Nhọc nhằn giữ nghề làm cà ràng ở Phú Tân

Tại xã Phú Thọ, huyện Phú Tân, An Giang có một xóm chuyên làm lò cà ràng. Thị trường ngày nay có nhiều thay đổi, người dân chuộng sử dụng những thiết bị hiện đại, tiện dụng... thế nhưng, người thợ ở đây vẫn miệt mài lao động làm ra những chiếc lò cà ràng, không chỉ để mưu sinh, mà còn bảo tồn nghề truyền thống của cha ông.

Cà ràng phải được phơi đủ nắng mới cho vào lò nung.

Nằm trên đoạn tỉnh lộ 953 hướng Phú Tân - Tân Châu, xóm làm lò cà ràng hình thành đến nay gần nửa thế kỷ. Bà Trần Thị Bé Năm, người dân làng nghề nói: "Nghề làm cà ràng hình thành khoảng gần 50 năm nay. Tôi nắn lò cũng gần 20 năm có lẻ rồi. Vì sao người ta theo nghề nhiều thì không rõ, chỉ biết ở miệt Tri Tôn, nghề làm cà ràng của người Khmer phát triển lắm".

Các nhà nghiên cứu cũng không có tư liệu chính xác về lịch sử hình thành của nghề làm cà ràng nơi đây. Theo suy đoán, có thể người dân Phú Tân học nghề làm cà ràng từ bà con Khmer vùng Tri Tôn, dẫn đến sự hình thành xóm nghề.. Mỗi ngày, gia đình bà Bé Năm làm ra khoảng 50 sản phẩm bán "sống" cho chủ lò nung lớn. Bà cho biết, nguyên liệu đất làm cà ràng được mua ở Kiên Giang. Nghề làm lò cà ràng, mỗi thợ lại có bí quyết riêng về tỷ lệ pha trộn giữa đất, tro, trấu, cát... để tạo ra lò đẹp. Lò cà ràng có rất nhiều loại, theo kích cỡ và tên gọi có thể liệt kê: Lò thượng, lò trung, lò hạ, lò mọi, lò kiểu, lò than, lò ống khói... rất đa dạng. Mỗi loại lò lại có cách làm khác nhau.

Đặc biệt, tất cả những công đoạn đều phải làm bằng tay, đòi hỏi sự khéo léo của người thợ. Chồng bà Bé Năm ngồi nắn lò gần đó tiếp lời vợ: "Những khâu quan trọng nhất để tạo hình lò phụ nữ làm thì mới khéo, đạt chất lượng cao". Nghe người thợ kể thì nghề làm lò cà ràng thật lắm công phu. Đầu tiên trộn đất rồi đạp manh đất ra thành từng tấm áo. Sau đó, rải tro khuôn, đắp manh, nắn khuôn, nắn ông Táo, vô vĩ, đạo gọt, làm mâm... cà ràng vừa làm xong được mang đi phơi dưới nắng từ 3 - 4 ngày. Sợ nhất là gặp lúc trời mưa kéo dài, sản phẩm có nguy cơ hư hỏng nếu bị nước thấm.

Nhưng cực nhất là đưa cà ràng vào lò nung, thợ phải thức thâu đêm để canh lửa sao cho lò không lên lửa, chỉ lên khói. Nung kéo dài khoảng 15 giờ cà ràng chuyển màu đỏ thì sản phẩm được hoàn tất. Được biết, người thợ lành nghề lắm cũng chỉ làm ra khoảng 30 chiếc lò "sống"/ngày. Một chiếc lò hoàn thành, bạn hàng mua lại giá chỉ từ 15.000 - 35.000 đồng. Chủ lò kiếm tiền chủ yếu nhờ số lượng cà ràng nhiều. Mấy năm nay, cà ràng tiêu thụ rất chậm và ít ở địa phương. Thương lái mua lò chủ yếu đưa đi các tỉnh xa như: Tiền Giang, Cà Mau, Sóc Trăng...

Nằm giữa hai dòng sông Tiền và sông Hậu, nghề bếp củi cà ràng bắt đầu phát triển mạnh nhất vào những năm đầu đất nước thống nhất, giúp người dân khấm khá lên. Khi xã hội ngày càng phát triển, những sản phẩm tiện dụng, hiện đại, có nhiều người "đổi đời" cái lò đất mộc mạc của gia đình bằng bếp gas, bếp điện, bếp từ. Đời sống người thợ làm cà ràng cũng đổi thay, nhưng theo hướng đi xuống, thu nhập ngày một ít hơn trước. Chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ, nhưng hiện trong xóm chỉ còn khoảng 50 hộ theo nghề.

Bà Trịnh Thị He (61 tuổi, ấp Phú Mỹ Hạ) nói: "Ngày xưa xóm này sung túc lắm, vì nghề dễ kiếm tiền nên gia đình nào cũng làm. Nhưng khoảng chục năm trở lại, do sự tiện lợi của bếp gas, bếp điện, bếp từ mà bếp lò cà ràng giảm sút đáng kể. Nhiều gia đình bỏ nghề hoặc gượng duy trì để tìm nghề khác dễ sống hơn...".

Chủ lò lớn kiếm thu nhập tương đối, người làm cà ràng nhỏ chỉ chút ít. Như gia đình bà Bé Năm là điển hình. Mỗi ngày làm ra đến 50 lò cà ràng "sống", trừ chi phí, mỗi sản phẩm lời khoảng 2.500 đồng. Lãi chẳng có là bao. "Nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình từ lâu là 10 công ruộng, còn làm cà ràng chỉ là phụ thêm" - Bà Bé Năm bộc bạch. Hôm chúng tôi đến tìm hiểu, 12 giờ trưa, hai vợ chồng bà vẫn miệt mài nắn lò. Hỏi ra mới hay vợ chồng bà vừa nghỉ trưa xong chừng một giờ để tranh thủ cơm nước. Còn mỗi sáng từ 6 giờ 30 phút, họ đã bắt tay vào làm lò cà ràng... Hẳn yêu nghề của cha ông lắm người thợ mới có thể duy trì việc làm vất vả như vậy, trong khi thu nhập "bọt bèo"...

Đến Phú Tân khi trời còn tờ mờ sáng, không khó bắt gặp hình ảnh người phụ nữ ở xóm nghề cần mẫn đạp xe chở những chiếc lò cà ràng đi bán. Để làm ra sản phẩm và sản phẩm đến tay người tiêu dùng là quá trình vất vả của những người thợ làm cà ràng ở Phú Thọ.

Nguyễn Minh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/baobienphong/news/nhoc-nhan-giu-nghe-lam-ca-rang-o-phu-tan/27459.bbp