Nhìn lại những cú phốt của Coca Cola tại Việt Nam

Coca Cola Việt Nam đã và đang khiến người tiêu dùng mất niềm tin, thậm chí thất vọng khi liên tiếp dính phốt liên quan đến giấy phép và chất lượng sản phẩm.

Coca Cola là doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có thị phần lớn nhất nhì Việt Nam, lưu hành tới 11 nhãn hiệu riêng về thức uống. Tuy nhiên, những năm vừa qua, Coca Cola liên tiếp dính phốt liên quan đến giấy phép và chất lượng sản phẩm, khiến người tiêu dùng Việt không khỏi thất vọng.

Tạm dừng 13 loại nước uống của Coca Cola Việt Nam

Phốt gần đây nhất là vào ngày 1/7, ông Đặng Văn Chính, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết đã gửi công văn cho Sở Y tế 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Khánh Hòa và Nghệ An (nơi có trụ sở của công ty Coca Cola) yêu cầu các địa phương giám sát tạm dừng lưu thông 13 sản phẩm nước uống bổ sung của công ty này. Lý do tạm dừng là chưa có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm bổ sung.

Các sản phẩm bị tạm dừng này vẫn được bày bán rộng rãi tại các siêu thị lớn như Big C, Metro,…

Các sản phẩm bị tạm dừng này vẫn được bày bán rộng rãi tại các siêu thị lớn như Big C, Metro,…

13 sản phẩm trên gồm: Nước uống sữa trái cây Minute Maid Nutriboost loại hương cam, hương dâu, hương xoài; nước tăng lực nhãn hiệu Samurai hương dâu (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước tăng lực nhãn hiệu Samurai (dạng chai thủy tinh, chai PET); nước cam có tép Minute Maid TEPPY và loại chai thủy tinh; nước uống vận động Aquarius (chai PET, lon nhôm); nước uống bổ sung khoáng Dasani; nước cam Minute Maid Splash Smooth.

Tuy nhiên theo khảo sát của PV ngày 2/7, hầu hết các sản phẩm bị tạm dừng này vẫn được bày bán rộng rãi tại các siêu thị lớn như Big C, Metro,…

Nghi án Coca Cola tránh thuế sau 20 hoạt động

Trước đó, Coca Cola Việt Nam còn nối đình đám với nghi án trốn thuế. Cụ thể, là doanh nghiệp kinh doanh đồ uống có có tiếng, tuy nhiên trong nhiều năm liền công ty Coca Cola Việt Nam đều khai báo lỗ. Nhiều nghi vấn cho rằng đây chính là chiêu bài “chuyển giá” hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này.

Theo các số liệu từng công bố, từ khi được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/1994, lũy kế tới cuối năm 2010, công ty này đã lỗ 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu hơn 800 tỷ đồng. Năm 2006 công ty này đạt doanh thu 1.026 tỉ đồng nhưng lỗ đến 253 tỉ đồng; năm 2007 lỗ 198 tỷ đồng; năm 2010 doanh thu lên đến 2.529 tỉ đồng nhưng chi phí lại lên đến 2.717 tỉ đồng, dẫn đến số lỗ 188 tỉ đồng. Năm 2011, công ty này lỗ 39 tỷ đồng và tiếp tục báo lỗ trong 2 năm 2012, 2013.

Như vậy trung bình mỗi năm công ty này lỗ100 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ được đưa ra là do chi phí nguyên phụ liệu nhập từ công ty mẹ có giá rất cao, chiếm tới 70-85% giá vốn.

Nhiều nghi vấn cho rằng Coca Cola Việt Nam dùng chiêu bài “chuyển giá” hòng trốn khoản thuế khổng lồ của công ty này trong nhiều năm qua.

Điều đáng chú ý là mặc dù báo cáo tài chính của công ty Coca cola Việt Nam trong nhiều năm đều thuộc diện lỗ nhưng công ty này vẫn liên tục mở rộng sản xuất. Cụ thể là cuối tháng 10/2012, Chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Coca Cola, ông Muhtar Kent đến Việt Nam tuyên bố Coca Cola sẽ rót thêm 300 triệu USD vào công ty ở Việt Nam trong ba năm tới.

