Nhìn từ đầu tư ủy thác cá nhân

Sự tăng trưởng của các quỹ mở nội địa đặt ra vấn đề: không chỉ giá trị huy động được bao nhiêu mà đầu tư hiệu quả ra sao, thế nào?

Việc VinaWealth bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt mới đây là một bài học rút ra cho các nhà quản lý quỹ nói chung trong việc kinh doanh trên niềm tin của nhà đầu tư. 315 triệu đồng là mức phạt khi bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước “tuýt còi”, nhưng giá trị lớn hơn hết đó chính là lòng tin và sự lo ngại ảnh hưởng quyền lợi của nhà đầu tư.

Liên quan đến việc này, theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thái Thuận, VinaWealth đã thừa nhận sai sót trên. Vấn đề ở đây đó chính là việc “chưa hiểu đúng, hiểu đủ” các quy định pháp luật trong một nghiệp vụ cụ thể. “Chúng tôi đã chưa hiểu biết đúng các quy định pháp luật liên quan đến việc giải ngân vốn ủy thác cá nhân vào chứng chỉ tiền gửi được phát hành bởi các công ty tài chính tiêu dùng và đã ngay lập tức dừng nghiệp vụ này”, bà Thuận nói.

Công ty quản lý quỹ này cho biết, tại thời điểm 30.6.2017, có 47 tài khoản bị ảnh hưởng với giá trị tài sản quản lý là 62,7 tỉ đồng. VinaWealth đang triển khai làm việc với với các đối tác tổ chức để mua lại các chứng chỉ tiền gửi mà một số nhà đầu tư cá nhân còn nắm giữ trong 6 tháng sắp tới, qua đó mỗi tài khoản sẽ được hoàn trả vốn gốc cộng thêm khoản lãi tích lũy, chứ không chịu sự tổn thất nào.

Nhóm tài khoản này cũng không liên quan đến các tài khoản ủy thác khác và hoàn toàn tách bạch với hơn 4.700 tài khoản quỹ mở với tổng giá trị tài sản quản lý hơn 740 tỉ đồng của hai quỹ VFF và VEOF. Giá trị của các quỹ mở và các nhà đầu tư quỹ mở do VinaWealth quản lý hoàn toàn không liên quan và do đó không bị ảnh hưởng.

Đại diện VinaWealth cũng cho biết, riêng về nghiệp vụ quỹ mở, các quy định pháp luật hiện hành rất chặt chẽ để bảo vệ triệt để nhà đầu tư và không gây khó khăn gì cho công ty quản lý quỹ trong thực hiện nghiệp vụ. Đối với phần thanh lý các chứng chỉ tiền gửi, VinaWealth dự kiến toàn bộ sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.

“Cơn bão đi qua” đối với VinaWealth, may mắn vì sự cố được khắc phục, đọng lại vẫn là sự tín nhiệm của các nhà đầu tư được trấn an ra sao. Điều đó vẫn còn tùy thuộc vào nỗ lực của công ty này. Sự tăng trưởng của các quỹ mở nội địa đặt ra vấn đề: không chỉ là giá trị huy động được bao nhiêu mà còn là đầu tư, hiệu quả ra sao, thế nào?

Hiện VinaWealth quản lý hơn 3.000 tỉ đồng trong các quỹ và tài khoản ủy thác đầu tư. Công ty cũng là công ty quản lý quỹ đầu tiên được giấy phép IPO quỹ mở và hiện quản lý 4 quỹ mở bao gồm VFF, VEOF, VESAF và Forum One-VVF. NAV của VFF đã tăng 39,4% từ khi thành lập và tăng 5,3% từ đầu năm 2017, trong khi NAV của VEOF tăng 35,8% từ khi thành lập và tăng 12,7% từ đầu năm 2017. VESAF, được thành lập vào tháng 4.2017, cũng thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư.

Trong xu hướng tăng trưởng kinh tế hiện nay, việc đầu tư từ đồng vốn nhàn rỗi của các tổ chức, cá nhân không còn chỉ dừng lại ở đồng USD, vàng, cổ phiếu nhỏ lẻ mà đã và đang được kêu gọi vốn vào các dự án thông qua những công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư. Do đó, thị trường cũng xuất hiện thêm nhiều quỹ đầu tư, công ty quản lý quỹ để tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi này. Tuy nhiên, việc vận hành cũng cần được đề cao trách nhiệm một cách triệt để.

Cơ bản một vài sự vụ cho thấy, hầu hết vấn đề các công ty bị xử phạt đều nằm ở việc nghiệp vụ sai sót dẫn đến chậm trễ. Điều đó cũng phản ánh các quy định hiện hành cũng phần nào giám sát chặt chẽ hoạt động của các quỹ và công ty quản lý quỹ để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.

Hoàng Quân

Hoàng Quân

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/tai-chinh-ca-nhan/nhin-tu-dau-tu-uy-thac-ca-nhan-3319553/