Nhớ Trần Hoài Dương, một miền xanh thẳm tuổi thơ

Có những cây bút dành trọn lẽ sống để viết cho thế giới tuổi thơ như một thứ Đạo. 'Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ'.Trần Hoài Dương là một nhà văn như vậy. Ông đã mãi mãi đi về miền xanh thẳm nhưng vẫn còn một 'Miền Xanh Thẳm' tác phẩm kỳ diệu của ông để lại bên bờ trần gian cuộc đời.

Nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) dành trọn cuộc đời viết cho các em thiếu nhi.

Nhà văn Trần Hoài Dương (1943 - 2011) dành trọn cuộc đời viết cho các em thiếu nhi.

Vậy là thời gian cũng đã hơn 6 năm trôi qua như ký ức tôi vẫn còn nhớ mãi buổi sáng ấy. Khi một nhà văn nhân ái viết cho Thiếu nhi bỗng từ biệt tất cả để về miền xanh thẳm. Từ phòng bên, con tôi đang đọc báo bỗng thốt lên: “Ba ơi, bác Dương mất rồi!”. Tôi giật mình thảng thốt: “Bác Dương nào?” nhưng lập tức hiểu ra đó là ai. Tôi quen nhiều người tên Dương, nhưng người mà con tôi gọi bằng bác chỉ có thể là Trần Hoài Dương, nhà văn yêu quý của các con tôi và cả của tôi, từ khi tôi còn bé. Tôi như bị cấm khẩu, mãi lúc sau mới bất giác bật ra: “Bác Dương mất thật rồi sao?”. Mới ngày nào đây sau Tết, hai anh em còn ngồi bên cốc bia luận đàm nhân tình thế thái, vậy mà…

Tuyển tập "Trần Hoài Dương, Con người -Tác phẩm" kỷ niệm 5 năm ngày mất Ông do Nxb Hội Nhà văn ấn hành

Vào một ngày cách đây gần một phần tư thế kỷ, ngồi ăn sáng trên vỉa hè đường Huỳnh Tịnh Của gần ngã ba với đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM, khi thấy tôi giơ tay chào diễn viên điện ảnh Minh Trang vừa đi xe máy từ trong hẻm ra, ông khách ngồi đối diện cùng bàn mỉm cười hỏi: “Bạn quen nữ sĩ này à?”. Với đôi chút tự hào, tôi trả lời rằng tôi với Minh Trang là đồng nghiệp, cùng ngành nhưng khác nghề - cô ấy là diễn viên, còn tôi là biên kịch, biên tập phim. Tôi hơi chán vì ông khách gọi Minh Trang là “nữ sĩ”, nhưng cũng tò mò hỏi lại ông làm nghề gì. “Tôi là Dương. Trần Hoài Dương. Viết văn cho trẻ con” – ông đáp. Trời! Nhà văn Trần Hoài Dương mà tôi từng đọc từ hồi bé đây sao? Tôi nắm lấy tay ông, lắc mạnh, đến nỗi cặp kính dày cộp của ông suýt rớt. Chúng tôi quen nhau từ đó.

Trần Hoài Dương không chỉ là nhà văn mà còn là… ông chủ. Lần nọ, gặp nhau tại trụ sở chi nhánh báo Thiếu niên Tiền phong ở số 1 Cao Thắng, quận 3, TP.HCM, Trần Hoài Dương hể hả khoe: “Mình bây giờ là chủ của rất nhiều nhà máy đấy nhé”. Thì ra, anh vừa cùng một số bạn văn như Nguyễn Mạnh Tuấn, Lê Điệp, Nguyễn Khoa Đăng… rủ nhau lên Gò Vấp mua nhà vườn gần nhau, lập “xóm văn” ở đó. Vườn nhà anh có nhiều cây trái và trong con mắt hồn nhiên như trẻ thơ của anh, mỗi cây là một nhà máy sản xuất ra hương thơm, vị ngọt và đủ mọi sắc màu. Cái nhìn của Trần Hoài Dương quả là luôn tươi mới. Có lẽ vì thế mà văn anh dễ đọc, dễ thấm.