Đây cũng là lúc mà các nghi án Coca Cola trốn thuế bắt đầu được dư luận đặt ra, khi báo lỗ đồng nghĩa với việc Coca Cola không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, mặc dù đã hoạt động trong suốt 20 năm qua.

Liên tiếp phát hiện chai nước cam của Coca Cola có vật lạ đỏ như máu

Vào ngày 1/6/2016, anh Nguyễn Văn Phương (ở Tây Hồ - Hà Nội) mua một chai nước cam Minute Maid-Teppy (sản phẩm của Công ty Coca-Cola Việt Nam) tại một siêu thị trên đường Lạc Long Quân. Khi mở , ra để uống, anh Phương phát hiện có vật thể cứng màu đỏ. Để kiểm chứng anh Phương đã sang siêu thị khác gần đó mua thêm một chai nữa thì phát hiện tình trang tương tự.

Không chỉ anh Phương, theo phản ánh của chị Trần Thị Y. (SN 1989, tạm trú ngõ 67, Đình Thôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội), khoảng 8h tối 15/11/2015, chị ra tiệm tạp hóa gần nhà để mua chai nước cam nhãn hiệu Mitune Maid Teppy của hãng Coca Cola. Chai nước chị mua thuộc loại dung tích 1,5 lít có giá lẻ 20.000 đồng, hạn sử dụng in trên nắp chai là 7/7/2016.

Sau khi mua về, chị để chai nước vào tủ lạnh. Khoảng nửa tiếng sau, lúc bỏ ra định uống thì chị thấy trong chai xuất hiện những vật thể màu đỏ sậm, ở thể cứng, không tan và hơi giống những vảy nhựa nhỏ nổi lập lờ đến gần nắp mép nước. Chị cho biết, vật thể đỏ này không giống những tép cam mà chị đã từng nhìn thấy ở các chai nước tương tự.

Chai nước chị Y. mua ghi rõ ngày sản xuất 8/10/2015 và hạn sử dụng 7/72016

Cũng giống như chị Y., anh Lê Thanh S. (Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh, ngày 17/8/2015, sau khi mua một lốc nước cam Minute Maid -Teppy về, chị Hoàng Thu H. (vợ anh S., hiện đang mang bầu 8 tháng) đã lấy ra sử dụng một chai và bị đau bụng. Kiểm tra số chai nước còn lại trong lốc, anh S. vẫn phát hiện những "dị vật" vẩn đỏ dù sản phẩm này vẫn còn hạn sử dụng.

Lý giải về việc này, đại diện Công ty Coca Cola Việt Nam cho biết, những vật thể màu đỏ là... phần lõi của trái cam được vắt trong chai nước. Do lõi cam là phần xốp ngăn giữa các múi cam, có màu trắng, để lâu phần này biến thành màu đỏ, vì nhẹ hơn nước nên nổi lên trên. Tuy nhiên, lời giải thích này không được người tiêu dùng chấp nhận.

Nghi vấn Coca Cola ăn gian trọng lượng

Tháng 7/2015, chị Hải Dung (Tiên Lãng, Hải Phòng) đã gọi điện tới tổng đài Công ty Coca Cola phản ánh việc một lon Coca Cola trong thùng sản phẩm chị mua bị “rỗng ruột”. Chị Hải Dung cho biết, chị mua 1 thùng nước giải khát Coca-Cola tại đại lý trên địa bàn huyện Tiên Lãng. Sau khi uống gần hết thùng, còn lại 5 lon, chị phát hiện có 1 lon bị lỗi, trọng lượng không giống bình thường, mặc dù nắp lon vẫn còn “nguyên đai, nguyên kiện”, khô ráo, không có hiện tượng rò rỉ nước ra bên ngoài.

Khi đưa lên bàn cân, lon Coca Cola lỗi này chỉ được 30g, trong khi lon Coca Cola thông thường có trọng lượng 330 ml (tương đương 330 g).

Cùng thời điểm tháng 7, anh Nguyễn Thế Hưng (Tân Bình, TP Hải Dương) cũng phản ánh về lon Coca Cola ghi trọng lượng 330 ml nhưng nhẹ bẫng, không có một giọt nước bên trong dù chưa bật nắp.

