Nhức nhối tình trạng buôn lậu xăng dầu trên biển

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ mua bán xăng dầu lậu trên biển được các cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tuy nhiên, đó chỉ là 'phần nổi của tảng băng chìm', thực tế, tình trạng buôn lậu xăng dầu đang diễn ra vô cùng phức tạp, gây thất thu hàng nghìn tỷ đồng đối với ngân sách nhà nước, làm rối loạn thị trường, khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn.

Gia tăng vi phạm

Do mức chênh lệch giữa giá bán xăng dầu trong nước so với xăng dầu nhập lậu ở mức cao, vào khoảng 10 nghìn đồng/lít, khiến các đầu nậu bất chấp các thủ đoạn, sẵn sàng mua bán trái phép xăng dầu trên biển nhằm đưa vào thị trường nội địa tiêu thụ, kiếm lời bất chính. Cụ thể, tối 27-8, quá trình tuần tra, giám sát ở vùng biển Quảng Ninh, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phát hiện tàu vận tải QN 3268 thuộc Công ty TNHH Vận tải sông biển Diệp Dũng (Quảng Ninh) chở 700 nghìn lít dầu đi-ê-den (DO) không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có sáu thuyền viên, do ông Nguyễn Văn Hưng (trú tại phường Yết Kiêu, TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm thuyền trưởng, tất cả không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định và không xuất trình được hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Thuyền trưởng Hưng khai, đã mua dầu từ một tàu dầu không rõ số hiệu tại vùng biển Thái Bình, đang trên đường về khu vực Hòn Gai tiêu thụ.

Ngày 7-8, Hải đoàn Biên phòng 18 (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) phát hiện tàu BV 0456 vận chuyển 40 nghìn lít dầu DO không rõ nguồn gốc. Khi kiểm tra, ông Nguyễn Văn Mười (SN 1951, trú tại phường 12, TP Vũng Tàu, quản lý tàu) không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trước đó, ngày 5-8, tại vùng biển cách Vũng Tàu khoảng 60 hải lý, lực lượng chức năng phát hiện tàu BT 99827 (tàu cá cải hoán) do ông Lê Hữu Hùng (SN 1969, trú thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu) làm thuyền trưởng có dấu hiệu vi phạm nên tiến hành kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, tàu đang vận chuyển khoảng 60 nghìn lít dầu DO, nhưng thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc; ba thuyền viên trên tàu không có đủ bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn; tàu không có đăng kiểm, đăng ký theo quy định.

Không chỉ các đối tượng là người Việt Nam, một số đối tượng mang quốc tịch nước ngoài cũng tham gia vận chuyển, buôn bán trái phép xăng dầu nhằm trục lợi bất chính. Ngày 7-6, lực lượng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 (BTLVCSB 3- đóng trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu) phát hiện tàu chở dầu PRINCES SOFEA (quốc tịch Ma-lai-xi-a) có dấu hiệu bán dầu cho một tàu cá của Việt Nam. Thấy lực lượng chức năng, tàu cá nổ máy bỏ chạy. Tiến hành kiểm tra tàu PRINCES SOFEA, BTLVCSB 3 phát hiện hơn một triệu lít dầu DO, tuy nhiên thuyền trưởng M.Hô-xa-in (quốc tịch Băng-la-đét) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Qua làm việc, thuyền trưởng này khai nhận, số dầu trên tàu là của ông A.I-bra-him (quốc tịch Xin-ga-po, là chủ tàu) mua ở ngoài lãnh thổ Việt Nam, sau đó chỉ đạo thuyền trưởng vận chuyển sang vùng biển Việt Nam để bán cho các tàu cá. BTLVCSB 3 đã lập biên bản tịch thu số dầu DO này, đồng thời xử phạt hành chính thuyền trưởng tàu PRINCES SOFEA 175 triệu đồng. Cuối tháng 5, tàu CSB 3001 của BTLVCSB 3 phát hiện tàu chở dầu NORWATTANA (quốc tịch Thái-lan) có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra.

Qua kiểm tra, trên tàu NORWATTANA có 100 nghìn lít dầu DO nhưng thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Cùng thời điểm này, lực lượng BTLVCSB 3 tiếp tục phát hiện tàu cá (đã hoán cải) Vinh Phát đang cập mạn, bơm dầu cho hai tàu cá số hiệu BT 94257 TS và BT 94527 TS. Tại thời điểm đó, trên tàu Vinh Phát có khoảng 30 nghìn lít dầu DO nhưng không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Theo cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển dầu trái phép trên biển có thể chia thành ba nhóm đối tượng như các chủ ghe cá mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán ngay cho các ghe cá khác; các chủ tàu, doanh nghiệp (DN) tư nhân gom mua dầu từ các tàu vận tải rồi bán cho các tàu cá hoặc các đại lý xăng dầu trên bờ; các tàu được phép bán lẻ dầu thay vì mua dầu từ đất liền thì họ mua ngay của các tàu chở dầu trên biển để bán lại. Tuy nhiên, nổi cộm hiện nay chủ yếu là các đối tượng làm việc trên các tàu chuyên dùng vận tải xăng dầu.

