Nhìn vào vỉa hè, biết đẳng cấp quản trị của Thành phố

Giữ cho trật tự đường phố cũng là giữ cho trật tự xã hội những việc đúng đạo lý. Chỉ trông vào vỉa hè, ta đã thấy được đẳng cấp quản trị của một Thành phố... ”Quốc gia công thổ“ là một khái niệm rất thiêng liêng mà không có bất cứ công dân nào dám vượt qua.

Hơn 100 năm trước, vỉa hè Hà Nội ra sao?

Ngày 3/7/1896, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định về làm vỉa hè các con phố Hà Nội. Theo đó, Sở Quản lý đường bộ chịu trách nhiệm thực hiện thực hiện xây dựng vỉa hè trong phố Hà Nội, chi phí do Sở Quản lý đường bộ chịu trách nhiệm một nửa, nửa còn lại do các chủ đất ven đường chịu.

Đã là phố Tây thì theo luật Tây nghiêm ngặt, chả thế mà các vị trưởng lão mấy làng ven phố Tây khi có lệnh nhập vào thành phố phải làm đơn “xin cho chúng tôi không phải vào thành phố, được là người nhà quê, vì chưa quen với những luật lệ hà khắc của thành phố…”.

Cái luật lệ ấy bao gồm: phải xây nhà gạch, cấm làm nhà mái lá vách đất (dễ cháy), không được vứt rác, thoát nước thải và nước mưa thẳng ra vỉa hè, làm mất vệ sinh sẽ bị phạt nặng. Vỉa hè mới đầu cũng chỉ xây gạch bó vỉa, nền đất nhưng cây cối phải trồng theo thiết kế của Thành phố. Các loại cây cỏ trong vườn cấm không được xòe lá ra vỉa hè.

Vỉa hè Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, rất nhiều gánh hàng rong nhưng không ai được đặt xuống

Mấy chục năm sống trong những quy định nghiêm túc, dân phố Ta cũng theo lệ ấy. Trong nhận thức của bà con Hà Nội từ lâu thì đơn giản chỉ có 2 chữ Chung và Riêng. Nhà tôi (tác giả bài viết) cũng ở mặt phố từ lâu, ông bà tôi để lại cho cái nhà riêng có bằng khoán điền thổ đàng hoàng, ngay trong bằng khoán có một nét mực đỏ gọi là “chỉ giới đường đỏ" phân vạch rạch ròi, bên trong là sở hữu đất tư, bên ngoài là là đất công. ”Quốc gia công thổ“ là một khái niệm rất thiêng liêng mà không có bất cứ công dân nào dám vượt qua.

Vỉa hè Hà Nội đã được bảo toàn hơn 60 năm lịch sử và nó đảm bảo cho thành phố phát triển thương mại dân sinh mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Không một viên gạch tư nào xây lấn, không một kệ hàng nào kê ra vỉa hè. Hàng rong gánh quanh phố thoải mái nhưng ngồi xuống vỉa hè là cảnh sát tuýt còi ngay, bán hàng cũng đứng bán xong rồi đi, không có gánh hàng rong nào bày trên vỉa hè. Hà Nội – Kẻ Chợ phồn vinh bao năm trước đã chứng minh trật tự vỉa hè và kinh tế hàng phố / phố hàng phát triển ngoạn mục.

Kinh tế vỉa hè có phải là đặc sản?

Những năm chiến tranh phá hoại, vỉa hè bị đào bới làm hầm trú ẩn. Khi bom đạn qua đi thì cái hầm biến thành bể trữ nước, cấp từ đường ống cũ kỹ ốm yếu. Hà Nội muôn vàn khó khăn, nhà cửa chật chội, vỉa hè là nơi bà con dùng để đun bếp lò than, bán nước chè, chữa xe đạp hay đơn giản là kê cái chõng ra nằm ngủ những đêm mất điện, dần dà cả ngày cũng không cất vào. Nhưng những thứ ấy chẳng làm nên nền kinh tế vỉa hè.

Những sự tùy tiện như thế này không tạo nên nền kinh tế vỉa hè - ảnh: Tuệ Khanh

Vỉa hè bị lấn chiếm kinh nhất là thời xe Tầu tràn lan, thói quen di chuyển bằng xe máy dưới lòng đường, ghếch chân lên mua hàng. Hàng bày trong cửa hàng nay bày ra sát đường, hàng và xe mua hàng bày đến mức không còn vỉa hè để đi bộ nữa – đó là cuộc lấn chiếm vỉa hè làm kinh tế, gọi tắt là kinh tế vỉa hè.