Khi được biết tôi từng du học ở Liên Xô, Trần Hoài Dương thốt lên: “Cây bạch dương đẹp thật đấy!”. Rồi anh lấy làm tiếc là chưa từng được nhìn thấy tận mắt cây bạch dương. Rồi anh hỏi tôi rất nhiều về bạch dương, hỏi rất kỹ, cặn kẽ đến từng chi tiết, như thể anh đang chuẩn bị thực hiện một chuyên luận về loài cây này vậy. Tôi chưa từng thấy ai mê cây bạch dương đến thế. Bất chợt nảy sinh mối liên hệ: phải chăng tên anh, Hoài Dương, đã nói lên điều đó? Cuối cùng, anh cũng đã được nhìn thấy loài cây mà anh yêu thích. Trong những ngày tiễn đưa anh về với “miền xanh thẳm”, nhà thơ Trần Quốc Toàn có cho tôi xem bức ảnh Trần Hoài Dương chụp bên cây bạch dương trong chuyến đi châu Âu vào năm 2004. Ở mặt sau bức ảnh, Trần Hoài Dương viết: “Thân yêu tặng Trần Quốc Toàn tấm hình mình chụp bên cây bạch dương - loài cây mình yêu quý từ thời niên thiếu (qua các tác phẩm cổ điển của nền văn học Nga, những Pushkin, Ê-xê-nhin, Blốc…). Mãi gần cuối đời mới được gặp”. Cũng bức ảnh này, được Trần Hoài Dương phóng to, lồng khung kính treo trong phòng làm việc ở nhà mình. Hôm đám tang, Trần Quốc Toàn đã tự tay dùng dao nhíp mở đinh ốc lấy tấm ảnh ra khỏi khung kính để một đồng nghiệp báo bạn chụp lại cho khỏi bị lóa sáng.

Một niềm đam mê nữa của Trần Hoài Dương là văn học Nga. Ngồi với nhau, anh có thể nói suốt buổi về các tác phẩm, tác giả của nền văn học ấy, bằng một giọng thủ thỉ như tâm tình về những gì mình yêu thương nhất. Thấy tôi ngạc nhiên khi được biết anh xin ra khỏi Đảng, anh lại thủ thỉ: “Thủy đừng nghĩ điều gì không hay về anh. Anh vẫn yêu chủ nghĩa cộng sản theo cách của mình. Nhờ có chủ nghĩa cộng sản mà anh sớm được đến với nền văn học Nga và nền văn hóa Nga nói chung”. Vẫn là cách yêu của một nhà văn có cái nhìn luôn mới!

Nhà văn Trần Hoài Dương và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh (Ảnh: Dương Vân - báo VnE)

Lần nọ, trong một cuộc hội thảo văn học gì đó, trong giờ giải lao, ngồi uống nước với nhau, tôi có nói với Trần Hoài Dương về một chi tiết tôi cho là chưa chính xác trong cuốn sách Miền xanh thẳm mà anh tặng tôi trước đó không lâu. Trần Hoài Dương nhìn tôi trân trối mất một lúc. Tôi phì cười: “Gớm, anh làm gì mà cứ như Trái đất sắp sụp đến nơi vậy?”. Anh vỗ vỗ bàn tay vào cánh tay tôi: “Không, anh ngạc nhiên không phải vì Thủy phát hiện chi tiết sai, mà vì Thủy đã đọc anh”. Tôi hơi cáu: “Vậy nếu em không đọc sách của anh thì mới không đáng ngạc nhiên à?”. Không ngờ, anh hồ hởi hẳn: “Đúng vậy đấy Thủy ạ. Anh tặng sách cho bạn bè, nhiều người chẳng thèm ngó tới, sách nằm mốc meo trên kệ năm này qua năm khác, thậm chí còn bị “cho vào hòm” nữa kia. Sách được đọc là mình mừng”. Giờ đây, nhớ lại, thương Trần Hoài Dương quá. Anh Dương ơi, một số bạn bè, đồng nghiệp có thể không đọc sách của anh, nhưng có sao đâu – suốt gần nửa thế kỷ nay, hàng triệu lượt bạn đọc nhỏ tuổi dù không quen biết anh nhưng vẫn say mê với các tác phẩm hay và đẹp của anh. Ngay cả em cũng từng mê truyện của anh từ thời còn là chú nhóc. Ai quen biết Trần Hoài Dương mà không đọc sách của anh thì chỉ thiệt.

