Những ai đang muốn ông Kim Jong-un bị lật đổ?

Sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trên truyền thông Triều Tiên thời gian qua đã gây ra nhiều đồn đoán trong đó ở một số nước rộ lên tin ông bị đảo chính.

Bắt đầu từ Trung Quốc

Sau khi về việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un vắng bóng suốt từ ngày 3/9 đến nay trên chí Triều Tiên được loan báo, một loạt các tin đồn đã bùng phát. Có nhiều quan điểm khác nhau nhưng tập trung lại thì hình thành hai luồng ý kiến chính. Đó là đồn ông Kim đang bị bệnh phải điều trị và luồng thứ hai cho rằng ông đã bị đảo chính.

Tin đồn đảo chính xuất hiện sớm nhất có lẽ là từ cộng đồng mạng Trung Quốc. Từ 29/9, trang mạng Wantchinatimes đã dẫn tin tức từ mạng Douwei của Trung Quốc nói rằng rất có thể ông Kim Jong-un đang bị quản thúc bởi ông Hwang Pyong-so, người được coi là nhân vật số 2 ở Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong-un.

Trang mạng Trung Quốc cũng nói đến tham vọng “chiếm ngai vàng” của ông Hwang Pyong-so để làm lý lẽ chứng minh cho giả thiết của mình.

Tin đồn lan truyền trong cộng đồng mạng Trung Quốc chính thức được tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc nhắc đến khi tờ báo này chỉ trích cộng đồng mạng nước họ đang lan truyền những “tin đồn nhảm” về một cuộc đảo chính ở Triều Tiên hôm 29/9.

Triều Tiên và Trung Quốc đã có quan hệ thân thiết trong nhiều năm sau cuộc chiến tranh 1950-1953. Tuy nhiên, kể từ khi Bình Nhưỡng bắt đầu thực hiện chương trình hạt nhân thì mối quan hệ Trung-Triều dần dần trở nên lạnh nhạt. Đặc biệt kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền thì Triều Tiên dường như có xu hướng muốn thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Đầu năm nay, Hàn Quốc tiết lộ rằng Thông tư nội bộ của Đảng Lao Động Triều Tiên đã chỉ trích Trung Quốc là “hàng xóm tồi” vì đã “hùa” theo Mỹ để chỉ trích chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Về phía Trung Quốc, trong hơn 1 năm qua, họ đã cắt giảm nguồn cung cấp xăng dầu cho Triều Tiên khiến Bình Nhưỡng rơi vào cảnh thiếu nhiên liệu trầm trọng.

Trên mạng Sina của Trung Quốc hồi tháng 8, cư dân mạng nước này đã lập một topic bàn về các kẻ thù tiềm năng của nước này. Đáng lưu ý trong đó đã có những người đưa cả Triều Tiên vào danh sách. Điều đó cho thấy sự “cơm không lành canh không ngọt” trong quan hệ hai nước.

Theo sau là phương Tây

Giả thiết đảo chính ở Triều Tiên được báo chí phương Tây tiếp sức khi đăng các nhận định bày tỏ các mối hoài nghi về sự vắng mặt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Ông Shin Gi-wook, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương Shorenstein thuộc Đại học Stanford cho rằng rất có thể đảo chính hoặc một cái gì tương tự đã xảy ra. Ông này nói: “Choi Ryong-hae chỉ ngồi ở vị trí số 2 trong vòng 6 tháng, một quãng thời gian quá ngắn ngủi. Ở bất cứ nước nào cũng vậy, nếu nhân vật số 2 bị thay đổi nhanh như vậy, có nghĩa là điều gì đó đã xảy ra”.

Tiếp đó, hôm qua, báo chí phương Tây lại dẫn lời ông Jang Jin-sung, một cựu quan chức Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-il và hiện đang lưu vong ở châu Âu, nói rằng hiện giờ ông Kim không có thực quyền và Bình Nhưỡng hiện đang được đặt trong tình trạng “nội bất xuất ngoại bất nhập”.

Khá bạo miệng, ông này còn cho rằng Kim Jong-un thực sự đã bị lật đổ từ 2013 và chính trường Triều Tiên hiện thời là do một cơ quan mang tên Cục Tổ chức – Hướng dẫn (ODG) điều khiển.

Giáo sư Toshimitsu Shigemura, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Waseda (Nhật Bản) cũng nói với báo Telegraph của Anh rằng việc Bình Nhưỡng phong tỏa đồng nghĩa với chế độ Kim Jong-un đã trở nên bất ổn cực kỳ nguy hiểm. Ông này nói: “Việc này cho thấy rằng đã có đảo chính hụt hoặc giới chức Triều Tiên đã phát hiện một âm mưu nào đó chống lại nhà cầm quyền. Nếu đó là cuộc đảo chính do quân đội hậu thuẫn thì tình hình ở Bình Nhưỡng sẽ rất nguy hiểm. Tôi thấy có một số báo cáo nói rằng, ông Kim Jong-un đã bị đưa ra khỏi thủ đô”.

Qua những xuất xứ của các tin đồn về đảo chính như nói ở trên, có lẽ người Triều Tiên cũng đã thấy rõ đâu là những người đang mong muốn lãnh đạo tối cao của họ bị hạ bệ. Phương Tây thì rõ rồi, từ lâu họ đã giữ thái độ thù địch với Triều Tiên và Bình Nhưỡng cũng luôn đề cao cảnh giác với họ. Tuy vậy, những luồng đồn đại từ chính các cư dân mạng ở đất nước được coi là láng giềng “anh em” thì Triều Tiên cần lưu tâm.

Trần Vũ

Xem thêm video clip : Sư đoàn 324 diễn tập đánh địch trên địa hình rừng núi

Nguồn ĐS&PL: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-ai-dang-muon-ong-kim-jong-un-bi-lat-do-a151671.html