Mua bán trên hè quen dần tới mức ngại vào chợ vì phải gửi xe, chợ vắng dần, thế là có cớ xã hội hóa đầu tư chợ lên đời thành trung tâm thương mại… Cứ thế, Hà Nội mất vỉa hè, dần dà mất luôn cả chợ. Không còn chợ tập trung thì chợ cóc tràn ra vỉa hè lòng đường nhiều hơn tới mức mất cả đường cho xe chạy.

Thương mại và giao thông là hai yếu tố tương tác để hàng hóa lưu thông thuận tiện. Nhưng thuận tiện có giới hạn chung và riêng. Chiếm cái của chung để thuận cho cái thói quen riêng làm trật tự xã hội đảo lộn.

Từ chỗ người dân chiếm vỉa hè làm nơi kiếm lợi riêng dẫn đến các nhóm lợi ích nhóm liên kết nhau để biến công viên thành khách sạn nhà hàng, chiếm chợ dân sinh, xây trung tâm thương mại tư nhân hóa chỉ còn là quãng ngắn.

Quản lý trật tự đô thị, giành lại không gian vỉa hè mỗi nơi mỗi cách: Trong Nam cần mạnh và nóng thì ngoài Bắc vẫn điềm tĩnh và bền bỉ … “không thể ồn ào” (trich ý kiến của Chủ tịch Thành phố). Vừa duy trì trật tự kỷ cương vừa lo nơi chốn cất giữ xe máy, ô tô ổn định, hợp lý. Đồng thời, mạng lưới giao thông cộng cộng nhiều cấp đáp ứng nhu cầu đi lại từ gần tới xa, từ bãi đỗ xe phân tán về phố trung tâm. Vừa quét vỉa hè sạch sẽ thì cũng lo nơi chợ búa đủ chỗ bán mua. Trật tự vỉa hè bắt đầu từ sự gương mẫu của cơ quan, tổ chức, từ cán bộ công chức cho tới người dân.

Đã làm cho vỉa hè quang đãng thì cũng cần chăm chút cho nó sạch đẹp: Thiết kế cẩn thận, thi công kỹ càng, đừng để gạch lát khấp khểnh mục nát, đừng để các tủ điện, trụ nước, tủ viễn thông bừa bãi – những thứ bày đặt tùy tiện cũng là thứ xấu xí, cẩu thả cần dẹp bỏ như bỏ quán xá vỉa hè bừa bãi.

Những trụ điện được đặt cẩu thả trên vỉa hè Hà Nội trông rất phản cảm - ảnh: Tuệ Khanh

Giữ cho trật tự đường phố cũng là giữ cho trật tự xã hội, những việc đúng đạo lý, hợp lòng dân thì cách nào bà con cũng ủng hộ. Nhiều ý kiến cho rằng: Muốn giữ được trật tự vỉa hè được bền vững thì cần đối thoại thấu đáo với các nhóm liên quan đến cuộc sống vỉa hè?

Đó là với hộ dân mặt phố rằng, họ có cam kết giữ vỉa hè phong quang hay không. Với những tổ chức cá nhân kinh doanh khai thác lòng đường vỉa hè, xem họ có trả đủ tiền đầu tư GPMB xây dựng không hay chỉ thu lợi lớn mà chỉ trả cho ngân sách một khoản tượng trưng. Đối với các đơn vị thiết kế thi công, quản lý vỉa hè xem họ có chịu bồi thường khi để vỉa hè nham nhở, sử dụng không an toàn và chất lượng thường xuyên xuống cấp? Tại Tokyo, tòa thị chính sẽ trả cho công dân 1.000 USD nếu phát hiện ra gạch lát vỉa hè ở đâu có chất lượng kém, bị cập kênh. Vì thế, vỉa hè Tokyo rất trơn nhẵn.

Chỉ trông vào vỉa hè, ta đã thấy được đẳng cấp quản trị của một Thành phố.

Trần Huy Ánh

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201703/nhin-vao-via-he-biet-dang-cap-quan-tri-cua-thanh-pho-559675/