Nhìn thiên hạ mà lo nhà mình!

Nghe tin trên thế giới, người ta đang chuyển dịch ầm ầm sang đầu tư phát triển năng lượng sạch, trong khi nước mình lại ầm ầm nhập khẩu than đá về sản xuất điện, mà thấy hãi hãi, lo lo...

Hôm vừa rồi, Liên minh Năng lượng Đột phá (BEC), với các thành viên Bill Gates, Mark Zuckerberg, George Soros và Richard Branson..., đã cam kết đóng góp 1 tỷ USD cho Quỹ đầu tư năng lượng sạch Breakthrough Energy Ventures.

Rồi lại nghe mới đây, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo rằng, 28% lượng điện năng của thế giới sẽ là năng lượng tái tạo trước năm 2021, tăng từ mức 23% hồi năm ngoái. Khi đó, lần đầu tiên trong lịch sử, năng lượng tái tạo gồm gió, điện mặt trời... đã vượt qua điện năng được sản xuất ra từ than đá trên toàn cầu.

Lại các nguồn tin cho hay, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 500 nghìn tấm pin mặt trời được lắp đặt. Tại Trung Quốc, mỗi giờ có khoảng 2 tua bin gió được lắp đặt. Tác giả Shamshad Akhtar - Trợ lý cấp cao Ủy ban Kinh tế - Xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trong năm 2015, các nước khu vực này đã đầu tư tổng cộng 160 tỷ USD cho việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển năng lượng sạch...

Vậy mà trong cuộc hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây cho biết, hiện nay ở Việt Nam, công suất thủy điện chiếm 41%, nhiệt điện than 33%, nhiệt điện khí 31%, còn lại “phần bé như móng tay” là... năng lượng tái tạo (?!). Về sản lượng, thủy điện chiếm 38%, nhiệt điện than 30% và nhiệt điện khí là 29%.

Ngược hẳn với xu thế trên thế giới, theo quy hoạch sản xuất nhiệt điện than đến năm 2020 của Việt Nam sẽ chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất và đến năm 2025, riêng điện than đã có tổng công suất khoảng 45.800MW, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than mỗi năm, trong đó phần lớn là nhập khẩu(!?).

Trong hội thảo này, PGS.TS Trương Duy Nghĩa nhận định: “Khi dự án điện hạt nhân được Chính phủ yêu cầu tạm dừng, thủy điện đã gần như khai thác hết các sông suối, nhiệt điện khí quá đắt đỏ thì nhiệt điện than được xem là giải pháp tối ưu để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Cùng với đó là sự cảnh báo về bài toán phát triển nhiệt điện và môi trường.

Nhân đây, xin nêu một nhận định đáng chú ý của các chuyên gia quốc tế rằng, dự kiến chi phí cho các tua bin gió lắp đặt ngoài biển sẽ giảm 15% từ nay tới năm 2021, và chi phí cho các tấm pin năng lượng mặt trời cũng sẽ giảm 25%.

Vậy với Việt Nam, con đường phát triển nhiệt điện than như trong quy hoạch đã đặt ra có phải là con đường duy nhất trong tương lai?

Nguyễn Hoàng Linh

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/nhin-thien-ha-ma-lo-nha-minh.html