Nhìn lại mười năm Sân thơ Trẻ

Rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu 2017, Ngày thơ Việt Nam bước sang tuổi 15 thì Sân thơ Trẻ cũng đã góp mặt tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được 10 năm. Còn nhớ, Ngày thơ Việt Nam lần thứ nhất tổ chức năm 2003 nhưng phải đến Ngày thơ lần thứ tư (2006), Sân thơ Trẻ mới chính thức xuất hiện trong sân Thái Học.

Nhà văn Phan Thị Vàng Anh lúc đó mới được bầu vào Ban chấp hành (BCH) Hội nhà văn Việt Nam khóa VII được phân công phụ trách Ban nhà văn Trẻ, đã dành nhiều công sức để làm nên những đột phá của sân thơ và sau này đã trở thành "thương hiệu" của những người viết trẻ.

Những "cái đầu tiên" bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm nhất. Ngày ấy vật chất không có nhiều nhưng tinh thần của những người viết trẻ muốn xác lập một vị trí và tiếng nói của mình trên thi đàn thì hừng hực với sự chung tay của tất cả các nhà văn, nhà thơ trẻ. Nguyễn Thanh Sơn tài trợ toàn bộ phần dàn dựng sân khấu; Phan Huyền Thư lo âm thanh, đạo diễn tiết mục; Nguyễn Trương Quý, khi ấy là một kiến trúc sư mới ra trường lo phần mỹ thuật; Võ Thị Xuân Hà bao quát toàn bộ phần hậu cần và kết nối các tác giả trẻ...

Để không khí Xuân ùa vào sân thơ, chúng tôi đã mượn của Công ty công viên cây xanh Hà Nội 20 cây đào cực lớn, nguyên việc vận chuyển, xếp đặt đã mất gần một đêm. Lần đầu các pô-xtơ (poster) giới thiệu tác giả trẻ gồm chân dung, tác phẩm, tuyên ngôn về thơ được bày trang trọng, tràn ngập sân Thái Học. Những cái tên đã nổi đình đám như Vi Thùy Linh, Nguyễn Vĩnh Tiến, Ly Hoàng Ly..., hoặc mới nghe qua còn là lạ như Trương Quế Chi, Trần Hoàng Thiên Kim... khiến công chúng vừa tò mò vừa thích thú khi được tận mắt chứng kiến người thật việc thật.

Mỗi nhà thơ trẻ được dành hẳn một "quán thơ", "lều thơ" do mình tự thiết kế (design); tinh thần sáng tạo, thậm chí phá cách được khuyến khích và tôn trọng. Dạ Thảo Phương có "Cây Mù" (cách chị đặt tên cho một "cây thơ"), Từ Nữ Triệu Vương thiết kế một hình nộm tự trào ngộ nghĩnh, Vi Thùy Linh bày sách và các kỷ vật giống một gian hàng phong phú và bắt mắt...

Sang phần trình bày tác phẩm. Có thể nói công chúng đã "vỡ òa" vì hoàn toàn bất ngờ khi lần đầu các bài thơ không chỉ đọc - nghe theo lối thông thường mà được sân khấu hóa; từng tác giả trình diễn theo phong cách đa dạng với sự kết hợp của âm nhạc và các nghệ sĩ hình thể. Năm đầu tiên đó, Sân thơ Trẻ mang lại một bữa tiệc thơ với những "món ăn" còn lạ lẫm, khác thường nhưng thú vị, hấp dẫn. Bây giờ nhìn lại thấy nhiều việc coi là bình thường nhưng ở thời điểm cách đây 10 năm, chúng ta cần ghi nhận sự mạnh dạn mở rộng "đường biên" của Hội nhà văn Việt Nam cho các nhà thơ trẻ bộc lộ phong cách trên tinh thần đổi mới và hội nhập với thi ca thế giới.

Năm tiếp theo (2007), ngoài hình ảnh của các tác giả trẻ, Sân thơ Trẻ bày 15 pô-xtơ "một thời từng là nhà thơ trẻ" của các nhà thơ lớp trước, được đánh giá là mang tinh thần đổi mới và cách tân thơ như: Trần Dần, Lê Đạt, Hữu Thỉnh, Bế Kiến Quốc, Dương Tường, Thanh Tâm Tuyền... "Không ai hỏi tuổi những câu thơ hay nhưng mỗi nhà thơ đều đã từng có một thời tuổi trẻ...". Giới thiệu một thời tuổi trẻ của các nhà thơ tiền bối chính là để công chúng hình dung một thời thơ trẻ các thế hệ làm thơ. Đây là sáng kiến hay giúp các tác giả trẻ tự soi mình để tự tin hơn và tìm thêm cho bản thân động lực sáng tạo.

