Nhìn từ MH 17 bị hạ ở Ukraine: Ghét chiến tranh không phải là hèn

Ngày 27.7.2002, có một chiếc máy bay rơi ở Ukraine khiến 77 người chết. 12 năm sau, có lẽ nhiều người đã quên mất nó. Nhưng sự kiện ấy thật ra có liên quan đến những chiếc máy bay đã và sẽ rơi từ bầu trời Ukraine vào năm 2014 này. Những cái chết từ bầu trời đã được báo trước. Bởi đó đều là tinh thần của chiến tranh.

1. Ngày 27.7 của 12 năm về trước, phi trường Sknyliv ở thành phố Lviv chật cứng người. Những gương mặt đầy háo hức, đặc biệt là lũ trẻ con. Người già, thanh niên, có cả những gia đình bồng bế nhau phấn khởi như đi chơi công viên. Hôm đó, ở phi trường có một “sự kiện giải trí” đặc biệt. Đó là một buổi trình diễn bay nghệ thuật với sự tham gia của các máy bay quân sự trong không quân Ukraine.

12 giờ 52 phút chiều, thần chết quơ lưỡi hái nghiệt ngã xuống phi trường Sknyliv phũ phàng như gặt cỏ. Một chiếc Su-27 thực hiện động tác lượn gần mặt đất, bỗng mất lái và lao thẳng xuống đám đông đang đứng phía dưới. Nó văng đi trên mặt đất rồi biến thành một quả cầu lửa khổng lồ chụp lấy khán giả. 77 người chết ngay tại chỗ, 543 người bị thương. Trong số những người chết, có 19 đứa trẻ.

Đó là tai nạn khủng khiếp nhất trong lịch sử các cuộc trình diễn bay. Và người ta nên tự hỏi rằng liệu chiếc Su-27 nổ tung năm 2002 ấy, có liên quan gì đến chiếc máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia đã nổ tung trên bầu trời Ukraine 12 năm sau? Máy bay MH17 đã bị bắn hạ bởi một giàn tên lửa đất đối không khi bay qua vùng trời miền Đông Ukraine ngày 17/7 mới đây.

Mh17 của hãng hàng không Malaysia Airline bị bắn rơi trên bầu trời Ukraine ngày 17.7 đã cướp đi gần 300 sinh mạng thường dân.

Sự liên quan ở đây, chính là sự dư thừa năng lượng của cỗ máy chiến tranh khổng lồ được cả thế giới nuôi dưỡng. Bạn có thực sự hiểu được ý nghĩa của việc đem những cái máy bay chiến đấu vốn sinh ra để giết người ra bay biểu diễn? Đó phải chăng là sự “rỗi hơi” của một thế giới trong đó người ta đã chi quá nhiều tiền cho việc chạy đua vũ trang, đến mức không còn biết sử dụng các vũ khí tối tân cho mục đích gì trong thời bình.

Máy bay quân sự phải đi “làm xiếc”, còn những phi công chiến đấu được đào tạo để chiến đấu một cách hết sức nghiêm túc lại làm nghệ sĩ biểu diễn.

Những cuộc bay biểu diễn kiểu đó rất phổ biến ở các nước phương Tây. Ukraine có hẳn một đội bay gồm những phi công tinh túy nhất chuyên đi bay biểu diễn. Thỉnh thoảng, người ta điều động các máy bay quân sự ra thực hiện các cuộc trình diễn ngắn nhân những ngày kỷ niệm của đất nước. Hoạt động này có thể tạm xem là bình thường, bởi nó cũng giống như hoạt động diễu binh, mang tính kỷ niệm hơn là tính trình diễn. Nhưng các “air show”, tức là các buổi trình diễn bay quy mô, kéo dài như sự kiện năm 2002, thì được dùng để thu tiền bán vé, phô diễn sức mạnh, hoặc là để giới thiệu sản phẩm, hòng bán được máy bay quân sự. Cả mấy mục đích ấy đều là kết quả của việc cỗ máy chiến tranh thừa năng lượng trong thời bình.

Tiền bán vé thường được các lực lượng quân đội dùng cho mục đích từ thiện. Nhưng điều đó cũng không biện minh được cho tính chất phi lý của kiểu trình diễn này. Thế giới thiếu thứ để giải trí đến vậy chăng?

Hai phi công điều khiển chiếc Su-27 năm ấy là những con người ưu tú bậc nhất của không quân Ukraine, những người được “thiết kế” để trở thành các anh hùng chiến trận. Nhưng họ đã bị điệu ra tòa án binh vì sai sót trong một show giải trí. Phi công lái chính bị tuyên án 14 năm tù. Anh ta trở thành tổ hợp của một loạt mâu thuẫn: một chiến binh-đóng vai-giải trí-bất thành-hóa ra-tội phạm.

Chiến tranh là điều không mang tính giải trí ở bất kỳ khía cạnh nào. Một cái máy bay quân sự vĩnh viễn là một thứ vũ khí hủy diệt. Thậm chí, vũ khí hủy diệt loại cao cấp nhất. Việc nó trở thành một công cụ biểu diễn, một chiếc Su-27 bay lượn trên đầu một đám đông hàng nghìn người vỗ tay tán thưởng, cũng giống như một giáo sư vật lý đi làm vũ công thoát y: đó là sự khủng hoảng của mục đích tồn tại.

