Nhịp sống mới ở xứ đạo Quỹ Nhất

Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng, Nam Định) thành lập ngày 19-11-2007, trên cơ sở toàn bộ 550 ha diện tích tự nhiên, 1.750 hộ và 6.700 nhân khẩu, với hơn 80% dân số là người Công giáo của xã Nghĩa Hòa. Những năm qua, đảng bộ, chính quyền và người dân xứ đạo Quỹ Nhất luôn nỗ lực xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhịp sống mới đang từng ngày hiện hữu ở xứ đạo vùng ven biển này.

Thị trấn Quỹ Nhất đang phát triển từng ngày.

Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Quỹ Nhất Lại Huy Thong, điểm nhấn trong nhịp sống mới ở xứ đạo Quỹ Nhất là đời sống văn hóa lành mạnh, theo tiêu chí Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" do MTTQ Việt Nam phát động. Từ năm 2003, Đảng ủy thị trấn đã có nghị quyết chuyên đề xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư, UBND thị trấn ban hành Quy chế hoạt động của các nhà văn hóa; Quy ước tổ chức đám cưới, đám tang, mừng nhà mới theo nếp sống mới. Theo đó, đám cưới - ngày hạnh phúc của các bạn trẻ được tổ chức trang trọng tại Nhà văn hóa của xã do Ban văn hóa, Đoàn Thanh niên thị trấn phối hợp thực hiện, có đại diện cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và gia đình cùng dự. Tại đây, đôi uyên ương được trao Giấy đăng ký kết hôn, trao quà tặng, vui văn nghệ mừng hạnh phúc. Việc ăn uống chỉ trong phạm vi gia đình, không quá 50 mâm cỗ. Đối với việc hiếu, gia chủ hầu như không phải lo lắng nhiều vì đã có sự giúp đỡ của bà con chòm xóm... Những quy ước này được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, dần hoàn thiện thành mỹ tục trong mỗi nếp nhà.

Mô hình Câu lạc bộ (CLB) "Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được đánh giá là mô hình hoạt động có hiệu quả nhất ở xứ đạo Quỹ Nhất trong việc tuyên truyền, vận động giáo dân ở cộng đồng dân cư xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch. Bởi có sự kết hợp chặt chẽ giữa MTTQ xã, Ban chủ nhiệm CLB và chức sắc tôn giáo. Hoạt động của CLB được lồng ghép với công tác dân số, gia đình và trẻ em; "Xây dựng khu dân cư 5 không"; xây dựng nông thôn mới; giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn sản xuất nguồn từ ngân hàng người nghèo hoặc từ quỹ dự án tiết kiệm. Như "mưa dầm thấm sâu", thông qua các buổi sinh hoạt trong CLB, mọi người, mọi nhà đều thấy rõ ý nghĩa của việc xây dựng "đời sống văn hóa ở cơ sở" chính là đầu tư cho con người phát triển toàn diện. Từ đó, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Đến nay, cả chín khu dân cư ở Quỹ Nhất đều đạt danh hiệu "Khu dân cư văn hóa"; 98% số hộ dân là "Gia đình văn hóa"; ba giáo họ đạt tiêu chuẩn "Xứ, họ đạo tiên tiến".

Không chỉ lo chuyện kinh tế, giáo dân Quỹ Nhất còn luôn coi trọng việc học tập của con em mình. Bởi họ đều có chung một suy nghĩ: - Đầu tư cho "cái chữ" là cách thoát nghèo bền vững. Tiêu biểu, gia đình ông Phạm Văn Định ở giáo họ Tiên Hương, dù bận rộn với công việc kinh doanh nhưng vẫn chăm lo cho bốn con ăn học đại học, có việc làm ổn định. Sự chắt chiu từng hạt gạo, củ khoai để nuôi con ăn học của mỗi gia đình giáo dân đã làm nên những con số đáng tự hào ở xứ đạo ven biển này. Hằng năm, có từ 60 đến 70 cháu đỗ vào các trường cao đẳng, đại học; hơn 90% số học sinh lớp 9 đỗ vào các trường THPT, trung học nghề; hàng trăm người con của Quỹ Nhất là cán bộ, sĩ quan cao cấp đang làm việc tại các cơ quan ở Trung ương và tỉnh Nam Định.

Ông Trùm chánh Trần Quang Vịnh ở khu phố 6 tâm sự, nhờ có CLB mà giáo dân trong xứ đạo hiểu rõ hơn đường lối đổi mới của Đảng cũng như sự quan tâm của các tổ chức chính trị, đoàn thể ở địa phương đối với người công giáo. Giáo dân Quỹ Nhất sống "tốt đời, đẹp đạo", một lòng theo Đảng, tích cực tham gia các phong trào chung ở địa phương, đóng góp hàng chục tỷ đồng để làm 30 km đường liên khu phố, hơn 30 km đường ra các xứ đồng, hệ thống thủy lợi nội đồng; xây chín nhà văn hóa ở chín khu dân cư và nhà văn hóa trung tâm thị trấn có quy mô 500 ghế ngồi khá khang trang, bề thế; ba trường học (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) đều đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập cho các em học sinh ở mọi lứa tuổi.

Mỗi năm, thị trấn còn trích từ ngân sách để làm phần thưởng học sinh giỏi và hỗ trợ học sinh nghèo. Vì lẽ đó, từ năm 1997 đến nay, ở Quỹ Nhất không còn tình trạng học sinh bỏ học. Đến nay, thị trấn có khoảng 40% số hộ có mức sống giàu và khá, 53% số hộ trung bình, không còn hộ đói. Đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân không ngừng được cải thiện.

Tạm biệt xứ đạo Quỹ Nhất trong tiếng chuông chiều thanh bình, tôi mang theo cả lời tâm sự của ông Trùm chánh Trần Quang Vịnh: "Bà con giáo dân trong giáo xứ Quỹ Nhất sống hài hòa cả đạo và đời, có nhiều đóng góp vào các phong trào chung ở địa phương, giữ gìn an ninh trên địa bàn, chăm lo cho trẻ em học hành đầy đủ, giữ gìn hạnh phúc gia đình, không sa vào các tệ nạn xã hội. Đồng thời đoàn kết với các tôn giáo bạn cùng nhau xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh".

Bài, ảnh: ĐẶNG NGỌC OANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/item/22181602-nhip-song-moi-o-xu-dao-quy-nhat.html