Cận cảnh lon Coca-Cola không có nước bên trong.

Sau phản ánh, Trưởng đại diện kinh doanh Coca Cola Hải Dương cho hay, bao bì lon Coca-Cola được sản xuất bằng nhôm. Trong khi đó, kho chứa do điều kiện không tốt, có ánh nắng chiếu vào, bên trong là gas, nếu áp suất chênh lệch lớn sẽ gây nổ lon. Nguyên nhân thứ 2, do quá trình luân chuyển hàng hóa có sự va chạm giữa các lon với nhau dẫn đến thủng, vỡ. Từ đó, nước bên trong sẽ bị bay hơi hết.

Tuy nhiên, anh Hưng cho hay: "Tôi đã làm thí nghiệm đục thủng lon Coca-Cola khác 1 lỗ to, mắt thường nhìn rõ. Tôi cũng để qua nhiều ngày nhưng nước trong lon hầu như còn nguyên, không dễ bay hơi như được giải thích". Đồng thời, vị khách hàng này cũng bỏ thử lon Coca Cola không "ruột" vào trong chậu nước, quan sát kỹ vẫn không thấy có dấu hiệu xì hơi.

Hàng loạt sản phẩm xì hơi, nổ và bốc mùi

Vào tháng 9/2014, Chị Dương Thị Thanh Mẫn (ngụ Xuân Lộc, Đồng Nai) mua một lô sản phẩm của Coca Cola Việt Nam như chai pet 390 ml, 1,5 lít và lon 300 ml về để bán hàng cho nhà phân phối tạp hóa bia – nước ngọt Lê Hiệp (đường Trần Phú, thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) mà chị Mẫn là chủ.

Tuy nhiên, nhập hàng về được ít ngày, một loạt các sản phẩm trên bất ngờ bị hư hỏng. Các dấu hiệu có thể thấy rõ như: xì nước, căng phồng, nổ lốp bốp… Rất nhiều chai và lon đã gần cạn nước, dù vẫn còn nguyên vẹn nắp, chưa được mở để sử dụng. Tổng số sản phẩm được chị Mẫn ghi nhận là khoảng 2.500 lốc chai 390 ml, khoảng 2.000 thùng lon Coca -Cola và hàng nghìn lốc chai pet 1,5 l.

Trong buổi làm việc hôm 30/9/2014 ở TP HCM, bà Đinh Nguyễn Thị Hường – Trưởng phòng đối ngoại, truyền thông phía Nam của Coca Cola Việt Nam đã khẳng định rằng các mẫu kiểm nghiệm này sẽ được đưa sang phòng kiểm tra của Tập đoàn đặt tại Trung Quốc để làm. Đồng thời, nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Coca-Cola gặp phải trường hợp sản phẩm hư hỏng nhiều như thế tại Việt Nam.

Phát hiện ống thủy tinh trong chai cam ép

Tháng 10/2011, bà Nguyễn Thị Bình Minh mua một số chai nước cam ép nhãn hiệu Splash (sản xuất ngày 29/6/2011, hạn sử dụng ngày 29/12/2011) do Chi nhánh Công ty Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội sản xuất. Sau khi mang về nhà, bà Minh phát hiện có một chai Splash còn nguyên nắp, chứa rất nhiều tạp chất và đặc biệt có hai mảnh thủy tinh vỡ bên trong.

Ống thủy tinh và rác trong chai nước bà Minh mua.

Bà Minh đã tiến hành khởi kiện Coca Cola Việt Nam, đòi bồi thường số tiền mua một chai nước cam Spalsh vào thời điểm thanh toán, có văn bản giải thích rõ với người tiêu dùng về nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện dị vật trong chai nước. Đồng thời, đơn vị này phải công khai xin lỗi nguyên đơn và người tiêu dùng trên năm số báo liên tiếp về việc để sản phẩm khuyết tật lưu hành trên thị trường.

Cuối tháng 12/2015, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án. Tuy nhiên, phía bà Minh nguyện vọng mời luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp nên đã đề nghị tòa án hoãn phiên tòa.

Hồng Liên (Tổng hợp)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/nhin-lai-nhung-cu-phot-cua-coca-cola-tai-viet-nam-707236.html