Nhờ Đề án 1816, bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao

Đề án 1816 “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” được Bộ Y tế triển khai thực hiện từ tháng 8/2008 tại Lào Cai đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Bệnh viện đa khoa số I Lào Cai là một trong những bệnh viện thành công khi thực hiện Đề án 1816 với bước chuyển biến tích cực trong công tác điều trị, nhất là về các kỹ thuật ngoại khoa và nội khoa. Nhiều ca bệnh nặng, phức tạp đã được phẫu thuật thành công, nhiều bệnh nhân được hưởng dịch vụ kỹ thuật cao như: Nội soi lấy dị vật đường mật ngược dòng mà không cần phải can thiệp phẫu thuật. ThS.BS. Bùi Chí Nam - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của Bệnh viện cho biết: “Bệnh viện đã được tiếp nhận nhiều kỹ thuật chuyển giao từ các bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, E, Mắt TW. Với sự giúp đỡ của tuyến trên, các cán bộ bệnh viện đã tiến hành nhiều ca phẫu thuật khó, vì thế hạn chế nhiều bệnh nhân phải chuyển viện”.

Đánh giá về hiệu quả thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện E tại Lào Cai, bác sĩ Nguyễn Bá Huệ - Giám đốc Bệnh viện đa khoa số 2 Lào Cai khẳng định: “Nhờ sự tăng cường của thầy thuốc tuyến trên nên đã giải quyết được một số ca bệnh khó tại địa phương, chất lượng điều trị cho người bệnh tại bệnh viện được cải thiện; tạo mối quan hệ thông tin hai chiều giữa tuyến trên và tuyến dưới; học tập kỹ năng, tác phong làm việc khoa học”.

Bác sĩ 1816 sát cánh cùng thầy thuốc của Lào Cai.

Trước khi có Đề án 1816, ngành y tế tỉnh Lào Cai đã có chủ trương luân phiên cán bộ y tế cho các bệnh viện tuyến dưới và đạt được một số hiệu quả nhất định. Sau hai năm thực hiện đề án, những tiến bộ này càng trở nên rõ nét hơn. Lào Cai đã tiến hành luân phiên 36 cán bộ từ những đơn vị “xương sống” có tay nghề và kinh nghiệm về hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến huyện, xã.

Từ khi có cán bộ luân phiên về tuyến dưới, số bệnh nhân điều trị phải chuyển lên tuyến trên đã giảm hẳn (từ 63 bệnh nhân/ tháng xuống còn 43 bệnh nhân/tháng). Xã Cốc Mỳ là một xã vùng sâu của huyện Bát Xát với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống, từ khi triển khai Đề án 1816, người dân ở đây đã được hưởng lợi trong việc khám chữa bệnh. Bà Phàn Thị Hoa (thôn Vĩ Kém) vui mừng: “Có bác sĩ ở huyện về đây khám chữa bệnh cho bà con, bà con vui lắm, mong các bác sĩ về đây nhiều hơn, để bà con khi bị bệnh nặng khỏi phải đi khám bệnh xa”.

Chị Đào Thị Hiểu (thôn Vài Siêu, xã Thượng Hà) đưa con nhỏ đến điều trị tại Bệnh viện của huyện Bảo Yên (Lào Cai) cho hay: “Trước đây, tôi cũng đã vài lần đến điều trị tại bệnh viện, các thầy thuốc ở đây đều rất tận tình. Tuy nhiên lần này tôi đã được các y, bác sĩ của tỉnh cùng với cán bộ của bệnh viện hướng dẫn rất tỉ mỉ trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân nên cháu nhà tôi khỏi bệnh và phục hồi sức khỏe rất nhanh. Mong rằng các y, bác sĩ về ở lâu hơn nữa để giúp đồng bào các dân tộc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe”.

Tuy mới chỉ là những kết quả ban đầu nhưng điều đó thể hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế không chỉ là giải pháp góp phần quan trọng vào việc giải quyết bài toán về nhân lực của ngành y tế mà nó còn mang đậm tính nhân văn, thể hiện truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam; đồng thời, khẳng định Đề án 1816 là một chủ trương hết sức đúng đắn.

HƯƠNG THU

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/20111126113743388p61c67/nho-de-an-1816-benh-nhan-duoc-huong-dich-vu-ky-thuat-cao.htm