Nhịp nhàng tiếng rao của mấy hàng quà

Đi khắp ngõ phố của Hà Nội, người ta sẽ gặp vô khối gánh hàng rong. Tiếng rao của các cô, các bà vang lên lanh lảnh. Từng nhịp bước mang theo bao tần tảo.

 Những gánh hàng rong mang nhiều thức quà thơm thảo, chân quê vào phố. Ảnh: SGGP.

Những gánh hàng rong mang nhiều thức quà thơm thảo, chân quê vào phố. Ảnh: SGGP.

[…]

Tôi biết dòng đời Hà Nội giờ sôi cuộn hơn bao giờ hết. Đội ngũ người bán hàng rong xuống đường đông đảo lắm so với một thời Hà Nội của tôi, nhọc nhằn mà dịu dàng. Cái nhọc nhằn vẫn đó. Dịu dàng? Còn chăng dịu dàng?

Dịu dàng như tuổi ấy, bắt đầu con gái tóc dày má ấm, qua phố vắng, biết đằng sau, trong quán nước nghèo có những con mắt nhìn theo. Trưa nào rất xa, đạp xe từ trường tít trên Cầu Giấy về, người bâng lâng trong cơn đói định kì, chợt nghe tiếng rao bánh đúc âm âm dọc hành lang thông thống gió, vội vàng chạy ra gọi với chị hàng bánh bụng chửa áo chật da khô và tóc xơ.

Tiếng rao bánh đúc cắt đôi cô hàng xóm quy mô lừng lững mà có cái giọng đến là vẽo vọt đang “mưa vẫn mưa bay”... một trưa mùa hạ, nóng nung người, bỗng dưng có điện, cái quạt tai chuột quên tắt từ đêm bắt đầu lại một vòng quay lờ đờ ân huệ, xa rồi, đôi lúc lại ngỡ lòng như con sông chậm dòng nặng nỗi.

Tôi yêu tiếng rao bánh đúc âm âm qua trưa Hà Nội, trong từng ngõ nhỏ, trên mỗi tầng nhà tập thể. Thứ bánh đúc đổi gạo, bảo ngon thì thực không ngon, cứng mình quá, nồng vôi quá, hạt lạc kẹ ú tim trong miếng bánh không đủ bùi đủ ngọt, bì sao được bánh đúc chợ làng sơ tán năm xưa, trắng mát và mềm mịn, cái bùi cái béo nhẫn nhịn và rất luyến.

Thế nhưng cái nhớ qua ngày tháng vơi đầy nào có khác nhau. Nhớ mặt và nhớ dáng. Sau bao nhiêu chị hàng bánh đúc đi qua ký ức tôi lại chỉ một sắc ấy và dáng ấy.

 Cuốn tản văn Tuổi ấy mình yêu của nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Trẻ.

Cuốn tản văn Tuổi ấy mình yêu của nhà văn Lê Minh Hà. Ảnh: NXB Trẻ.

Bao giờ cũng cái nón úp trên đầu, đơn giản là để chống trời, chẳng hất hay nghiêng làm duyên một chút gọi là cho có. Bao giờ cũng đôi dép lê sản phẩm nhựa tái sinh của một hợp tác xã thủ công nghiệp nào một thời và hai ống quần bạc bụi phố phường, quăn quăn ở mỗi khoeo chân lúc đứng lúc ngồi xắt bánh, rót tương.

Bao giờ cũng vậy, đôi tà áo hớt, nước da khô và đôi mắt ngời ngời của người bụng mang dạ chửa. Bao giờ cũng vậy, bàn tay ngón gầy và cứng chắc chẳng bao giờ đủ sạch khi xắt bánh, cẩn trọng vuốt đồng bạc vừa mới nhận rồi lật cái vỉ buồm đặt vào đáy thúng. Và, bao giờ cũng vậy, chữ e trong từng âm đã bẹp hơn một chút, giọng người ven đô.

Bánh đúc. Kê. Bánh tro. Rượu nếp. Bánh tro của người từ mạn thành Sơn xuống, người bán sẽ sàng lột lá, chiếc bánh mỏng, giòn đấy mà mềm, trong vắt một màu tro ấm quệt ngang đĩa mật óng vàng hoa nắng, ăn vào một trưa xuân muộn, tháng ba ư như rét như không.

Tôi chưa từng nghe tiếng rao của hàng bánh tro. Toàn tiện chuyện với cô hàng xóm mà ăn hương ăn hoa, một hôm ra ngõ, thấy hàng bánh tro đi ngang, cũng lại một người đàn bà còn trẻ trẻ, hay một cô con gái mới chớm xuân thì, dáng đi khổ khổ. Có âm thanh nào im lặng quá, trong tôi.

Hàng kê thì khác. Gần trưa còn vương chút gió hây hẩy từ ban sớm, đột ngột ngân một tiếng “kê...e...e...e...e” dài. Chị hàng kê hay đi qua ngõ nhà tôi tính mềm mỏng mà không xởi lởi. Ai gọi thì đã bước chậm lại chậm thêm một chút, dừng chân xúc kê vàng, thêm chút đường trắng rải đều lên miếng bánh. Bánh đa kê, chỗ giòn chỗ ỉu, đường với kê bùi và ngọt đều rất nhẹ mà rất quện, không gợi thèm mà gợi nhớ bao lâu, cũng chả biết đến bao giờ, một tiếng rao dài và cụt. “Kê...e...e...e...e”, và nắng.

Hàng quà rong, mà là bánh trái, rất hay gặp là mấy chị bánh dày chay. Bánh dày từng chiếc bé bé kẹp vào nhau trong miếng lá chuối tươi xanh cứ mỡ lên. Nhân bánh chỉ là đỗ và đường cát, nhưng trên mặt từng chiếc bánh còn lấm tấm bột đỗ xanh. Đỗ vàng đằm thắm, bột trắng lành lành, lá xanh hơ hớ.

Chị hàng bánh quen chân len lách từng ngõ nhỏ, dừng nơi đầu chợ, tiếng rao chỉ nghe rõ hai tiếng “ai… dày”… Món quà nhường nhịn và chân chỉ ấy thế mà đắt khách, chẳng cứ các bà các cô. Đầu cầu thang một nhà cao tầng kia, giữa ngõ chẳng bao giờ vắng, người ta túm tụm quanh đôi quang thúng của chị hàng.

Nhãng đi một chốc, lại bất ngờ vang tiếng “ai… dày”. Không hiểu sao, đặc biệt ấn tượng với tôi là tiếng hàng quà rao như thế, trong trưa.

[…]

Lê Minh Hà/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhip-nhang-tieng-rao-cua-may-hang-qua-post1456330.html