Những ảnh hưởng đến sức khỏe của giày cao gót

Hầu hết chị em đều cảm thấy tự tin hơn khi mang những đôi giày cao vì chúng giúp tôn dáng và quyến rũ hơn. Nhưng bạn có biết rằng giày cao gót chính là yếu tố hàng đầu gây nên các vấn đề về chân ở phụ nữ?

Ảnh minh họa

Giày cao gót khiến phụ nữ có thể ăn gian vài cm chiều cao nhưng lại gây thiệt hại về khớp và có thể gây viêm xương khớp. Hơn nữa, trọng lực cả cơ thể chỉ dồn vào một đôi giày nên nó có thể dẫn đến cong xương sống, đồng thời dịch chuyển xương chậu, chân mất độ nhạy bén cần thiết và dáng đi có thể bị biến dạng.

Dưới đây là những ảnh hưởng sức khỏe của giày cao gót:

Bệnh về khớp, cột sống

Phụ nữ mang giày cao gót làm tăng sức ép lên đầu gối khoảng 26%. Điều này đồng nghĩa với việc bạn dễ đau nhức đầu gối nếu đi trong thời gian dài. Vị trí khớp dễ bị đau nhất là nằm ở dưới đế chân. Toàn bộ trọng lực cơ thể bị dồn xuống mũi chân, bàn chân dễ bị bè ra, đau nhức.

Khi bạn đi giày cao gót, cơ thể nghiêng về phía trước để bù đắp cho các vị trí chân không tự nhiên, vì thế mà cột sống sẽ bị cong lệch. Theo thời gian, bạn sẽ có cảm giác nhức mỏi lưng, dễ bị gai cột sống hay dáng đi không còn đẹp và thẳng.

Đau thần kinh tọa

Cột sống thay đổi khác đi so với cấu trúc tự nhiên có thể làm đè lên và gây áp lực đối với các dây thần kinh, gây đau thần kinh tọa – một tình trạng vô cùng đau đớn và khó chịu nhiều phụ nữ đã gặp phải.

Ảnh hưởng đến sinh sản

Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh, đi giày cao gót quá thường xuyên sẽ làm phái đẹp gặp chứng lãnh cảm, giảm ham muốn về mặt tình dục.

Lí do giải thích là giày cao gót có tác động xấu đến khung xương chậu, chi phối và làm rối loạn hoạt động của hệ thống niệu sinh dục. Hệ quả là chúng ta sẽ bị lãnh cảm vì máu lưu thông không đều ở khu vực này.

Thay đổi giải phẫu cơ thể

Khi thường xuyên mang giày cao gót, các cơ lưng và cơ bắp chân bị rút ngắn lại, có thể dẫn đến các cơn đau, cứng cơ, chuột rút, đặc biệt viêm-cứng gân Achilles (gân gót) là cấu trúc thường bị ảnh hưởng nhất ở phụ nữ.

Gia tăng chứng vẹo ngón cái (Hallux valgus)

Tình trạng ngón cái vẹo vào trong sẽ làm cho bàn chân đau đớn do lực ma sát gây ra trong quá trình đi lại. Chứng bệnh này liên quan đến quá trình đi giày cao gót thường xuyên và một số trường hợp do yếu tố di truyền. Đã có nhiều bệnh nhân nhờ đến bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để cải thiện về nguyên dạng ngón chân. Tuy nhiên, nếu sau quá trình phẫu thuật vẫn tiếp tục đi giày cao gót thì tất yếu sẽ dẫn đến tật vẹo ngoài ngón cái cấp độ 2.

Làm cách nào để hạn chế tác hại khi mang giày cao gót?

Nếu việc đi giày cao gót đối với những cô gái là không thể tránh khỏi, hãy tuân thủ những điều sau để giảm bớt những tác hại gây ra cho sức khỏe:

- Đi giày gót thấp, đế bệt là lựa chọn tốt nhất để bảo vệ cơ thể bằng việc phân bổ trọng lượng cơ thể đều hơn so với đi giày quá cao.

- Sử dụng lót đế mềm mại sẽ làm giảm áp lực lên phần đầu gối của bạn, giúp giảm thiểu các vấn đề gây đau khớp và đầu gối.

- Không đi giày quá chật hay rộng so với kích cỡ của chân.

- Hạn chế việc đi lại hoặc đứng lâu.

- Chăm sóc chân mỗi ngày bằng cách ngâm chân trong nước ấm, muối gừng trong 10-15 phút. Bạn có thể để một ít sỏi nhỏ dưới thau để đôi chân được thoải mái, giải tỏa được căng thẳng trong công việc. Ngâm chân với nước muối ấm còn giúp bạn có giấc ngủ thật sâu và ngon giấc hơn.

Thanh Hải (TH)

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suc-khoe-c-84/nhung-anh-huong-den-suc-khoe-cua-giay-cao-got-71252.html