NHÌN TỪ KẾT QUẢ XẾP HẠNG PCI: Phải cải cách quyết liệt hơn

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng sự năng động, tiên phong, dám nghĩ, dám làm của cán bộ đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh

Phóng viên: Ông có thể đánh giá tổng quan về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 vừa được công bố?

- Ông ĐẬU ANH TUẤN: Trải qua 19 năm xây dựng và công bố báo cáo PCI, kết quả khảo sát phản ánh trong báo cáo PCI năm 2023 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nhiều địa phương tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Chất lượng điều hành của các tỉnh, thành tiếp tục được cải thiện, nhóm các tỉnh cuối bảng xếp hạng PCI đang được cải thiện mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhóm những tỉnh dẫn đầu có xu hướng chững lại. Như tỉnh Quảng Ninh, dù dẫn đầu 7 năm liên tiếp nhưng so với chính họ ở năm 2022 thì năm 2023 giảm 1,7 điểm.

Từ kết quả điều tra PCI, theo ông, đâu là những khó khăn mà cộng đồng DN đang phải đối mặt?

- Qua khảo sát hơn 10.000 DN trên cả nước, chúng tôi ghi nhận tình hình kinh doanh của DN tương đối khó khăn. Về triển vọng kinh doanh thời gian tới, kết quả điều tra cho thấy con số thấp nhất trong 19 năm điều tra PCI. Đây cũng chính là thông điệp cho chính quyền địa phương, bộ, ban ngành, cần có giải pháp hỗ trợ DN mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất hơn nữa.

Đáng chú ý, trở ngại trong tiếp cận đất đai tiếp tục gia tăng, các rào cản liên quan đến thủ tục đất đai, bao gồm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính dài hơn so với thời gian quy định, cán bộ tiếp nhận hồ sơ không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ và quy trình, thủ tục giải quyết không đúng với nội dung được niêm yết hoặc văn bản quy định. Đặc biệt, gần 73% DN được khảo sát cho biết họ phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh trong năm 2023 do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, cao hơn nhiều so với năm 2022.

Từ kết quả này, đòi hỏi những nỗ lực cải cách quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Các địa phương cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ, công chức. Trong ảnh: Cán bộ, công chức UBND huyện Bình Chánh, TP HCM giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TẤN THẠNH

Các địa phương cần xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ, công chức. Trong ảnh: Cán bộ, công chức UBND huyện Bình Chánh, TP HCM giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: TẤN THẠNH

Ông vừa nhắc đến khó khăn của DN trong tiếp cận đất đai. Các địa phương cần khắc phục vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Đất đai hiện đã trở thành lĩnh vực mà nhiều DN phản ánh khó khăn nhất. Do vậy, chính quyền các cấp cần tập trung vào đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính đất đai và cung cấp thông tin minh bạch hơn cho DN.

Hy vọng quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2024 và các nghị định hướng dẫn có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 sẽ giải quyết được những vấn đề này.

Một điểm đáng chú ý trong báo cáo PCI năm 2023 là tính năng động, tiên phong của đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương giảm sút so với các năm trước. Ông có thể nói rõ hơn về chỉ số này?

- Như tôi đã nêu ở trên, nhóm địa phương dẫn đầu về chỉ số PCI đang có dấu hiệu chững lại, ngay cả Quảng Ninh cũng giảm điểm so với chính họ năm trước đó. Điều này cho thấy sự tương đối thận trọng của các địa phương trong việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Có 20% DN được khảo sát cho biết phản ứng của chính quyền địa phương khi có điểm chưa rõ trong chính sách, văn bản của trung ương là "trì hoãn thực hiện và xin ý kiến chỉ đạo" và "không làm gì". Nó thể hiện sự năng động, sáng tạo của các địa phương trong giải quyết các vấn đề phát sinh của DN đang có chiều hướng giảm.

Do đó, các địa phương cần quan tâm đến chỉ số này để xốc lại tinh thần năng động, tiên phong của cán bộ. Đồng thời, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm mạnh mẽ hơn nữa trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho DN.

Sự năng động, tiên phong của chính quyền các tỉnh, thành phố sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, cần bảo đảm tính ổn định, nhất quán của việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ, công chức.

Theo ông, các địa phương cần cải thiện chỉ số PCI như thế nào để trợ lực cho các DN trong thời gian tới?

- Con số DN rời thị trường được công bố những tháng đầu năm 2024 đã cho thấy những khó khăn rất lớn của DN. Để trợ lực cho DN phục hồi và phát triển, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh và triển khai thực chất hơn nữa các nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm gánh nặng chi phí cho DN, cả chi phí chính thức và không chính thức.

Các địa phương cần tập trung cải cách thủ tục hành chính ở các lĩnh vực còn nhiều phiền hà như thuế, phòng cháy, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Song song đó, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN nhỏ và vừa trong việc tiếp cận nguồn lực để hoạt động. Các chương trình hỗ trợ DN cần tập trung giải quyết hiệu quả những khó khăn chủ yếu của DN đang gặp phải hiện nay như tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật.

Các chương trình hỗ trợ DN trong năm 2024 cần đậm nét hơn, thực chất hơn và đến được với DN nhiều hơn.

Ông NGUYỄN XUÂN KÝ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh:

Không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

7 năm liên tiếp xếp hạng đầu chỉ số PCI là chặng đường kiên trì, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính - một trong 3 khâu đột phá chiến lược của tỉnh Quảng Ninh. Đó còn là kết quả của sự đổi mới phương thức lãnh đạo, xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và DN; tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; kịp thời xử lý các vấn đề mới phát sinh, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Trong thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các DN, nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là DN vừa và nhỏ…

Ông NGUYỄN VĂN ĐƯỢC, Bí thư Tỉnh ủy Long An:

Nâng cao thái độ phục vụ của cán bộ, công chức

Theo kết quả PCI năm 2023, với sự bứt phá mạnh mẽ, tỉnh Long An đã từ vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI năm 2022, vươn lên vị trí thứ 2, với 70,94 điểm. Để có được kết quả đó là sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành tại Long An.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo cắt giảm thủ tục hành chính, giảm sự phiền hà, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, qua đó tạo niềm tin cho nhà đầu tư, DN.

Ông LÊ VĂN HẲN, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh:

Tiếp tục tìm biện pháp để cải thiện

Trong bảng xếp hạng PCI năm 2023, tỉnh Trà Vinh đứng thứ 24, tăng 2 bậc so với năm 2022. Có nhiều chỉ số tăng điểm trong PCI năm 2023 của tỉnh như: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, chi phí thời gian, tính năng động của chính quyền…

Tuy tỉnh Trà Vinh tăng bậc nhưng kết quả đó không như mong đợi. Vì vậy, dựa trên các chỉ số nào tăng ít điểm hoặc giảm, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm biện pháp để cải thiện.

M.Chiến - C.Linh - Tr.Đức ghi

MINH CHIẾN thực hiện

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhin-tu-ket-qua-xep-hang-pci-phai-cai-cach-quyet-liet-hon-196240510221104541.htm