Khi thực hiện hợp đồng vận chuyển từ nước ngoài về cho các đầu mối xăng dầu trong nước, đã móc nối với các đối tượng ở nước ngoài để gian lận về số lượng (hàng hóa dôi ra so với hợp đồng vận chuyển), khi về đến vùng biển Việt Nam, các đối tượng này móc nối với các công ty, DN kinh doanh xăng dầu đưa tàu ra khu vực cách bờ khoảng 40 đến 50 hải lý để vận chuyển vào vùng nội thủy tiêu thụ và các chủ ghe hoán cải tàu cá thành tàu chở dầu, rồi mua bán, vận chuyển dầu trái phép trên biển.

Tăng chế tài xử phạt

Mặc dù các lực lượng chức năng đã tăng cường công tác phòng, chống và ngăn ngừa các hành vi vi phạm, tuy nhiên, tình trạng buôn bán xăng dầu lậu vẫn diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí, có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi. Liên quan vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hùng Sơn, Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hầu hết các phương tiện chở xăng dầu lậu đều trang bị ra-đa, định vị hiện đại để rà quét, phát hiện từ xa và sẵn sàng lẩn trốn khi có “biến”. Trong đó, các đối tượng sử dụng nhiều “chiêu trò” như khi giao nhận hàng có thể thả neo, cặp mạn để bơm dầu hoặc vừa chạy chậm vừa bơm xăng dầu, khi phát hiện nghi vấn liền rút ống bơm rồi tăng tốc chạy trốn. Mặt khác, các đối tượng liên hệ với nhau bằng sim rác, thường xuyên giao nhận hàng vào ban đêm. Đặc biệt, các tàu cá mua dầu của tàu nước ngoài trên biển về bán lại thì lực lượng chức năng càng khó phát hiện.

Đại tá Phạm Văn Đệm, Phó Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, năm 2016, lực lượng biên phòng đã bắt giữ, xử lý 60 vụ, 112 đối tượng, thu giữ hơn 5,2 triệu lít xăng, gần 630 nghìn lít dầu; thu tiền phạt hơn hai tỷ đồng, thu tiền bán tang vật phát mại đạt hơn 5,3 tỷ đồng. Riêng đợt cao điểm Tết Đinh Dậu 2017 đã phát hiện, thu giữ tang vật gần 10,8 triệu lít xăng, hơn 5,5 triệu lít dầu. Phương thức hoạt động chủ yếu như lợi dụng giấy phép nhập khẩu xăng dầu, quay vòng hóa đơn,… Cá biệt, có DN mua xăng dầu hợp pháp từ Dung Quất ra biển bán cho ngư dân, sau đó đến địa điểm đã hẹn trước nhập lậu xăng dầu từ tàu nước ngoài và sử dụng chính bộ hóa đơn hiện có để hợp thức lô hàng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thành Long dự báo, tình hình buôn lậu xăng, dầu trên vùng biển Vũng Tàu từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi các lực lượng chức năng phải tăng cường tuần tra, kiểm soát, nhất là vùng biển tiếp giáp với các nước để kịp thời phát hiện các tàu chở dầu trái phép từ nước ngoài sang vùng biển nước ta. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tàu, thuyền của Việt Nam khi hoạt động trên biển; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con ngư dân, không vì lợi ích nhỏ trước mắt mà tham gia mua bán xăng dầu trái phép trên biển. Đồng thời, sớm có giải pháp tăng chế tài xử lý đối với hành vi mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu, bởi từ trước đến nay, hầu hết vẫn chỉ là xử lý hành chính.

Trước tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra phức tạp, gây thất thu ngân sách, ảnh hưởng hoạt động kinh tế và an ninh quốc gia, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) đã ban hành kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ đạo các bộ, ngành quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng này. Theo đó, thời gian kế hoạch được phát động và triển khai sâu rộng, kéo dài trong một năm từ tháng 6-2017 đến 6-2018.

Bài và ảnh: TUẤN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/item/34048302-nhuc-nhoi-tinh-trang-buon-lau-xang-dau-tren-bien.html