Quan điểm

Theo lẽ tự nhiên, con người không muốn có chiến tranh; cho dù là Nga, là Anh, là Mỹ hay là Đức… Nhưng điều đó [việc lôi kéo con người vào chiến tranh] rất dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần làm là nói với họ rằng họ đang bị tấn công, đồng thời tố cáo những người theo chủ nghĩa hòa bình là những kẻ thiếu tinh thần ái quốc. Ở quốc gia nào mọi chuyện cũng như vậy...

Cuộc bay trình diễn của năm 2002 thoạt nhìn là một hoạt động giải trí vô thưởng vô phạt, nhưng thực chất hàm chứa trong nó năng lượng thừa thãi của chiến tranh. Còn vụ rơi máy bay MH17, có thể coi là biểu hiện của chiến tranh, nhưng thực chất, cũng là một màn trình diễn. Miền Đông Ukraine bây giờ là nơi mà những siêu cường trình diễn “cơ bắp” của họ.

Những đứa trẻ đứng dưới đất háo hức xem máy bay Su-27 lộn nhào của năm 2002, và những đứa trẻ ngồi trên máy bay MH17 háo hức ngắm bầu trời Ukraine qua ô cửa kính vào năm 2014, chúng đều đã bị giết một cách phi lý bởi các thiết bị quân sự mà ý nghĩa tồn tại của chúng đáng phải đặt dấu hỏi.

3. Hãy nghe một cựu phi công chiến đấu nổi tiếng nói về chiến tranh. Đó là Hermann Goering, Tư lệnh không quân Đức trong Thế chiến 2, nhân vật thứ 2 của Đảng Đức Quốc Xã, từng được chỉ định sẽ kế vị Hitler sau khi tên này chết. Hắn ta tất nhiên là một người hiểu về chiến tranh.

“Theo lẽ tự nhiên, con người không muốn có chiến tranh; cho dù là Nga, là Anh, là Mỹ hay là Đức… Nhưng điều đó [việc lôi kéo con người vào chiến tranh] rất dễ dàng. Tất cả những gì bạn cần làm là nói với họ rằng họ đang bị tấn công, đồng thời tố cáo những người theo chủ nghĩa hòa bình là những kẻ thiếu tinh thần ái quốc. Ở quốc gia nào mọi chuyện cũng như vậy” – Goering đã nói trong phiên tòa xử tội ác chiến tranh năm 1946, trước khi hắn ta bước lên giàn treo cổ.

Không ai muốn có chiến tranh. Nhưng Goering quả là một người am tường: nếu bạn tỏ ra rằng mình là người ưa chuộng hòa bình, sẽ có những người ủng hộ chiến tranh quy kết bạn là “không yêu nước”, thậm chí là “hèn nhát”.

Đó là một dạng tâm lý xã hội mà có lẽ chính chúng ta, những người Việt Nam đang trải qua.

Đất nước đang có căng thẳng. Đất nước đang có không ít những lời kêu gọi thiếu kiềm chế trong bối cảnh nhiều người đang cảm thấy bất an. Bản chất con người, đặc biệt là những người Việt Nam đã quá hiểu sự tàn khốc của chiến tranh, muốn chung sống trong hòa bình. Nhưng đôi khi, người ta bị đẩy vào tâm lý chủ chiến bằng một dạng sợ hãi: sợ bị quy kết là hèn, là thiếu yêu nước.

Suốt từ đầu năm 2014 đến nay, bất cứ khi nào giở tờ báo ra bạn cũng có thể cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh. Những người mẹ, người vợ của binh sỹ đã hy sinh tại Gạc Ma năm 1988, mỏi mòn trông ngóng thấy được dù chỉ một mảnh xương con mình, chồng mình quay về với đất liền mà chưa thấy. Những người đồng đội khóc nấc lên trước cái gọi là “đồi thịt băm” ở Vị Xuyên, Hà Giang, nơi có những trung đoàn đã bị xóa sổ sau một trận đánh, hàng trăm, hàng nghìn thanh niên nằm lại mà cho đến hôm nay vẫn chưa được tập kết về phía biên giới Việt Nam, hoặc đã về nhưng trên bia mộ vẫn còn ghi “Chưa biết tên”.

Những người trẻ tuổi có thể không hiểu được điều ấy. Có thể họ chơi games nhiều, hoặc đọc nhiều sách báo, xem phim ảnh và tin rằng chiến tranh thực sự có một ý nghĩa cao đẹp nào đó. Nhưng cần có những người không sợ hãi mà nhắc họ rằng: “Ghét chiến tranh không phải là hèn”.

Bạn có thể nghĩ đến ánh mắt của những đứa trẻ. Những đứa trẻ thơ ngây còn chưa hiểu được chiến tranh nghĩa là gì, chứ đừng nói đến việc chọn phe “chủ chiến” hay “chủ hòa”. Nhưng chúng vẫn phải chết. Chúng chết khi đang háo hức với những chiếc máy bay khổng lồ, thứ mà chúng tưởng rằng là món đồ chơi lớn.

Đức Hoàng: Sinh năm 1987, là một cây viết trẻ, từng công tác tại Báo Bóng Đá, Báo Thể Thao Cuộc Sống, Thể Thao 24h... Hiện Đức Hoàng đang làm việc tại Báo Lao Động. Anh là 1 blogger có tiếng, tài khoản facebook Hoàng Hối Hận có hàng nghìn lượt theo dõi. Truyện “Aquarius hay là Chuyện dân gian ở thời đại chúng ta” của anh được nhiều bạn trẻ biết đến.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/nhin-tu-mh-17-bi-ha-o-ukraine-ghet-chien-tranh-khong-phai-la-hen-464110.html