Nhóm lên ngọn lửa nhân ái

Chiến dịch tình nguyện hè của tuổi trẻ TPHCM đã chạm cột mốc 24 năm, trong đó có 20 năm chính thức mang tên Mùa hè xanh (MHX).

Bước chân của các chiến sĩ tình nguyện TPHCM đã đặt lên khắp nẻo đường đất nước, từ thành phố đến nông thôn, từ biên cương đến hải đảo, sang đến cả nước bạn Lào và Campuchia. Từng chương trình, hoạt động, việc làm thiết thực đã giúp mùa hè trở thành một học kỳ ý nghĩa của học sinh - sinh viên...

Dấu ấn tuổi trẻ

Ngồi trong ngôi nhà vừa được xây dựng xong, bà Huỳnh Thị Hoa (53 tuổi, ngụ huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long) xúc động nói: “Nhờ có tụi nhỏ, vợ chồng tôi có được căn nhà tươm tất này. Gần 1 tháng nay, ngày nào tụi nhỏ cũng qua đây làm việc. Đứa nào cũng siêng năng, mưa gió gì cũng đến làm vì sợ chiến dịch kết thúc mà nhà chưa xây xong”. Nhìn các bạn sinh viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn đang gắng sức hoàn thành những công đoạn cuối của căn nhà, bà Hoa nói với giọng buồn buồn: “Vài bữa nữa chúng nó đi, nhà này sẽ buồn lắm vì thiếu tiếng cười, tiếng nói, tiếng gọi má Hoa ơi tụi con tới rồi vào mỗi sáng”.

Nhà bà Hoa là 1 trong 129 căn nhà được xây mới, sửa chữa trong chiến dịch MHX 2017 trên cả nước. Với chủ đề “Chiến sĩ tình nguyện MHX TPHCM chung tay xây dựng văn minh đô thị và nông thôn mới”, các bạn trẻ đã thực hiện nhiều hoạt động, công trình ý nghĩa như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân ngoại thành; phổ cập tin học cho thiếu nhi; xây dựng, sửa chữa các cây cầu bắc qua sông, suối; xây dựng công trình cung cấp nước sạch cho người dân; nâng cấp, trang bị các sân chơi cho thiếu nhi ngoại thành…

Một hoạt động ý nghĩa trong chiến dịch MHX năm nay là công trình số hóa mộ liệt sĩ, giúp cung cấp những thông tin cơ bản nhất về phần mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Công trình đã tích hợp toàn bộ dữ liệu các bia mộ của hơn 14.000 liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng; hướng dẫn tìm kiếm tên, quê quán, đơn vị cũng như hướng dẫn lộ trình đến các khu vực phần mộ. Ngoài ra, từ công trình này, mọi người có thể truy cập tiểu sử, hình ảnh, tư liệu các liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, cũng như giúp gia đình, thân nhân, đồng đội chủ động cung cấp những di vật, tài liệu, câu chuyện của những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Dù đã rời đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) để về lại đất liền, nhưng các chiến sĩ MHX Trường Đại học Luật TPHCM không thể quên được ánh mắt rạng ngời niềm vui của các em thiếu nhi trên đảo, khi lần đầu tiên được bước chân vào “Phòng thực hành cho em”. Đây là nơi sẽ tạo điều kiện cho các em tiếp cận được những thí nghiệm vật lý, hóa học bằng những bài giảng lý thú. Ngoài ra, tại phòng sách “Thư quán Bách Khoa”, lần đầu tiên các em nhỏ trên đảo Thổ Chu có thể tìm được những quyển sách, câu chuyện mình yêu thích. Đây là 2 trong số những công trình thiết thực được các chiến sĩ MHX thực hiện bằng ý tưởng của mình và sự tài trợ xã hội hóa, nhằm mang tiện ích đến người dân trên đảo.

Sức lan tỏa mạnh mẽ

Theo anh Phạm Kiều Hưng, Chỉ huy trưởng chiến dịch MHX năm 2017, phong trào tình nguyện của tuổi trẻ TP ngày càng lớn mạnh, mở rộng quy mô, vươn đến các mặt trận.

Từ khởi điểm chỉ 10 đội hình với hơn vài trăm chiến sĩ, đến nay có những năm lực lượng lên đến hơn 100.000 lượt sinh viên, thanh niên, cùng người dân tham gia. Nếu bắt đầu chỉ là chương trình Ánh sáng văn hóa hè thì nay quy mô hoạt động đã vươn đến tất cả các vấn đề an sinh xã hội, xây dựng TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Bên cạnh đó, các mặt trận cũng được mở rộng từ 5 huyện ngoại thành TPHCM ra các tỉnh trong nước, biển đảo và cả mặt trận 2 nước bạn Lào, Campuchia. Ngoài ra, MHX còn thu hút được cả sinh viên quốc tế, các văn nghệ sĩ trẻ cùng tham gia.

“Ý nghĩa nhất qua một mùa hè tình nguyện, tôi cho rằng không chỉ thể hiện ở những việc làm, công trình thiết thực đã làm được, mà chính là những tình cảm đọng lại trong lòng người dân, các em nhỏ và các chiến sĩ tình nguyện. Chính câu chuyện người dân chờ chiến sĩ ở những ngày đầu hè, đến quyến luyến chia tay khi xong chiến dịch cho thấy, các bạn trẻ đã thắp lên ngọn lửa ấm áp trong lòng người dân”, anh Phạm Kiều Hưng đánh giá.

Nhiều bạn trẻ qua MHX đã biết nấu cơm bằng củi, có thêm mẹ nuôi, chị nuôi để những mùa hè sau có thể quay về thăm viếng. Nhưng trên hết, khi tận mắt nhìn thấy những mảnh đời khó khăn, những hoàn cảnh neo đơn của cụ già, những thiếu thốn của các em nhỏ, các chiến sĩ tình nguyện được thấu hiểu để từ đó trân quý gia đình, bản thân hơn và biết mình cần sống có ích hơn mỗi ngày.

Những công trình của chiến dịch MHX năm 2017

- Nâng cấp, bê tông hóa 52,5km đường, hẻm.
- Xây mới, sửa chữa 19 cây cầu bê tông, 129 căn nhà tình bạn, tình thương, tình nghĩa. 
- Cải tạo, khơi thông 50 tuyến kênh, rạch.
- Nâng cấp, trang bị 13 sân chơi thiếu nhi.
- Xây dựng 16 công trình lọc nước.
- Xây dựng 231 tuyến hẻm, 35 chung cư văn minh, sạch đẹp, an toàn.
- Sửa chữa điện cho 611 hộ gia đình nghèo.
- Tư vấn giới thiệu việc làm cho 4.370 thanh niên.
- Bồi dưỡng kỹ năng ngoại ngữ, tin học cho hơn 25.738 người.
- Trao tặng 254 máy tính.
- Bồi dưỡng, phát triển mới 1.593 đoàn viên.
- Giới thiệu kết nạp Đảng 129 chiến sĩ.

THÁI PHƯƠNG

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/nhom-len-ngon-lua-nhan-ai-461235.html