẽ lao mình xuống thế nào, bỗng trên mặt nước xuất hiện một dòng nước rỏ tong tong từ trên xuống, máy lia lên, hóa ra Thi sợ đến “vãi tè”. Hiệu ứng này khiến cả rạp cười ngả nghiêng, đến nỗi có một thanh niên hét ầm lên: “Đấy, cứ bảo phim Việt Nam không hay, hay không thể chịu được” và nhận được sự tán đồng của những người xung quanh. Đạo diễn Trần Lực bảo, anh không bao giờ quên được giây phút đó, vì bộ phim đã thực sự chạm được đến trái tim khán giả, chạm tới điều mà họ mong muốn được xem trên màn ảnh, rất đời thường. Đó là đoạn ekip đã mất công dựng nhất, theo cảm nhận của đạo diễn là đầy đủ từ diễn xuất diễn viên, cảnh quay, động tác máy cho đến âm thanh, ánh sáng, dựng phim, mấu dựng. Đoạn này được xem là đoạn “đinh” của bộ phim nên anh đầu tư rất kỹ.

Một cảnh trong Tết này ai đến xông nhà

Khán giả xem thì khoái trí

Khác với những bộ phim trước, ý tưởng gửi gắm thường là những thông điệp rõ ràng, có ý nghĩa giáo dục hoặc mang tính báo trước một điều gì đó. Ở bộ phim này, đạo diễn chỉ xác định một việc là làm sao để khán giả thấy được sự phản ứng của người đàn ông khi bị tình yêu chối từ thì như thế nào. Hóa ra, trong tình yêu đàn ông cũng mong manh, đau khổ, dằn vặt, uất ức đấy chứ! Và rõ ràng, đàn ông xem cũng thích và phụ nữ xem thì càng sung sướng hơn.

Poster phim Tết này ai đến xông nhà

Vai Thi từng được nhắm cho Trọng Trinh

Theo bật mí của đạo diễn, vai Thi có thể chọn nhiều phương án nhưng phương án đầu tiên anh nhắm là diễn viên Trọng Trinh – một người cũng có duyên đóng hài. Nhưng đến phút chót, Trọng Trinh lại bận việc riêng không thể tham gia và phương án thứ hai đạo diễn nghĩ ngay đến là diễn viên Quốc Khánh. Tuy nhiên, mọi người trong Hãng ra sức can ngăn với lý do Quốc Khánh chỉ chuyên đóng hài tiểu phẩm, sao làm được phim nhựa. Nhưng mọi người đã nhầm! Quốc Khánh có thể nói là một diễn viên giỏi, một nghệ sĩ lớn. Đạo diễn rất tự tin để bảo vệ Quốc Khánh vì anh biết tài năng của Quốc Khánh như thế nào “Nghệ sĩ lớn là họ biết họ đang làm gì và phải làm thế nào”. Mọi người vẫn chưa tin, đạo diễn phải đứng ra bảo lãnh và hứa sẽ chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuối cùng, Quốc Khánh đã làm cho nhiều người phải bất ngờ.

Phim còn có sự tham gia của cố NSND Trịnh Thịnh và NSƯT Ngọc Thoa

Quang Thắng mặt tái mét vì “Chết tôi rồi”

Không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng, đây là lần đầu tiên Quang Thắng làm phim điện ảnh. Biết mỗi mét phim nhựa là tốn tiền lắm nên tuy Mớ chỉ là một vai ngắn nhưng Quang Thắng rất sợ khi đang quay thì nghe “ông quay phim” kêu “Chết tôi rồi”. Lúc đó, chưa biết lỗi do ai nhưng mặt Quang Thắng thì đã… tái mét. Đó là lần duy nhất, nhưng lỗi không phải do Quang Thắng mà do người đẩy ray. Khi đó, anh mới thở phào nhẹ nhõm. Theo tiết lộ, catse đóng phim này đủ cho Quang Thắng mua được chiếc xe đạp mới.

Quốc Khánh đảm nhận vai Thi, trong một cảnh quay ngoài phố

Đây có lẽ cũng là đoàn phim làm việc “quái chiêu” nhất thời điểm đó.Thường đoàn phim khác quay từ rất sớm, muộn cũng phải 8h sáng là cùng nhưng phim này thường bấm máy lúc… 10h sáng. Là bởi, 9h sáng, Quốc Khánh mới… ngủ dậy. Sau này, đạo diễn mới phát hiện ra vì được Quốc Khánh dắt đi nhậu cả đêm, “chạy sô” từ quán nọ sang quán kia, rồi hát hò, đến khoảng 5h sáng thì mới về ngủ. Hóa ra, “ông này” thức đêm, ngủ ngày. Đạo diễn biết vậy cũng đành chiều. Vì vậy mới có chuyện đoàn phim sáng nào cũng café, ăn sáng thoải mái, 10h mới bấm máy vì phải đợi Quốc Khánh ngủ dậy, quay đến 11h – 12h đêm, có hôm tới 1h sáng…

Trí Anh

Nguồn TGĐA: http://thegioidienanh.vn/index.php?catid=35:dien-anh&id=12215:nhin-li-b-phim-chiu-tt-u-tien-ca-in-nh-vit&Itemid=34&option=com_content&view=article