Mấy ngày sau khi Trần Hoài Dương qua đời, trên mạng Internet xuất hiện nhiều bài viết rất cảm động của bạn bè anh như Hoàng Đình Quang, Nguyễn Trọng Tạo, Triệu Xuân… cùng rất nhiều lời bình của bạn đọc gần xa. Ai cũng tiếc thương anh như một người cực tốt và tử tế. Riêng với tôi, hiếm có người tốt và tử tế như anh. Xin dẫn chứng. Lần nọ, Trần Hoài Dương gọi điện cho tôi, xin phép lấy truyện ngắn Hoa cúc xanh của nhà văn cổ điển Tiệp Khắc Karel Tchapek do tôi dịch và in trên báo Văn nghệ để đưa vào một tuyển tập truyện ngắn hay thế giới do anh biên soạn. Tôi nói “xin phép” cho chính danh thôi, chứ thực ra, chỗ anh em, bạn bè, gọi điện báo cho nhau như thế là quá đủ. Tôi “Vâng, vâng” cho qua chuyện rồi lập tức quên bẵng đi chuyện đó – việc tác phẩm văn chương hay báo chí của nhà báo được đăng lại trên báo khác hoặc được đưa vào những tuyển tập nào đó là “chuyện thường ngày ở huyện”, chẳng mấy ai quan tâm. Trong những lần gặp gỡ hoặc chuyện trò qua điện thoại sau đó, tôi và Trần Hoài Dương không ai đả động gì đến chuyện này.

"Miền xanh thẳm", cuốn sách độc đáo của nhà văn Trần Hoài Dương dành cho thế giới tuổi thơ

Thế rồi khoảng nửa năm sau, Trần Hoài Dương gọi điện cho tôi, hẹn gặp ở quán bia trên đường Thích Quảng Đức, gần nhà mới của anh. Gặp nhau, anh ngập ngừng, bối rối chìa cho tôi chiếc phong bì (đựng tiền, tất nhiên) và nói như người có lỗi: “Anh gửi em nhuận bút. Thứ lỗi nhé, nhuận bút tính theo phần trăm giá bìa, chia ra cho nhiều tác giả, được ít lắm”. Tôi phì cười (mà lòng vẫn thương anh): “Anh chỉ khéo cả lo! Thôi được rồi, số tiền này sẽ chi cho bữa bia hôm nay, thiếu thừa gì em chịu”. Nhưng anh vẫn khăng khăng không chấp nhận đề nghị của tôi. Chưa hết! Anh còn nói với tôi như mếu: “Sách biếu tác giả (thực ra là dịch giả - PBT) anh lỡ tặng mọi người hết mất rồi, không còn cuốn nào cho Thủy. Để hôm nào đi nhà sách, anh tìm mua gửi Thủy sau. Hay nếu Thủy thấy thì cứ mua, rồi anh gửi lại tiền cho Thủy”. Anh Dương ơi, mấy đồng bạc có đáng là bao, nhưng em bỗng nghiệm ra: trên đời vẫn còn những con người chu đáo và tử tế như anh. Giờ đây nhớ lại, em cảm thấy cay cay nơi sống mũi.

Trần Hoài Dương âm thầm sống và mài miệt viết. Anh viết dường như chỉ để mang lại niềm vui và tình yêu thương cho con trẻ. Anh không từ chối bất cứ thể loại gì, kể cả những mẩu chuyện con con – những chuyện con con nhưng đầy thú vị. Anh không ưa giới thiệu ồn ào về các tác phẩm của mình. Chính tôi cũng suýt không biết đến một sáng tác của anh nếu con tôi không mua về cuốn truyện tranh mỏng dính có tựa đề Pháo đài kỳ lạ thể hiện một mẩu chuyện của anh chỉ gồm có vài trăm chữ. Trong lời tựa cuốn Trần Hoài Dương – truyện chọn lọc (do người khác tuyển chọn, biên soạn), anh viết: “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ Đạo. Viết là để đem lại lòng yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ nhỏ. Tôi cũng hy vọng những trang viết của tôi không chỉ dành riêng cho trẻ em đọc mà còn cho tất cả những ai muốn tìm lại tuổi thơ đã mất của mình, những ai muốn có những giây phút sống yên bình trong thế giới trắng trong của cái Đẹp và cái Thiện”.

Trong văn chương, nghệ thuật, người ta thường nói đến ba yếu tố Chân - Thiện - Mỹ. Trong đoạn văn trên, Trần Hoài Dương tránh nói đến chữ Chân, có lẽ vì anh quá chân thành…

Phạm Bá Thủy

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/nho-tran-hoai-duong-mot-mien-xanh-tham-tuoi-tho-64221.html