Một cây bút trẻ tần ngần hồi lâu trước các pô-xtơ và đã nói với chúng tôi: "Xem các pô-xtơ này mới thấy mình còn tầm thường, tẻ nhạt quá nếu so với tuổi trẻ của các "cụ" ngày xưa!". Sân thơ Trẻ năm đó đông nghẹt công chúng. Người lớn tuổi thì trìu mến "xem lớp trẻ năm nay có thêm cái gì mới"; còn những người trẻ (chiếm phần lớn) lại đến với tinh thần cổ vũ, cộng hưởng và sẻ chia. Các khái niệm, cách thức mới mẻ thời bấy giờ như "thơ trình diễn", "thơ sắp đặt", "tổ khúc thơ", "thơ liên sân khấu"... được cụ thể hóa bởi các tác giả trẻ. Sân thơ Trẻ trở thành một thương hiệu riêng, một địa chỉ hấp dẫn khiến nhiều nhà thơ lớn tuổi đã thành danh cũng "xin" được tham gia.

Những năm tiếp theo, có thể nói Sân thơ Trẻ là một trong những nơi được công chúng háo hức chờ đợi nhất. Từng năm, các chủ đề được xác lập cụ thể: "Trình diễn thơ" (2008), "Thơ trẻ 360 độ!" (2009), "Blog thơ Xuân" (2011), "Từ Điện Biên đến Hoàng Sa, Trường Sa" (2014)... Năm 2012, với chủ đề "Thơ trăm miền", Sân thơ Trẻ còn có sự tham gia hào hứng của nhiều nhà thơ quốc tế thời điểm đó đang tham dự Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất tổ chức tại Việt Nam.

Sau nhà văn Phan Thị Vàng Anh, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa VIII, phụ trách Ban nhà văn Trẻ. Tuy chủ yếu viết văn xuôi nhưng chị là một "bà nội trợ" tần tảo, tâm huyết và có nhiều đóng góp cho Sân thơ Trẻ. Từ đây nhiều cây bút trẻ đã được phát hiện, cổ vũ, bồi dưỡng và trưởng thành, sau này là các tác giả chững chạc trên văn đàn. Những nhà thơ trẻ ngày nào đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Đỗ Doãn Phương, Bình Nguyên Trang, Trần Hoàng Thiên Kim, Nguyễn Phan Quế Mai, Đoàn Văn Mật, Chu Thị Minh Huệ, Thụy Anh, Nguyễn Quang Hưng, Lữ Thị Mai, Đào Quốc Minh...

Năm nay, Ngày thơ Việt Nam bước sang năm thứ 15 và đã trở thành một mỹ tục, một ngày hội văn hóa dịp đầu Xuân, có vị trí xác lập trong lòng công chúng và bạn bè quốc tế. Trong đó, chặng đường 10 năm Sân thơ Trẻ là một dấu mốc trong đời sống văn học nước nhà. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á - Phi cho biết, một số đại diện của Hội nhà văn Á - Phi đã cử người sang tìm hiểu mô hình Ngày thơ Việt Nam để tổ chức ở đất nước của họ.

Vài năm gần đây, có ý kiến cho rằng Sân thơ Trẻ đang có dấu hiệu chững lại, "đuối sức" hơn so với trước. Ý kiến này chưa hẳn đã hoàn toàn đúng nhưng thể hiện sự đòi hỏi cao của công chúng với một sân thơ đã trở thành "thương hiệu" và luôn được kỳ vọng. Làm sao để tìm được những gương mặt thơ mới mẻ xuất hiện trên Sân thơ Trẻ hằng năm, cùng với đó là nội dung và hình thức thể hiện phải luôn mới là việc không dễ đối với một sự kiện tổ chức định kỳ. Chính vì vậy nó đòi hỏi tâm huyết, cố gắng của những người gây dựng, tổ chức mà vai trò chủ đạo là Ban nhà văn Trẻ nhiệm kỳ này.

Sáng tạo là gì, sức trẻ ở đâu nếu không có sự dấn thân, nhiệt huyết ngõ hầu có thể mang lại những thăng hoa nghệ thuật, làm nên ngày hội thật sự của thi ca? Ngày thơ Việt Nam năm nay không tổ chức Sân thơ Trẻ để tập trung cho sự kiện 60 năm thành lập Hội nhà văn Việt Nam sẽ để lại hụt hẫng ít nhiều trong công chúng yêu thơ. Mong rằng các năm tới, Sân thơ Trẻ sẽ trở lại mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người yêu thơ.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/32027702-nhin-lai-muoi-nam-san-tho-tre.html