Nhu cầu tiêu thụ yếu 'phủ bóng' phục hồi các công ty vật liệu xây dựng

Các doanh nghiệp (DN) vật liệu xây dựng cần hết sức cẩn trọng trong thời gian tới trước dự báo nhiều khó khăn khi giá tăng, tiêu thụ giảm, cạnh tranh khốc liệt. Nhất là nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong suốt cả năm 2023 và 'phủ bóng' vào nỗ lực phục hồi của các DN.

Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 tổ chức vào ngày 11/5, Tổng công ty Viglacera - CTCP đã đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.210 tỷ đồng, giảm đến 48% so với kết quả thực hiện được trong năm 2022.

Lường trước lợi nhuận tụt dốc

Lý giải về chỉ tiêu sụt giảm này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Viglacera, cho biết tình hình thị trường bất động sản năm 2023 rất xấu, do đó ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty. Trong đó, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là kính.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong suốt cả năm 2023 và “phủ bóng” vào nỗ lực phục hồi của các DN vật liệu xây dựng.

Nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong suốt cả năm 2023 và “phủ bóng” vào nỗ lực phục hồi của các DN vật liệu xây dựng.

Theo ông Tuấn, đầu ra của lĩnh vực kính bị ảnh hưởng bởi bất động sản trầm lắng. Ngoài ra, do đặc thù mảng kính, khi thị trường kém thì vẫn phải sản xuất, điều này tạo sức ép lên giá, cùng với đó là chi phí đầu vào tăng. Điều này phải chấp nhận theo diễn biến thị trường.

Đối với mảng kính, lợi nhuận đóng góp trong năm nay của Viglacera dự kiến giảm khoảng 883 tỷ đồng so với thực hiện năm 2022, nguyên nhân là do giá bán kính bị ảnh hưởng rất lớn từ quý 4/2022.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2023 được công bố gần đây của DN này cho thấy doanh thu thuần đạt gần 2.775 tỷ đồng, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, do lĩnh vực vật liệu xây dựng đang gặp khó khiến doanh thu thuần của công ty đi xuống.

Đáng chú ý là lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua của Viglacera đạt hơn 151,5 tỷ đồng, giảm đến 79,9% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng giảm hơn 600 tỷ đồng). Theo giải trình, nguyên nhân do lĩnh vực vật liệu xây dựng gặp khó trong khâu tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu giảm, dẫn đến lợi nhuận giảm.

Tình hình thị trường vật liệu xây dựng trong các tháng tới được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn cho các DN trong lĩnh vực này khi mà giá tăng, tiêu thụ giảm. Dự kiến giá vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục tăng khoảng 3,2% trong năm 2023, do tăng theo giá nguyên vật liệu đầu vào.

Mặc dù giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tăng tốc trong những quý tới, tuy nhiên nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa được cho sẽ tác động đáng kể đối với nhu cầu vật liệu xây dựng trong năm nay.

Chẳng hạn như với mảng vật liệu thép. Trong báo cáo mới phát hành từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, có cho rằng nhu cầu tiêu thụ yếu vẫn sẽ phủ bóng lên triển vọng phục hồi của các công ty thép nửa cuối năm 2023.

Cẩn trọng chờ thị trường “rã đông”

Như lưu ý của VnDirect, triển vọng ngành bất động sản dân dụng ảnh hưởng lớn nhất đến nhu cầu ngành thép Việt Nam khi chiếm khoảng 60-65% nhu cầu toàn ngành.

Theo đó, vẫn còn quá sớm để đánh giá thị trường bất động sản liệu có sớm “rã đông” khi hiệu quả thực tế triển khai các chính sách (trong đó có Nghị định 10/2023/NĐ-CP sửa đổi được ban hành vào đầu tháng 4/2023, góp phần tạo cơ sở giải quyết các nút thắt pháp lý về bất động sản) vẫn còn bỏ ngỏ và nhiều điểm nghẽn vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Do vậy, giới phân tích kỳ vọng nguồn cung bất động sản nội địa sẽ chỉ có thể được hồi phục từ năm 2024 khi luật đất đai sửa đổi được thông qua tháo gỡ hàng loạt, đồng bộ các nút thắt pháp lý và áp lực tài chính, lãi suất được giảm bớt khi các ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn cũng như kích cầu người mua nhà.

Điều này dẫn tới việc nhu cầu thép Việt Nam sẽ chỉ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024. Còn năm nay, khả năng tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng-tôn mạ của Việt Nam trong năm 2023 sẽ giảm lần lượt 9,2% - 7% so với cùng kỳ năm trước, xuống mức 9,5 triệu tấn – 3,9 triệu tấn.

Hoặc như thị trường xi măng. Theo dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng trong nước năm nay chỉ quanh mức 65-66 triệu tấn, trong khi đó nguồn cung xi măng có thể lên khoảng 120,7 triệu tấn sau khi tiếp tục có một số dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động trong năm 2023. Sự bất cân xứng cung cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung này có thể gây nên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các DN trong ngành này.

Trước tình hình tiêu thụ ảm đạm, trong quý 1/2023 vừa qua một số công ty xi măng đã phải báo lỗ lớn, đơn cử như CTCP Xi măng Bỉm Sơn, CTCP Xi măng Vicem Hà Tiên, CTCP Xi măng Vicem Bút Sơn, CP Xi măng Phú Thọ…

Ngoài vấn đề tiêu thụ gặp khó thì giá vốn tăng cũng là áp lực lớn cho các DN vật liệu xây dựng. Như chia sẻ của ông Phạm Trung Thành, Giám đốc CTCP khoáng sản Fecon (FCM), một trong những thách thức là giá nguyên nhiên liệu chính, đặc biệt là xi măng, thép, đá biến động tăng cao. Công ty sẽ tìm kiếm cấp phối mới, vật liệu mới để góp phần vào giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Cũng theo ông Thành, ở trong nước Chính phủ đang từng bước tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, tuy nhiên theo nhận định phải đến nửa cuối năm nay thị trường mới có thể ấm trở lại.

Cần nhắc thêm yếu tố ảnh hưởng đến sự phục hồi của các công ty vật liệu xây dựng, đó là trong khảo sát gần đây của Tổng cục Thống kê với các DN xây dựng cho thấy, những yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đang nằm ở vấn đề “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. Như trong quý 2/2023, có 51,2% DN xây dựng dự báo “giá nguyên vật liệu tăng cao” và 43% DN nhận định “không có hợp đồng xây dựng mới”.

Tựu trung lại, trước nhiều thách thức và dự báo không mấy khả quan như vậy (nhất là nhu cầu tiêu thụ vẫn sẽ yếu trong suốt cả năm 2023) thì các DN vật liệu xây dựng nên cẩn trọng trong thời gian tới, cần bám sát, cập nhật thị trường để có các giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn và sẽ phải rất nỗ lực để phục hồi.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nhu-cau-tieu-thu-yeu-phu-bong-phuc-hoi-cac-cong-ty-vat-lieu-xay-dung-1092511.html